Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP.Cần Thơ) đang điều tra làm rõ hành vi gian lận trong thi cử bằng thiết bị điện tử công nghệ cao của 3 y sĩ khi dự thi liên thông vào Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Tiếp tay cho họ, còn có những y sĩ và 1 bác sĩ. Đây là việc làm đáng buồn và đáng trách của những người đang mặc áo blouse trắng…

Muốn cứu người, hãy gạt bỏ sĩ diện chứ đừng nên gian lận!

21/07/2016, 15:33

Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP.Cần Thơ) đang điều tra làm rõ hành vi gian lận trong thi cử bằng thiết bị điện tử công nghệ cao của 3 y sĩ khi dự thi liên thông vào Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Tiếp tay cho họ, còn có những y sĩ và 1 bác sĩ. Đây là việc làm đáng buồn và đáng trách của những người đang mặc áo blouse trắng…

Thiết bị các thí sinh dùng để gian lận trong kỳ thi.

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, ngày 15.7, tại kỳ thi liên thông từ y sĩ lên bác sĩ đa khoa tại Đại học Y dược Cần Thơ, giám thị coi thi phát hiện 3 thí sinh có dấu hiệu “bất thường”. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 3 thí sinh này sử dụng các thiết bị thu, phát sóng công nghệ cao để gian lận trong thi cử.

3 thí sinh vi phạm là Ngô Văn Cảnh (31 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, hiện là y sĩ tại Phòng khám Sinh Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Nguyễn Hiền Việt Dũng (30 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM, đang là y sĩ của Bệnh viện Vũ Anh, TP.HCM) và Huỳnh Thế An (28 tuổi, y sĩ đang công tác tại Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Theo thượng tá Phạm Vũ Toàn, Phó phòng PA83 (Công an TP.Cần Thơ), đây là trường hợp gian lận thi cử tinh vi lần đầu tiên phát hiện tại Cần Thơ. Thiết bị này chỉ bằng đầu bút bi, có khả năng thu phát tín hiệu âm thanh… Với thiết bị này, sau khi có đề, người trong phòng thi có thể đọc để người bên ngoài tìm đáp án và phản hồi.

Làm việc với cơ quan công an, các y sĩ này nói rằng do trình độ yếu, sợ thi rớt nên lên mạng internet tìm hiểu về các trang thiết bị thu phát sóng, nhằm gian lận trong kỳ thi. Trong lúc tham gia kỳ thi, 3 thí sinh này đã nhờ người ở bên ngoài (có thí sinh thuê người với giá 10 triệu đồng) để đọc đáp án. Điều đáng nói hơn là sau khi bị phát hiện, 2 trong 3 thí sinh đã phải nhập viện, nội soi để gắp thiết bị ra vì chúng lọt quá sâu vào tai khi giằng co với các giám thị.

Người học ngành y, ngoài để lo tương lai, sự nghiệp, thì mục đích chính là để cứu người. Theo Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, điều số 1 đã đề cập rõ: “Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý... Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Mới mấy ngày trước, cộng đồng mạng xôn xao và rơi nước mắt, khi bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, mặc bộ đồ blouse, đeo bảng tên và mang 1 pano ra đứng giữa chợ để kêu gọi đồng bào quyên góp tiền hỗ trợ cho hai đứa trẻ song sinh dính liền, con của 1 người dân tộc Dao. Hai đứa trẻ song sinh cần phải chuyển gấp về Hà Nội cứu chữa, trong khi tiền ăn cha mẹ chúng còn chưa có, nói gì là tiền xe, tiền viện phí và mọi thứ phải chi trả chốn thị thành...

Bác sĩ Chung và đồng nghiệp đã gạt bỏ mọi sĩ diện, mang tấm pano xuống chợ để kêu gọi quyên góp, bởi anh nghĩ đó là việc mình nên làm và phải làm. Anh chẳng ăn cắp ăn trộm, chẳng lén lút lấy phong bì của bệnh nhân, chẳng dối trên lừa dưới, mà anh chỉ cứu người thì việc gì mà mắc cỡ? Đứng giữa chợ, anh không phải là ông phó giám đốc quyền uy mà chỉ là một người thầy thuốc, lấy tên tuổi và uy tín cá nhân của mình để kêu gọi lòng thiện xã hội trợ giúp con người.

