Theo các chuyên gia giáo dục, dù trẻ mầm non đến trường không đặt nặng vấn đề học tập nhưng đó là môi trường để trẻ rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, nền nếp… Vì vậy, phụ huynh cần chuẩn bị những gì để các em quay lại trường từ ngày 14.2 tới?

Những điều phụ huynh cần chuẩn bị để trẻ mầm non quay lại trường học

Tú Viên | 27/01/2022, 19:45

Theo các chuyên gia giáo dục, dù trẻ mầm non đến trường không đặt nặng vấn đề học tập nhưng đó là môi trường để trẻ rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, nền nếp… Vì vậy, phụ huynh cần chuẩn bị những gì để các em quay lại trường từ ngày 14.2 tới?

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, từ ngày 14.2, học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 ở TP.HCM sẽ trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh COVID-19. Việc phòng chống dịch là sự hợp tác từ hai phía nhà trường và gia đình. Vì thế, để trẻ tới trường an toàn, nhà trường rất cần phụ huynh hợp tác phòng chống dịch.

mam-non1.jpeg
Một trường mầm non tại TP.HCM-Ảnh: P.V

Tập cho trẻ ý thức chủ động

Để học sinh trở lại trường học an toàn cũng như nhanh chóng hòa nhập với việc học tập trực tiếp, phụ huynh cần chuẩn bị trước cho trẻ những thói quen thường ngày của một học sinh bình thường ngay từ bây giờ.

Mỗi em nên có ít nhất 2 chiếc khẩu trang, một chiếc đeo còn một chiếc trong cặp để thay. Nên chuẩn bị sẵn bình nước uống riêng, không sử dụng chung để hạn chế lây nhiễm và tụ tập, giữ khoảng cách với các bạn. Mỗi em nên có thêm chai sát trùng khử khuẩn riêng. Khi có triệu chứng bất thường như ho, sốt phải báo ngay với gia đình và nhà trường để test nhanh.

Phụ huynh nên dành thời gian cho con ra ngoài tiếp xúc với bạn bè, người thân, cách ly khỏi thiết bị điện tử để chuẩn bị tâm thế cho con đi học trực tiếp trở lại. Đồng thời, nếu có thời gian thì phụ huynh nên gợi mở cho con về những niềm vui khi con trở lại trường, để trẻ chờ đợi những ngày đi học trực tiếp sắp tới chứ không phải là sự ép buộc.

Cô Đinh Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Tây Thạnh 2, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết với trẻ mầm non, sau một thời gian ở nhà với cha mẹ, người thân và ở trong nhà nhiều, cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho trẻ làm quen lại với những điều đã được học trước đó với trường mầm non. Cha mẹ cho trẻ xem hình ảnh trường lớp để trẻ thích ứng với việc sắp tới sẽ đến trường.

Tăng cường sức đề kháng

Phụ huynh cần duy trì cho con thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, thói quen ăn uống sinh hoạt đúng giờ, thói quen học bài... Ngoài ra, thời điểm này học sinh cần được tách dần khỏi thiết bị điện tử, thứ quen thuộc nhưng lại dễ gây nghiện trong thời gian học tập trực tuyến vừa qua.

hao-huc-tro-lai-truong-vao-thang-5-2.jpeg
Để trẻ an toàn khi đến trường, cách tốt nhất vẫn là thực hiện 5K - Ảnh: P.V

Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng cho con em hợp lý. Cần bổ sung vitamin nhóm C, B, D, những loại này sẽ tăng sức đề kháng. Những chất khoáng như kẽm, selenium có trong nhiều thực phẩm cũng cần được bổ sung vào thực đơn hằng ngày của các em. Nên cho các em ăn điều độ thực phẩm xanh, rau củ quả màu đỏ và vàng sẽ có những chất cần thiết để tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Học sinh nên có thời gian học tập điều độ, có giải trí, hít thở không khí trong lành, nghỉ ngơi hợp lý và dinh dưỡng tốt.

Thực hiện tốt 5K

Về công tác chống dịch, phụ huynh cần làm theo hướng dẫn, yêu cầu của nhà trường và bảo vệ bản thân, gia đình bằng 5K sẽ tạo lá chắn an toàn cho trẻ trước dịch. Để trẻ an toàn khi đến trường, cách tốt nhất vẫn là thực hiện 5K. Phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen này ở nhà, ngay cả với những trẻ 2 tuổi.

Khi học sinh đi học trở lại, nếu nghi ngờ trẻ có triệu chứng bệnh cũng như ho, sốt, sổ mũi thì nên xét nghiệm nhanh cho trẻ. Khi trẻ bị dương tính với xét nghiệm nhanh cũng không nên cho đi học. Và trong trường hợp đó, cần cách ly trẻ đó với những người chưa tiêm vắc xin trong gia đình.

