Glenda Grey, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y tế Nam Phi (SAMRC), cho biết thông tin trong cuộc họp báo với Bộ Y tế Nam Phi.

Omicron gây nhiễm đột phá gấp 3 lần Delta, mũi vắc xin tăng cường J&J hiệu quả 85% chống nhập viện

Sơn Vân | 14/01/2022, 19:04

Glenda Grey, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y tế Nam Phi (SAMRC), cho biết thông tin trong cuộc họp báo với Bộ Y tế Nam Phi.

Glenda Grey nói mũi vắc xin COVID-19 tăng cường của Johnson & Johnson có hiệu quả 85% trong việc bảo vệ khỏi phải nhập viện do biến thể Omicron trong vòng 1-2 tháng sau khi được tiêm.

Glenda Grey đã trình bày những phát hiện từ một nghiên cứu SAMRC tại cuộc họp của Bộ Y tế Nam Phi về làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, chủ yếu do biến thể Omicron gây ra.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã thấy hiệu quả của vắc xin Johnson và Johnson là 85% và chúng tôi thấy rằng hiệu quả của loại vắc xin này được duy trì trong tối đa hai tháng. Chúng tôi rất vui khi báo cáo mức độ hiệu quả rất cao của vắc xin chống lại Omicron".

Nghiên cứu liên quan đến 477.234 nhân viên y tế, tất cả đều được tiêm vắc xin Johnson & Johnson (loại 1 mũi công nghệ vector vi rút), trong đó khoảng một nửa (236.000 người) đã nhận mũi tăng cường cùng loại này.

Nghiên cứu SAMRC đã xem xét các trường hợp nhập viện của những nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư và phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường Johnson & Johnson giảm 63% số lần nhập viện trong 2 tuần đầu tiên sau khi tiêm, tăng lên 85% trong khoảng từ 1 đến 2 tháng.

Glenda Grey nói: “Đây là bằng chứng đầu tiên trên thế giới về hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson chống lại Omicron”.

Các nhà chức trách Nam Phi đến nay vẫn duy trì sự ưa chuộng với vắc xin Pfizer hơn khi tiêm 21 triệu liều cho dân, nhiều gấp 3 lần so với khoảng 7 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson.

Thế nhưng, tiêm vắc xin Johnson & Johnson được coi là thích hợp hơn về mặt hậu cần vì chế độ tiêm 1 liều, dễ thực hiện hơn ở các vùng nông thôn hẻo lánh, nơi việc theo dõi có thể khó khăn.

Hơn nữa, vắc xin Johnson & Johnson dễ bảo quản hơn (2 - 8 độ C) so với Pfizer (tủ lạnh âm sâu -90 độ C đến -40 độ C).

Dữ liệu mới đã hỗ trợ bằng chứng toàn cầu rằng Omicron có thể tránh được kháng thể do vắc xin tạo ra để lây nhiễm cho con người.

Trong số những nhân viên y tế tham gia nghiên cứu, có khoảng 30.000 ca nhiễm đột phá (tiêm vắc xin đầy đủ vẫn nhiễm SARS-CoV-2) trong làn sóng dịch Omicron, so với chỉ khoảng 11.000 ca ở đợt dịch trước do các biến thể Delta và Beta gây ra.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những người bị nhiễm HIV dễ phải nhập viện hơn vì Omicron.

Glenda Grey cho biết: “Họ (những người đang nằm viện) có nhiều khả năng nhiễm HIV và ít mắc các bệnh đi kèm khác hơn so với giai đoạn dịch Beta và Delta”.

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở Nam Phi là khoảng 13% dân số.

mui-vac-xin-tang-cuong-jj-hieu-qua-85-chong-nhap-vien-do-omicron.jpg
Mũi vắc xin tăng cường Johnson & Johnson hiệu quả 85% chống nhập viện do Omicron trong 1-2 tháng sau khi tiêm

Kết quả thử nghiệm được công bố vào tháng 9.2021, trước khi Omicron xuất hiện, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 trung bình đến nặng ở những người tiêm mũi Johnson & Johnson thứ hai trong 2 đến 6 tháng sau lần đầu đã tăng từ 74% lên 94%. Theo Maureen Ferran, Phó giáo sư sinh học tại Viện Công nghệ Rochester (Mỹ), lượng kháng thể trung hòa cũng tăng gấp 4 lần.

