Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng lẻ, mà có thể được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất, và là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Nông nghiệp bền vững phải được cơ giới hóa đồng bộ

Nguyên Việt | 25/08/2022, 15:15

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng lẻ, mà có thể được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất, và là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Sáng 24.8, sự kiện AGRITECHNICA ASIA LIVE 2022 (diễn ra từ ngày 24 đến 26.8) chính thức khai mạc với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”. 

Sự kiện thu hút 4.000 nông dân và hàng trăm doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp tham dự. Đây cũng là cơ hội giao thương công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cũng như cơ hội trao đổi, chia sẻ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và người nông dân.

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cách thức, tập quán sản xuất đến tư duy tiếp cận, mô hình tăng trưởng và phát triển.

299508057_2936438413322717_2706641638306971255_n.jpg
Thiết bị không người lái dùng để gieo giống trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Q.T

Theo ông, với chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp như: chính sách tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp…

“Các hoạt động về huấn luyện, đào tạo lao động sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo hạ tầng đồng ruộng, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, cũng được chú trọng”, ông Hoan cho biết.

Bộ trưởng cho rằng, sự kiện hôm nay là cơ hội để ngành nông nghiệp của Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện, quy mô sản xuất.

Bộ trưởng mong các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến về cơ hội, khả năng của người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp trong tiếp cận thành tựu cơ giới hóa khi chi phí thuê, mua máy móc và kiến thức, kỹ năng vận hành, sử dụng… vẫn còn là trở ngại không nhỏ.

299893568_1161365747927604_7459051756192399928_n.jpg
Máy sạ giống - Ảnh: Q.T

Theo ông Hoan, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng lẻ, mà có thể được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất, và là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. “Điều này đặt ra một loạt các câu hỏi về cách thức tổ chức chuỗi giá trị, vai trò của Nhà nước trong cung cấp thông tin, dịch vụ công, và tạo hạ tầng cơ bản để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất và sản lượng, mà hướng dần đến “nông nghiệp chính xác”, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản.

Theo đó, với “nông nghiệp chính xác” trên cơ sở cơ giới hóa, có thể giảm chi phí, giảm tác động môi trường, trong khi tăng được khả năng tiếp cận thị trường, chống chịu và khả năng tiếp cận của nông hộ nhỏ. Qua đó, tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm mới và cơ hội việc làm tại nông thôn, cũng như nâng cao lợi ích của người tiêu dùng.

“Cần xác định rõ vị trí chúng ta đang đứng trong tiến trình phát triển nông nghiệp, từ cơ giới hóa đến nông nghiệp chính xác để nắm bắt những cơ hội mới và có những bước đi phù hợp”, ông Hoan cho biết.

Cần có những giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường công nghệ trong nông nghiệp. Tạo dựng cơ chế tương tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân để kịp thời cập nhật các nhu cầu cấp thiết, thực tế nhằm thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ nông nghiệp một cách phù hợp.

Định hướng “tri thức hóa nông dân” có thể được kết hợp với chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ thông minh, công nghệ chính xác và bảo vệ môi trường cho người sử dụng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ hơn về cơ hội, điều kiện cần thiết để các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp của Việt Nam có thể tiếp cận, nâng cao năng lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiệm cận dần trình độ kỹ thuật, công nghệ của khu vực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đa dạng và điều kiện đặc thù của ngành nông nghiệp trong nước.

Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp bền vững phải được cơ giới hóa đồng bộ