Thời gian gần đây truyền thông liên tục đưa hình ảnh những lâu đài nguy nga tráng lệ bằng gỗ ở những vùng cao, Tây Nguyên - được giới thiệu là nhà riêng của những nhà giàu mới, trong đó có cả cán bộ.

Nước mắt của rừng xây lâu đài nhà giàu mới

25/07/2016, 07:26

Thời gian gần đây truyền thông liên tục đưa hình ảnh những lâu đài nguy nga tráng lệ bằng gỗ ở những vùng cao, Tây Nguyên - được giới thiệu là nhà riêng của những nhà giàu mới, trong đó có cả cán bộ.

Tây Nguyên đang là điểm nóng về tình trạng phá rừng.

Câu chuyện tiền ở đâu ra chỉ là muỗi, vì ai cũng biết khó nói, khó lần ra tính minh bạch hoặc không. Điều tôi muốn nói là những lâu đài như thế này đã nuốt chửng biết bao cánh rừng ở Tây Nguyên, để lại di hại khủng khiếp về môi trường và tận diệt hồn vía Tây Nguyên khi không còn rừng.

Trong khi không gian sinh tồn của đồng bào Tây Nguyên bị thu hẹp, không có đất sản xuất cho họ đủ sống thì hàng ngàn héc ta rừng lại bị phá qua chủ trương gọi là chuyển đổi rừng trồng, và gỗ quý từ đó ngang nhiên xây lên những lâu đài gỗ cho cán bộ, nhà giàu mới.

Hiện nay vấn đề đất sản xuất cho người dân tộc Tây Nguyên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi đất của họ, hoặc đã bán, hoặc đã bị thu hồi. Họ lùi vào rừng sâu, nhưng rừng lại là tài sản quốc gia, là thứ quốc cấm. Thế là họ trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất của cha ông họ. Nhưng làm thuê cũng không có việc. Ngay các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ tuyển dụng họ cũng cố trốn tránh, để ra miền Bắc hoặc Trung tuyển người. Đây là một trong những vấn nạn rất gay gắt ở Tây Nguyên hiện nay.

Người Tây Nguyên quý trọng rừng biết bao. Đã từng có dư luận đổ tội cho người Tây Nguyên chính là thủ phạm phá rừng nhưng đâu phải thế. Trong luật tục của người Tây Nguyên, có những điều rất khắt khe để bảo vệ rừng. Như không được chặt cây con, không bắt những con thú nhỏ hoặc đang chửa, vay nợ của rừng phải trả (những người phụ nữ Tây Nguyên sinh con mà không có sữa chẳng hạn, họ sẽ “vay” sữa của những cây sung). Ngay bắt một tổ ong, thì họ cũng không tận diệt như một số người hiện nay là dùng lửa đốt, mà họ chỉ khéo léo lấy mật, còn vẫn bảo vệ đàn ong để chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở. Gọi là họ du canh du cư đốt rừng làm rẫy, nhưng không bao giờ đốt tràn lan, họ chọn cách đốt để rừng còn tái sinh, và cũng không phải du canh là họ bỏ rẫy, mà sau một chu kỳ, khi đất hết chất nuôi cây thì họ đi, đến khi rẫy có màu trở lại thì họ quay về làm tiếp...

Nước mắt của rừng xây bao nhiêu đền đài cho giới nhà giàu, quý tộc mới. Cột trụ của các lâu đài gỗ chính là số phận bị tàn hại của rất nhiều người dân Tây Nguyên không còn rừng để sống, không còn kế sinh nhai. Trong từng viên gạch lát, từng cột gỗ bóng loáng… là những phận người Tây Nguyên vào TP.HCM bán vé số, đi ăn xin, và lang thang tìm việc khắp nơi nhưng những bóng ma xó mất nhà rông, nhà dài lẫn nhà mồ.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%.

Không chỉ diện tích mà cả trữ lượng rừng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm đó, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng 17,4%. Trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Tỉ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt; các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở; các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt; số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh.

Việc suy giảm rừng ở Tây Nguyên được lý giải do các nguyên nhân chính là chuyển đổi rừng và phá rừng. Cụ thể, hiện các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã chuyển đổi 111.000 ha đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển 37.800 ha đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…). Còn lại có 122.900 ha là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng, cụ thể, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014.