Và ý nguyện của vị bác sĩ này đã được đền đáp. Nhờ các nhà hảo tâm, 2 đứa trẻ đã có cơ may được cứu. Tiếc rằng, sau 7 ngày các cháu được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, các cháu đã qua đời vào lúc 1 giờ ngày 21.7. Nhưng dĩ nhiên, vẫn rất nhiều người cảm kích với hành động của bác sĩ Chung.

Vị bác sĩ ở Hà Giang không muối mặt, chấp nhận đứng trên đường để kêu gọi cứu người. Còn 3 vị y sĩ vừa tham gia kỳ thi ở Cần Thơ, họ cũng đã là thầy thuốc, nhưng vì để đạt được mục đích mình muốn, họ đã bất chấp sự gian dối… Họ chỉ muốn đạt được cái bằng bác sĩ, để mở ra con đường danh vọng, tiền tài.

Thầy thuốc có lương tâm, nếu cảm thấy tay nghề mình yếu thì tự thân sẽ đi học thêm, trau dồi kiến thức. Không ai có tay nghề yếu mà lại muốn nhanh có bằng để đứng ra cứu người cả. Bởi “nhiệt tình mà dốt nát thì sẽ thành phá hoại”, tức muốn cứu người mà không rành về nghề y, vẫn hăng hái mổ xẻ, kê đơn, thì khác gì giết người?

Trường Đại học Y dược Cần Thơ, nơi xảy ra vụ gian lận thi cử

Nếu mọi việc gian lận xảy ra trót lọt, và như thừa nhận của các thí sinh - do trình độ yếu kém nên sợ rớt mới phải gian lận, liệu sau này họ sẽ cứu được ai? Vì sao trình độ như vậy nhưng họ vẫn có bằng y sĩ và ung dung làm việc lâu nay, cứu chữa cho các bệnh nhân? Đây là câu hỏi mà lãnh đạo ngành y và lãnh đạo nơi họ đang làm việc cần có câu trả lời thỏa đáng. Chắc chắn, 3 thí sinh này sẽ bị đánh rớt kỳ thi vào đại học mà họ khao khát. Nhưng với việc “gian lận” như vậy, họ còn xứng đáng khoác chiếc áo bluose trắng hay không khi bệnh nhân nào dám tin những người gian dối như họ nữa?

Có một điều đáng buồn hơn, tham gia nhắc bài cho các thí sinh này còn có 1 bác sĩ. Trong lời thề Hippocrates mà các bác sĩ phải đọc trước khi ra trường, hành nghề cứu người, có đoạn: “Tôi sẽ coi các thầy của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó.

Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác...”.

Thế mà, vị bác sĩ này đã lừa dối chính những người thầy của mình, để mong “đồng nghiệp” đậu vào trường y. Thay vì truyền đạt những nguyên lý, bài học truyền miệng, vốn hiểu biết về ngành y cho môn đệ, đồng nghiệp, thì họ lại “đồng lõa” với sự gian lận!

Và không riêng 3 thí sinh này, còn có 10 thí sinh khác vi phạm quy chế thi tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ vừa qua, trong tổng số 2.419 thí sinh dự thi vào 8 ngành. Ttrong đó có 10 trường hợp sử dụng tài liệu do kiến thức quá yếu...

Y thuật, kiến thức mà họ còn gian dối, thì ai dám tin tưởng mà để họ “hành nghề cứu người” trên thân xác mình hay thân nhân mình… Những ca bệnh chết oan uổng do bác sĩ chẩn đoán sai, do tắc trách, mổ nhầm… mà báo chí thông tin trong thời gian qua, phải chăng là hậu quả của những vị thầy thuốc được mặc áo blouse trắng nhờ việc "gian lận" như thế này?

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn cứu người, hãy gạt bỏ sĩ diện chứ đừng nên gian lận!