Trong bức tranh tổng thể về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nông sản luôn được xem là điểm sáng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nông sản là điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt - Trung

Tuyết Nhung 12/12/2023 13:44

Trong bức tranh tổng thể về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nông sản luôn được xem là điểm sáng.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm thì thị trường Trung Quốc là điểm sáng. Số liệu của Bộ Công Thương về 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước tính đạt 55,98 tỉ USD, đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỉ USD.

nong-san.jpg
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam - Ảnh: IT

Chính vì vậy, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân từ ngày 12 - 13.12, được kỳ vọng về một định vị mới trong quan hệ thương mại hai nước theo hướng cân bằng, phát triển và bền vững.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Bên cạnh rau quả, điểm đến quan trọng của mặt hàng thủy sản Việt Nam hiện cũng dịch chuyển dần từ Mỹ sang Trung Quốc. Tính đến tháng 10, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ và Trung Quốc cùng đạt 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên mức sụt giảm của thị trường Mỹ đến 33% trong khi Trung Quốc chỉ giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2.2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nhận định trong khi nhiều thị trường quan trọng sụt giảm mạnh thì Trung Quốc sụt giảm ít nhất. Vì thế, nước này đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu. Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Đáng chú ý, Trung Quốc có tính đa dạng cao nên sẽ có nhiều cơ hội cho các sản phẩm, như cá tra, nhờ giá thành cạnh tranh. Ngoài ra nước này cũng có lượng khách hàng cao cấp nên phù hợp với những sản phẩm tôm chế biến sâu, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng cần tập trung phát triển.

Đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong tháng 11, các lô tổ yến chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc.

Nhận định về triển vọng tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam đang xúc tiến mở rộng thêm 4 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu, từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch. "Bốn nghị định thư về 4 mặt hàng này đã trải qua quá trình điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ và có dự thảo văn kiện. Từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có cơ hội để ký kết 4 nghị định thư. Nếu triển khai trong thời gian tới, sẽ tăng thêm giá trị xuất khẩu sang thị trường lớn này", ông Tiến nhận định.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 2023 là một năm "bội thu" của trái cây xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng. Có thời điểm, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tăng đột biến tới 161,8%. Hiện cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu thêm 2 mặt hàng chính ngạch là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi. Nếu không có những biến động thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt hơn 6 tỉ USD.

Theo ông Nguyên, Trung Quốc đang dẫn đầu về thị phần mua hàng Việt. Lý giải nguyên nhân giúp nông sản Việt tăng mạnh ở thị trường tỉ dân, ông Nguyên cho rằng đó là nhờ ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào đây. Đặc biệt, sầu riêng là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nên sản lượng xuất khẩu tăng đột biến vài chục lần và trở thành mặt hàng tỉ USD.

Để khai thác sâu hơn nữa tiềm năng thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về thị trường này. Các cơ quan quản lý của Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn cho các mặt hàng rau quả, cùng với đó là đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm đối tác lớn.

Dự đoán xuất khẩu nông sản sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới. Trong cuộc họp với hải quan Trung Quốc diễn ra đầu năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Sắp tới, dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, kim ngạch nhóm nông sản sẽ tiếp tục bùng nổ. Cùng với đó, xuất khẩu gạo, hạt điều... sang thị trường này tiếp tục thuận lợi khi mùa tiêu dùng cao điểm của Trung Quốc sắp đến.

Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)... Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của nước ta.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận: "Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam".

Bài liên quan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên 'giải cứu' mà đó là vấn đề của thị trường nông sản
Trả lời về giải pháp đối với tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông sản là điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt - Trung