Ngày 21.9, chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Lê Bách - Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết hàng năm số lượng phát hành SGK đáp ứng được tới 65% nhu cầu sử dụng của học sinh tuy nhiên việc kinh doanh SGK khiến NXB lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

NXB Giáo dục kêu lỗ khi kinh doanh SGK, Bộ GD-ĐT lập đoàn thanh tra

Hải Yến | 22/09/2018, 06:19

Ngày 21.9, chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Lê Bách - Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết hàng năm số lượng phát hành SGK đáp ứng được tới 65% nhu cầu sử dụng của học sinh tuy nhiên việc kinh doanh SGK khiến NXB lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

NXB Giáo dục Việt Nam kêu lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm vì SGK

Đề cập tới chi phí đầu vào và giá thành của SGK, ông Bách cho hay, các khoản chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ yếu tố chi phí nguyên nhiên vật liệu (giấy in, chi phí điện, nước, xăng dầu…), chi phí nhân công, tiền công in trả các nhà in, chi phí vận chuyển... đều tăng mạnh qua các năm.

Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

Đáng chú ý, về doanh thu và lợi nhuận bán SGK, do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục Việt Nam đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ.

Ông Bách chia sẻ, NXB Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng. Điều này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản phát hành SGK.

Ông Bách cũng cho biết, khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển. Ông Bách cho biết mặc dù cả Bộ GD-ĐT cũng như các tác giả đã khuyến cáo học sinh không được viết vào SGK nhưng học sinh vẫn viết, gây lãng phí tiền của.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam

Về vấn đề sử dụng lại SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học. Trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại SGK cũ. “Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh sử dụng lại chứ không gây lãng phí hoàn toàn 100% như người dân đề cập” – ông Bách khẳng định.

Trước câu hỏi của phóng viên về ngoài SGK thì ở các nước có sách bài tập, sách tham khảo như ở Việt Nam không, ông Lê Hoàng Hải, Phó tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, ở những nước mà NXB đã có sự khảo sát thì việc xuất bản sách cũng giống như Việt Nam, đặc biệt là ở việc xuất bản sách bài tập luyện chữ viết ở cấp tiểu học. Hiện nay, học sinh chủ yếu là học SGK do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản. Bên cạnh loại sách này còn có sách tham khảo của nhiều nhà xuất bản khác nhau. Việc lựa chọn sách tham khảo của nhà xuất bản nào là thuộc quyền lựa chọn của nhà trường, phụ huynh, học sinh và địa phương, không thuộc thẩm quyền của NXB Giáo dục Việt Nam.

Bộ GD-ĐT lập đoàn kiểm tra việc in ấn và phát hành sách tại NXB Giáo dục Việt Nam

Cũng trong ngày 21.9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã ký quyết định kiểm tra việc thực hiện in và phát hành SGK năm học 2018 - 2019 tại NXBGiáo dục Việt Nam. Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam mà thời gian qua dư luận rất quan tâm. Quyết định trên căn cứ các thông tin phản ánh về việc in và phát hành SGK. Đoàn kiểm tra gồm 4 thành viên do một phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn.

Ngay từ khi còn chưa khai giảng năm 2018-2019, ở một số địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng khan hiếm SGK. Phụ huynh phải mua gom nhiều nơi, đi lại nhiều lần mới có đủ bộ sách cho con em mình. Có người còn bị ép giá, mua sách giá cao với lý do mà chủ đại lý đưa ra là học sinh đầu cấp tăng đột biến nên năm nay thiếu sách.

Thậm chí, tại diễn đàn Quốc hội mới đây cũng có nhiều đại biểu đã chuyển tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ băn khoăn về việc xuất bản SGK hiện nay. Trong đó nổi lên những câu hỏi như có “lợi ích nhóm” trong việc độc quyền in ấn, xuất bản SGK hay không? Vì sao lại cho học sinh viết vào sách khiến năm nào phụ huynh cũng phải mua sách mới gây tốn kém tiền của...

Khác với thông tin của NXB Giáo dục Việt Nam là SGK không được thiết kế cho học sinh viết thẳng vào, tại phiên làm việc ngày 19.9 trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cầm sách Toán lớp 1 để dẫn chứng cho phần phát biểu SGK lãng phí vì có chung phần luyện tập. “Chúng tôi phản ánh lại ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD-ĐT là lý do tại sao? Mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Chúng tôi phản ánh lại về những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam”, bà Nga thẳng thắn nói.

Trước đó, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 12.9, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri rất bức xúc rất bức xúc việc sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần. Ba tuần sau khi khẳng định sách sử dụng một lần chỉ là sách bài tập, tham khảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã thừa nhận về thực trạng viết lên SGK gây lãng phí nhiều năm nay.

Dạ Thảo
Bài liên quan
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí
Ngày 20.11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NXB Giáo dục kêu lỗ khi kinh doanh SGK, Bộ GD-ĐT lập đoàn thanh tra