Thế vận hội Olympic 2024 khai mạc vào cùng tuần lễ mà Trái đất ghi nhận ngày nóng nhất từ ​​trước đến nay. Cùng với đó là trận mưa kỷ lục.
Kiến thức - Học thuật

Olympic 2024 căng mình chống biến đổi khí hậu: Hết mưa lại nóng

Anh Tú 11:02 01/08/2024

Thế vận hội Olympic 2024 khai mạc vào cùng tuần lễ mà Trái đất ghi nhận ngày nóng nhất từ ​​trước đến nay. Cùng với đó là trận mưa kỷ lục.

Trong lúc các VĐV căng sức đua tài tại Paris, cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến ban tổ chức cũng phải căng mình để duy trì giải đấu đúng tiến độ. Một trận mưa lớn đã đổ xuống lễ khai mạc với lượng mưa tương đương một tháng và hậu quả của nó đã làm căng thẳng hệ thống thoát nước 200 năm tuổi của thủ đô nước Pháp. Việc xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Seine đã làm chậm cuộc thi bơi marathon cũng như phần bơi trong ba môn phối hợp.

nong(1).jpg
Nắng nóng
nong2(1).jpg
và mưa nhiều đề bất lại cho các VĐV

Đối với các VĐV, người hâm mộ và ban tổ chức, thách thức này có hai mặt: thể thao hiện đại vừa là con tin, vừa là chất xúc tác cho quá trình nóng lên toàn cầu.

Trận mưa lớn ở thủ đô nước Pháp vào cuối tuần đã nhanh chóng được thay thế bằng cái nóng ngột ngạt. Theo một nghiên cứu mới, sự thay đổi đột ngột giữa hai kiểu thời tiết khắc nghiệt như vậy là điển hình cho sự thay đổi khí hậu của Trái đất.

Thời tiết khắc nghiệt, thể thao mạo hiểm

Các nhà khoa học đã cảnh báo từ lâu rằng không khí ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn. Trái đất đã ấm lên khoảng 1,5°C kể từ khi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch quy mô công nghiệp bắt đầu, làm tăng thêm 10% hơi nước vào tầng thấp của khí quyển và khiến các cơn bão có nhiều mưa hơn.

Điều vẫn chưa rõ ràng là tất cả độ ẩm bổ sung đó sẽ được phân phối như thế nào. Một phân tích mới cho thấy nó phân phối không đồng đều chút nào, với những trận mưa như trút nước sau những đợt hạn hán liên tiếp, đồng thời lượng mưa trong năm xuống một địa điểm nhất định lại rơi tập trung trong ít ngày hơn.

Đây chính là những gì đã xảy ra ở Paris và hệ thống xử lý nước thải của thành phố vốn được xây dựng trong điều kiện khí hậu tiền công nghiệp. Có thể nói người Pháp đã không chuẩn bị tốt hệ thống thoát nước trong tình hình mới. Nếu cơ sở hạ tầng ngày càng lỗi thời do thời tiết, thì công tác tổ chức sẽ “ăn đủ”.

Mark Charlton, giảng viên chính sách công tại Đại học De ​​Montfort, cho biết: "Bây giờ thật khó để tưởng tượng bất kỳ môn thể thao nào trên thế giới không chịu nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng trước thời tiết khắc nghiệt, dù là hiện tại hay trong tương lai".

Trong bài đánh giá của mình về cuốn sách mới “Warming Up: How Climate Change is Changing Sport” (Nóng lên: Biến đổi khí hậu đang thay đổi nền thể thao như thế nào) của nhà sinh thái học thể thao Madeleine Orr, Charlton đã nêu bật một số cách mà thể thao đang thay đổi. Các cuộc chạy marathon hiện có xu hướng chuyển sang thi đấu vào lúc nửa đêm, các cuộc đua xe đạp đã bị rút ngắn và mùa trượt tuyết đang thu hẹp.

Trên thực tế, các môn thể thao mùa đông phải đối mặt với một tương lai đặc biệt đáng ngờ. Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã trì hoãn quyết định lựa chọn thành phố đăng cai Thế vận hội mùa đông 2030 (dù đã chọn được chủ nhà Olympic mùa hè 2032) vì lo lắng về liệu thời tiết nơi đăng cai có triển vọng tuyết rơi đúng thời điểm không.

