Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược "Zero COVID", nhưng đợt bùng phát mới với số ca tăng đột biến có thể khiến "thành trì" này lung lay.
Trung Quốc đại lục đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 1- 14.3, ảnh hưởng tới 28 tỉnh và khu vực, trong đó có các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải. Đây được coi là làn sóng dịch nghiêm trọng nhất ở đại lục kể từ sau khi COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán năm 2020. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng tiếp tục đóng cửa ở các thành phố lớn và sự bất ổn kinh tế.
Một số khu vực của Trung Quốc đang rơi vào căng thẳng khi thực hiện xét nghiệm hàng loạt và cách ly những người bị nhiễm bệnh theo chính sách "Zero COVID" nghiêm ngặt của Trung Quốc mặc dù số ca COVID-19 tại Trung Quốc vẫn thấp hơn so với trung bình số ca ghi nhận mỗi ngày toàn cầu
Tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch hiện nay. Các thành phố bị ảnh hưởng đang gấp rút để chuẩn bị các bệnh viện dã chiến. Một quan chức địa phương cho biết hôm 15.3, các nguồn cung cấp phòng chống dịch bệnh của tỉnh này sẽ cạn kiệt trong 2-3 ngày tới.
Chen Zhengmin, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh), cho biết: "Hai tuần tiếp theo là chìa khóa để xác định liệu các chính sách hiện tại có thể thực sự hiệu quả trong việc hạn chế sự gia tăng lây nhiễm hay thậm chí là hoàn toàn không có ca bệnh nào ở một thành phố như chúng ta đã thấy trong năm ngoái hay không".
Trung Quốc đã duy trì chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt để kiểm soát số ca mắc, trong đó có các biện pháp phong tỏa nhanh, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt khi ổ dịch xuất hiện. Tuy nhiên, biến thể Omicron lây lan nhanh đang đặt ra thách thức cho nước này.
Mặc dù Trung Quốc có tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 90%, nhưng các chuyên gia Trung Quốc cho biết đối tượng người cao tuổi chưa được tiêm liều tăng cường đầy đủ dẫn đến việc có nguy cơ tử vong và mắc bệnh nặng. Cũng chưa rõ vắc xin của Trung Quốc làm giảm nguy cơ phát triển bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra như thế nào.
Chính phủ Trung Quốc đã dồn toàn lực vào trận chiến COVID-19 và sẽ không muốn thay đổi hướng đi trong một năm Bắc Kinh muốn duy trì sự ổn định trước những sự kiện chính trị lớn trong nước.
“Việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn hơn”, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Mi Feng cho biết hôm 15.3. Nhưng ông nhấn mạnh "thực tế đã được chứng minh" rằng các biện pháp chống dịch hiện tại của Trung Quốc vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Nước này cũng đang phải vật lộn để cân bằng các biện pháp chống đại dịch với sự phục hồi kinh tế. Các nhà phân tích của Citi ước tính làn sóng lây nhiễm mới nhất sẽ làm giảm 0,5-0,8% GDP của Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên xem xét các biện pháp ít gây gián đoạn hoặc tiêu tốn tài nguyên hơn, gồm cả việc cho phép các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng được điều trị tại nhà, mặc dù một động thái như vậy khó có thể xảy ra sớm.
Chen nói: "Cách làm cũ đã rất hiệu quả, bất kể cái giá phải trả là bao nhiêu, và phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị lớn nhất. Ngoài ra, nếu có sự thay đổi nào được thực hiện, người dân có thể hiểu sai rằng chúng tôi đã từ bỏ".
Một số chuyên gia đã nói rằng cách chống dịch của Trung Quốc không còn bền vững.
Giáo sư Đại học Kyoto (Nhật Bản) Hiroshi Nishiura, người dẫn đầu một nghiên cứu sớm về thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm 2020, cho biết ông "không lạc quan lắm", ngay cả khi chính sách "Zero COVID" chặt chẽ làm chậm sự lây lan dịch bệnh.
