Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch COVID-19 cũng là thời điểm nông dân ở Sóc Trăng bước vào thu hoạch nông sản.

Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản, nhất là trái nhãn

Vũ Phong | 24/07/2021, 14:38

Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch COVID-19 cũng là thời điểm nông dân ở Sóc Trăng bước vào thu hoạch nông sản.

Ông Trần Cam người dân tộc Khơme ở xã Phú Mỹ, H.Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng kể: “Khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, gia đình tôi có rẫy bầu đang thu hoạch, bán ngày được vài trăm ký, nhưng khi thực hiện giãn cách, các chốt kiểm tra được thiết lập, đi lại bị hạn chế nên sản phẩm thu hoạch không bán được, rầu thúi ruột. Sau khi nắm bắt thông tin, chính quyền địa phương đã có phương án để bà con bán được hàng mà vẫn bảm đảo an toàn trong phòng chống dịch khi có tổ chức bài bản các điểm mua bán hàng hóa”.

ns2.jpg
Nhiều cá nhân, tập thể ở Sóc Trăng chung tay giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản - Ảnh: Vũ Phong

Nhièu hộ trồng rau ở xã Đại Tâm (H.Mỹ Xuyên) cũng từng dở khóc dở cười như trường hợp ông Trần Cam vì các chốt được thiết lập nên không thể đưa sản phẩm đi tiêu thụ được. Nhưng cuối cùng, bằng các giải pháp hợp lý của địa phương, rau màu của nông dân ở đây được đưa đi tiêu thụ ổn định.

Sáng 24.7, trao đổi với PV, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết đã cùng Sở NN-PTNT phối hợp cùng chính quyền địa phương tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản. Và đến nay, cơ bản đã giải quyết xong nỗi lo của nhà nông.

ns1.jpg
Cơ quan chức năng tỉnh đã tìm được cách tiêu thụ nông sản cho bà con - Ảnh: Vũ Phong

“Với các loại rau củ quả, thực phẩm thì đến nay chúng tôi đã tìm được hướng tiêu thụ cho bà con, không còn lo ế ẩm như mấy ngày trước. Các phương tiện vận chuyển đã được cấp thủ tục vào “luồng xanh” nên các doanh nghiêp đã thoải mái tiêu thụ hàng của bà con. Bây giờ chỉ còn sản phẩm nhãn trái là chưa được tiêu thụ mạnh, chúng tôi đang kết nối với các doanh nghiệp và sàn giao dịch điện tử để tìm hướng tiêu thụ”.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng nhãn trên toàn tỉnh là 3.130 hecta; tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và TX.Vĩnh Châu, trong đó diện tích nhãn đang cho trái là 2.536 hecta. Dự đoán tổng sản lượng nhãn của tỉnh sẽ đạt trên 25.600 tấn. Riêng nhãn xuồng cơm vàng đang thu hoạch ở TX.Vĩnh Châu gần 900 hecta, H.Cù Lao Dung 57 hecta, Kế Sách 1.246 hecta và Long Phú là 24 hecta.

ns6.jpg
Khó khăn nhất hiện nay là tìm đầu ra cho trái nhãn - Ảnh: Vũ Phong

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nhãn của Sóc Trăng. Hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhãn nhưng không có thương lái thu mua như những năm trước. Giá bán đang giảm mạnh, chỉ còn từ 10.000-20.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với năm trước.

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế TX.Vĩnh Châu cho biết: “Hiện nay nông dân ở Vĩnh Châu đang bước vào thu hoạch nhãn xuồng, loại nhãn đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Châu với trái to, dày cơm, ngọt. Diện tích nhãn xuồng hiện tại là trên 281 hecta, năng suất ước đạt 15 tấn/hecta.

Những năm trước, vào vụ thu hoạch, thương lái đến chờ tại vườn để thu mua, có năm họ mua với giá từ 35.000- 37.000 đồng/kg, còn mang ra chợ thị xã bán với giá 45.000 đồng/kg, mang lên TP.Sóc Trăng còn cao hơn. Nhưng hiện nay, giá nhãn chỉ từ 10.000-20.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán nên thị xã đang tìm giải pháp để sớm có hướng tiêu thụ cho nhà vườn”.

ns5.jpg
Nông dân ở Vĩnh Châu đang bước vào thu hoạch nhãn xuồng - Ảnh: Vũ Phong

Ở Sóc Trăng trồng nhiều loại nhãn như nhãn xuồng, thanh nhãn, nhãn Ido, nhãn da bò... Mỗi loại thu hoạch ở mỗi thời điểm khác nhau. Cụ thể, nhãn xuồng thu hoạch vào tháng 7, tháng 8; thanh nhãn thu hoạch vào tháng 8, tháng 9; nhãn Ido thu hoạch vào tháng 10, tháng 11; nhãn da bò thu hoạch rải rác từ tháng 7 đến tháng 12.

Trước thực trạng đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà vườn, trước mắt là đối với cây nhãn. Các đơn vị như Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh, Phòng NN-PTNT, phòng kinh tế các huyện, TX, TP đã đề xuất đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ nhãn trong thời gian tới với nhiều hình thức.

Có thể là đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử Postmart, thông tin tình hình thu hoạch đến các tỉnh, thành lân cận, các cơ quan, đơn vị, các siêu thị tại tỉnh để chung tay hỗ trợ một phần lượng nhãn sắp thu hoạch. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, nhất là trong khâu vận chuyển để các vựa thu mua và vận chuyển tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận...

ns3.jpg
Chợ được hoạt động bình thường, vận chuyển được thuận lợi thì nông dân sẽ nhẹ lo - Ảnh: Vũ Phong

Ông Mã Chí Thọ cho biết: “Nhãn trái tươi không để được lâu, nhưng hiện nay, việc vận chuyển gặp khó khăn vì phải qua nhiều chốt kiểm tra kiểm soát nên thời gian vận chuyển lâu hơn. Trước đây, hàng vận chuyển từ Vĩnh Châu đi TP.HCM chỉ mấy tiếng đồng hồ còn bây giờ có khi mất cả ngày, lên đến nơi trái nhãn không còn tươi ngon nữa”.

Ông Võ Văn Chiêu cho biết thêm: “Một số doanh nghiệp kết nối với tỉnh đưa ra giá nhãn chỉ 10.000 đồng/kg, còn chúng tôi đề nghị tăng lên 20.000 đồng/kg nhưng chưa được. Chúng tôi đang cố gắng kết nối với 4 sàn giao dịch điện tử và hệ thống siêu thị để giúp nông dân tiêu thụ nhãn trong thời gian sơm nhất”.

Bài liên quan
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát tiến độ thi công cao tốc tại Sóc Trăng
Trong chuyến khảo sát tiến độ thi công các tuyến cao tốc trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 20.11, đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã đến khảo sát tiến độ thi công dự án thành phần 4, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản, nhất là trái nhãn