Trong những ngày đầu tiên ở chức vụ mới, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến công tác quan trọng đến Tây Nguyên để cứu lấy môi trường, sự đa dạng sinh học và đảm bảo an sinh xã hội của vùng đất này. Nhiều chuyên án về phá rừng cũng đã được mở ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên cần phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại rừng; kiên quyết đóng cửa rừng; không được ra các chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, bởi hiện nay nhiều loài cây như cao su, cà phê, hồ tiêu của người dân đang vượt quá diện tích quy hoạch vì vậy các địa phương phải tập trung khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng trên cùng diện tích đã canh tác.

Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc đấu tranh có hiệu quả với tình trạng phá rừng; làm rõ trách nhiện từng cá nhân, tổ chức để mất rừng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Cần nghiêm khắc xử lý, điều tra, truy tố, xét xử những tập thể, những cá nhân, những đường dây buôn lậu gỗ, các băng nhóm xã hội có liên quan đến việc phá rừng; rà soát, kiểm tra lại việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, qua đó phát hiện những sai phạm để xử lý nghiêm và tiến hành đóng cửa ngay các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên.

Đồng thời cần tiến hành ngay việc sắp xếp lại các nông lâm trường, ban quản lý rừng, đất rừng; không phát canh thu tô đất rừng và rừng trong khi người dân không có đất trồng rừng. Ngừng cấp phép các các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng, yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, ngừng hoạt động những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời cần phải học lại thái độ ứng xử với môi trường, với rừng Tây Nguyên. Mọi hình thức cổ xúy tiêu dùng theo hướng xa hoa, phù phiếm đượm màu sắc cung đình với nguyên liệu gỗ trăm năm đều dẫn tới hậu quả là chúng ta sẽ mất rừng, gây ra thảm họa môi trường.

Nhà báo Mai Bá Kiếm kể: "Hơn 20 năm trước, vào tháng 10.1995, một đoàn nhà báo gồm 5 nhà báo Việt Nam, 5 nhà báo Campuchia, 5 nhà báo Lào và 2 nhà báo của Bangkok Post cùng học lớp báo chí viết về môi trường ở Thái Lan, do IMMF (Indochina Media Memorial Foundation - Quỹ tưởng niệm các ký giả tử trận trong chiến tranh Đông Dương) tổ chức. 2 tuần lễ đầu chúng tôi ở ký túc xá Đại học Chulalongkorn (Bangkok) để học lý thuyết do các tiến sĩ về môi trường giảng, sau đó, đoàn đi xe lửa đến 4 tỉnh phía Bắc: Chiang Mai, Chiang Rai, Lamphun, Lampang, rồi đi xe pick up vào rừng và lội bộ du khảo. Thái Lan đóng cửa rừng từ năm 1989, nhập gỗ nguyên liệu từ Lào và Campuchia về sản xuất.

Trên mọi nẻo đường, không hề có xe lô bồi chở gỗ cây và do đó cũng không có trạm kiểm lâm. Khi vào rừng, đoàn thấy nhiều thân cây to đường kính 1m, bị cưa ngã và đã mục, trên thây cây đã mọc lên những chồi cây mới. Giảng viên giải thích, đây là những cây bị đốn trước ngày cấm rừng, nhưng chưa kịp vận chuyển ra. Do kể từ ngày cấm rừng, tuyệt đối không có xe nào được chở gỗ lóng chạy trên đường, nên Chính phủ Thái thà để cây lỡ đốn mục đi, chứ không cho bán thanh lý sau ngày cấm rừng, vì kiểm lâm có thể lợi dụng việc thanh lý mà cho lâm tặc đốn tiếp.

Dọc theo đường mòn vào rừng, các gốc cây ở ven đường đều được quấn vải màu vàng cà sa (rộng 3 tấc, dài mấy mét, hễ vải mục thì được thay thế) để dân (vốn tín ngưỡng đạo Phật) không dám động chạm tới cây (như động tới Phật). Đoàn khảo sát chúng tôi khi vào rừng bị kiểm lâm buộc phải mang theo túi đựng rác, bao bì thực phẩm và đồ ăn thừa bỏ vào túi, khi ra khỏi rừng mới bỏ vào thùng rác".

Chúng ta phải thay đổi cách ứng xử với môi trường, đặc biệt là với rừng và rừng Tây Nguyên trước khi quá muộn.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt của rừng xây lâu đài nhà giàu mới