Nghiên cứu của Johnson & Johnson cho thấy nếu tiêm mũi tăng cường vắc xin này khoảng 2 tháng sau lần đầu tiên, lượng kháng thể sẽ tăng 4-6 lần. Nếu tiêm mũi hai sau 6 tháng, lượng kháng thể tăng tới 12 lần.

Thế nhưng, hiệu quả mũi tăng cường của Johnson & Johnson không cao bằng Pfizer hay Moderna.

Trong thử nghiệm lâm sàng do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện, những người nhận vắc xin Johnson & Johnson ban đầu và tiêm liều tăng cường Moderna đã tăng nồng độ kháng thể trung hòa gấp 76 lần.

Trước đó, nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna giúp chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong khoảng 10 tuần.

Theo dữ liệu được tìm thấy trong thế giới thực, khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron gây ra đã giảm tới 25% trong vòng 10 tuần.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khả năng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm từ 70% xuống 45% trong vòng 10 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech cho những người ban đầu nhận hai liều vắc xin này.

Trong cùng một phân tích được công bố mới đây, UKHSA phát hiện ra hiệu quả của mũi vắc xin Moderna tăng cường kết hợp với hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech ban đầu giữ mức chống nhiễm Omicron có triệu chứng từ 70% đến 75% trong tối đa 9 tuần.

Với những người ban đầu nhận hai liều vắc xin AstraZeneca, hiệu quả mũi tăng cường giảm từ 60% xuống 35% với Pfizer và xuống 45% với Moderna sau 10 tuần, UKHSA cho biết.

Omicron gây lây truyền vi rút không triệu chứng cao hơn các biến thể trước.

Những phát hiện sơ bộ từ hai thử nghiệm lâm sàng ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có tỷ lệ "truyền tải không triệu chứng" cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Điều này có thể giải thích tại sao nó lây lan nhanh như "cháy rừng" trên toàn cầu.

Một nghiên cứu được thực hiện khi số ca nhiễm Omicron gia tăng ở Nam Phi vào tháng trước. Một nghiên cứu khác lấy mẫu xét nghiệm những người tham gia cùng thời điểm.

Kết quả cho thấy một số lượng lớn hơn những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng so với các thử nghiệm trước đây.

Trong thử nghiệm Ubuntu đánh giá hiệu quả vắc xin Moderna ở những người nhiễm HIV, 31% trong số 230 người tham gia khám sàng lọc cho kết quả dương tính với COVID-19, với tất cả 56 mẫu có sẵn để phân tích giải trình tự đều là biến thể Omicron.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ dương tính trước khi Omicron xuất hiện, dao động từ dưới 1% đến 2,4%”.

Trong thử nghiệm Sisonke đánh giá hiệu quả vắc xin Johnson & Johnson, tỷ lệ lây truyền không có triệu chứng trung bình đã tăng lên 16% trong giai đoạn dịch Omicron bùng phát, so với 2,6% trong đợt bùng phát dịch Beta và Delta.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của Sisonke bao gồm 577 người được tiêm vắc xin trước đó, với kết quả cho thấy tỷ lệ lây truyền cao ngay cả ở những người đã tiêm phòng COVID-19”.

Họ nói thêm rằng "tỷ lệ lây truyền không triệu chứng cao hơn có thể là một yếu tố chính trong sự phổ biến nhanh chóng và rộng rãi của biến thể Omicron, ngay cả trong những quần thể có tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó".

Nam Phi trải qua đợt tăng ca mắc COVID-19 từ cuối tháng 11.2021, vào khoảng thời gian các nhà khoa học cảnh báo với thế giới về Omicron. Song, số ca COVID-19 mới ở quốc gia châu Phi gần đây đã giảm trở lại và các dấu hiệu ban đầu cho thấy làn sóng dịch Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn những đợt dịch trước đó.

Bộ trưởng Bộ Y tế Joe Phaahla cho biết vắc xin và tỷ lệ mắc COVID-19 cao ở Nam Phi dường như đang bảo vệ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng hơn từng thấy trong 3 đợt dịch trước đó.

Bài liên quan
2 thử nghiệm ở Nam Phi lý giải vì sao Omicron lây lan nhanh như 'cháy rừng'
Những phát hiện sơ bộ từ hai thử nghiệm lâm sàng ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có tỷ lệ "truyền tải không triệu chứng" cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Điều này có thể giải thích tại sao nó lây lan nhanh như "cháy rừng" trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Omicron gây nhiễm đột phá gấp 3 lần Delta, mũi vắc xin tăng cường J&J hiệu quả 85% chống nhập viện