Lưu ý, người lớn trong gia đình cũng cần tuân thủ 5K, tiêm vắc xin đầy đủ để giảm thiểu sự lây lan dịch cho trẻ và phụ huynh cũng cần tuân theo biện pháp phòng chống dịch của nhà trường. Phụ huynh cũng không nên có cảm giác lo sợ về dịch khiến tâm lý bất an mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt.

Ngoài ra, gia đình cần đảm bảo tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ, nắm được thông tin đầy đủ về quy định ứng phó COVID-19 cụ thể tại trường học của con em mình. Phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý cho con em và có thể hướng dẫn dự phòng 5K cho trẻ.

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho thì không nên cho con đến trường. Khi trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, phụ huynh cần giữ con ở nhà và theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.

Nếu bạn cùng lớp hoặc giáo viên của trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, phụ huynh hãy theo dõi các triệu chứng của con và thực hiện theo các khuyến cáo tự cách ly của y tế địa phương.

Về phía nhà trường

Thời gian đầu trở lại trường nên siết chặt các biện pháp phòng dịch. Các lớp không nên qua lại giao lưu với nhau, chỉ sinh hoạt trong lớp để tránh lây nhiễm sang nhiều lớp khi có ca F0. Đưa 5K vào nội quy nhà trường, xem đây là thói quen mới trong tình hình mới. Thói quen này cần được củng cố để thuần thục, đi vào nền nếp.

Ở độ tuổi này, để các em tự giác thực hiện 5K là rất khó. Vì vậy, thầy cô và phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em thực hiện. Bàn ghế đầu buổi học cần lau bằng dung dịch sát khuẩn, sau khi ra chơi vào lớp lại lau một lần nữa.

Cần giao cho từng giáo viên chủ nhiệm lập một nhóm chat với phụ huynh để theo dõi tình hình sức khỏe học sinh. Giờ vào lớp và ra về có thể xen kẽ để phụ huynh đưa đón không tụ tập. Nhà trường phải tái bố trí phòng ốc, bảo đảm học sinh ngồi giãn cách ít nhất 1m.

Nên phân loại rác, để thùng rác bỏ khẩu trang ra riêng nhằm tránh lây nhiễm cộng đồng cho học sinh, giáo viên và người làm công tác vệ sinh. Những trường có nội trú nên cho học sinh ăn theo khung giờ, chỗ ngủ cũng phải bảo đảm giãn cách. Nếu điều kiện cho phép, nên để học sinh đeo khẩu trang khi ngủ.

Khi học sinh có các triệu chứng của COVID-19 ở trường, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường phải nhanh chóng hành động phối hợp cùng y tế địa phương để giảm thiểu nguồn lây cho trẻ khác

Nếu chẳng may có em mắc COVID-19, phụ huynh và nhà trường cần bình tĩnh để xử lý, đưa trẻ đi điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà. Sau 7-10 ngày, khi trẻ âm tính thì có thể tham gia học tập bình thường. Hiện nay, việc điều trị COVID-19 cho trẻ em ở các bệnh viện có khá nhiều kinh nghiệm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM:

Trẻ ở nhà nhiều gia tăng stress. Học online lâu ngày ảnh hưởng đến thị lực, thính lực. Việc tập trung trước màn hình nhiều đến mức không ít trẻ bị rối loạn TIC (hay còn gọi là tật giật máy ở trẻ) là các vận động hay âm thanh phát ra nhanh, đột ngột, không có chủ ý và lặp lại nhiều lần từ trẻ như nháy mắt, nhép miệng, đầu gù dù không nói chuyện với ai…

Nhiều người cho rằng con nít ra đường hay đi học về lây cho người lớn. Trong khi, tôi thấy hiện nay đa số là người lớn đi làm, đi giao tiếp về lây cho con nít nhiều hơn. Như thế, trẻ không đến trường, ở nhà cũng dễ bị mắc bệnh. Trẻ mẫu giáo đến trường cũng như người lớn ra quán thôi! Cần nhớ là đa số người lớn đã chích ba mũi. Giải pháp để trẻ mẫu giáo đến trường an toàn thì các đơn vị cũng chỉ cần áp dụng như đã đối phó với các đợt dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, viêm tiểu phế quản… Các trường nên thấy kinh nghiệm của ngành y, đa số nhân viên y tế bị lây COVID-19 là từ gia đình và do đi ra ngoài ăn uống, giải trí chứ rất ít ca lây từ bệnh nhân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều phụ huynh cần chuẩn bị để trẻ mầm non quay lại trường học