Charlton ví von “Tuyết tan nhanh để lại dư âm của sự tuyệt vọng”, đồng thời lưu ý rằng tình trạng nhân viên các khu trượt tuyết mắc chứng nghiện rượu đang gia tăng. Lý do: “Việc giảm thời gian tập luyện trượt tuyết thực sự khiến nhân viên phải uống rượu giải sầu”.

83 chai rượu vang cho mỗi người

Thế vận hội Olympic hiện đại ngày càng độc hại do thải ra quá nhiều khí nhà kính. London 2012 và Rio 2016 là những kỳ ô nhiếm tồi tệ nhất khi thải ra lượng khí tương đương hơn 3 triệu tấn CO₂. Tokyo 2020 chỉ thải dưới 2 triệu tấn – nhưng đó là giải không có khán giả nước ngoài đến do tổ chức trong thời kỳ đại dịch COVID.

Ban tổ chức Paris 2024 đã đặt mục tiêu thải dưới 1,6 triệu tấn. Với khoảng trên 13 đến 16 triệu du khách dự kiến tới Paris thì cần khống chế thải tương đương 100 đến 125 kg CO₂ mỗi người, hoặc tương đương lượng khí thải liên quan đến việc tiêu thụ 31 chiếc bánh mì kẹp thịt bò – hoặc 83 chai rượu vang.

Làm thế nào để các nhà tổ chức Olympic ở Paris hy vọng sẽ thải ra ít hơn giải đấu trước với nhiều khách du lịch quốc tế hơn đáng kể (thường là một trong những nguồn phát thải lớn nhất tại một sự kiện thể thao lớn)?

Anne de Bortoli, một nhà nghiên cứu về tính trung hòa carbon tại École des Ponts ParisTech cho biết: "Nghị quyết đầu tiên là hạn chế xây dựng. Trong số 26 địa điểm thi đấu, 95% cơ sở hạ tầng đã tồn tại hoặc tạm thời. Bất kỳ tòa nhà mới nào cũng được thiết kế để thải ra ít CO₂ hơn so với trung bình"

Theo de Bortoli, trung tâm thể thao dưới nước, nơi sẽ tổ chức lặn và bóng nước, là một mô hình tốt cho thiết kế các địa điểm thể thao thân thiện môi trường với khung gỗ, tấm pin mặt trời trên mái nhà và chỗ ngồi làm từ vật liệu tái chế.

Ban đầu, tinh thần xanh mở rộng đến làng Olympic ở ngoại ô phía bắc Paris, nơi các VĐV không được cung cấp máy điều hòa. Một quyết định đáng khen ngợi khi xét đến gánh nặng khí thải của việc làm mát nhân tạo. Thế nhưng, nó không ngăn cản các đoàn thể thao giàu có chi tiền lắp riêng thiết bị làm mát và dẫn đến sự bất công. Cuối cùng, ban tổ chức lại phải lắp hàng ngàn máy làm mát di dộng.

Theo de Bortoli, chính quyền cũng sẽ giảm lượng khí thải của thành phố vĩnh viễn bằng cách mở một tuyến đường bộ mới để đáp ứng (và có thể khuyến khích) nhiều phương tiện giao thông đường bộ hơn. Bà lập luận rằng cơ sở hạ tầng mới như thế này có thể tránh được nếu quy mô Thế vận hội được thu nhỏ lại và tổ chức ở nhiều thành phố thay vì tập trung vào Paris. Bà cho biết sẽ cần những thay đổi triệt để nếu giải đấu muốn tồn tại lâu dài.

Đối với Brian P. McCullough, phó giáo sư quản trị thể thao tại Đại học Michigan, tinh thần của giải đấu mang lại hy vọng và nguồn cảm hứng dồi dào. Ông nói: “Về bản chất, Thế vận hội, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, là ngày hội thể thao xanh của hành tinh. Đó là một ví dụ về những gì các sự kiện thể thao lớn có thể làm để giảm tác động của chúng đến môi trường và thúc đẩy các giải pháp bền vững tới nhân loại”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Olympic 2024 căng mình chống biến đổi khí hậu: Hết mưa lại nóng