"Việc bùng phát nhiều làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron ở Trung Quốc sẽ là điều khó tránh khỏi", Nishiura nói.
Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa các biện pháp hạn chế có mục tiêu để ngăn chặn sự lây lan của vi rút và đảm bảo sự gián đoạn không làm xấu đi triển vọng kinh tế vốn đã không chắc chắn.
Thượng Hải và Thâm Quyến đã áp dụng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hiếm khi xảy ra ở hai thành phố này. Một thành phố đóng cửa tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, thành phố còn lại đình chỉ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Giáo sư Jin Dong-Yan thuộc Đại học Hong Kong cho biết chính sách COVID-19 của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ, nhưng việc gia tăng hơn 1.000 ca mắc mới trong một ngày là một dấu hiệu cảnh báo.
Để tăng cường khả năng phòng dịch của Trung Quốc, các nhà chức trách tuần trước đã cấp phép lưu hành 5 bộ xét nghiệm COVID-19 kháng nguyên nhằm phục vụ nhu cầu tự xét nghiệm của người dân trong bối cảnh biến thể Omicron đang có dấu hiệu lây lan tại quốc gia này.
Trung Quốc cho biết vào ngày 15.3 rằng những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại các cơ sở tập trung. Điều này sửa đổi yêu cầu việc chuyển họ đến bệnh viện, trước những lo ngại về nguồn lực y tế.
Huang Yanzhong, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: "Tình huống xấu nhất đối là biến thể Omicron sẽ gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc và cả đất nước sẽ ngập trong các ca bệnh COVID-19".
Ở Trung Quốc, số người chết do COVID-19 chính thức hầu như không thay đổi kể từ năm 2020, chỉ có hai trường hợp tử vong được báo cáo vào năm 2021 và không có trường hợp nào trong năm nay.
Nishiura cho biết: "Người cao tuổi ở Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng bởi các biến thể của Omicron, do đó một số lượng đáng kể các trường hợp mắc bệnh và tử vong".
Có những dấu hiệu cho thấy một số thành phố tại Trung Quốc đang đi theo đường lối khó khăn hơn.
Thành phố Thâm Quyến, nơi có khoảng 17,6 triệu dân, cho biết hôm thứ 14.3 rằng chỉ một thành viên trong hộ gia đình được phép 2-3 ngày ra ngoài một lần để mua nhu yếu phẩm.
"Tôi nghĩ không có cách nào để ngăn chặn biến thể Omicron vào lúc này. Cách duy nhất là duy trì trạng thái bình thường và sống chung với vi rút. Ở nước ngoài, người ta coi COVID-19 giống như cảm lạnh. Nhiều người đã khỏi bệnh và đi khắp nơi. Tại sao chúng ta lại bị mắc kẹt ở đây?", một người đang cư trú ở Thâm Quyến và là chủ sở hữu của một công ty khởi nghiệp cho biết.
Trong khi đó, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc cho biết, 106 chuyến bay quốc tế dự kiến đến Thượng Hải sẽ được chuyển hướng đến các thành phố nội địa khác từ ngày 21.3 đến ngày 1.5 do COVID-19.
Các doanh nghiệp từ nhà sản xuất ô tô BYD đến nhà điều hành KFC Yum China cho biết hoạt động sản xuất của họ đã bị ảnh hưởng, dự kiến sẽ có nhiều gián đoạn hơn khi các làn sóng dịch bệnh gia tăng.
Thành phố Trường Xuân (Trung Quốc) cũng đã bị phong tỏa sau các đợt bùng dịch mới.
Guo, chủ một tiệm trang điểm và làm nails, cho biết cô lo lắng về tình hình kinh doanh của mình. "Tôi cảm thấy rất lo lắng. Chỉ những ai ở trong vùng dịch mới hiểu được cảm giác này", Guo chia sẻ.