Đài Channel News Asia dẫn lời nhiều thành viên nội các trước đây lẫn hiện tại cho biết Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thường trực tiếp tham gia phân tích dữ liệu và lắng nghe nhiều quan điểm trước khi ra quyết định về một vấn đề gì đó.
Ngoài ra, cách tiếp cận thực dụng cùng thái độ công tư phân minh cũng góp phần hình thành nên tác phong lãnh đạo của Thủ tướng Lý. Tất cả thể hiện qua loạt sự kiện quan trọng mà ông đã giải quyết trong 20 năm cầm quyền.
Số phận ngôi nhà số 38 đường Oxley
Tháng 6.2017, hai người em Lý Vĩ Linh cùng Lý Hiển Dương của Thủ tướng Lý chỉ trích anh trai “lợi dụng di sản của cha vì mục đích chính trị”.
Ngôi nhà số 38 đường Oxley - nơi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng sinh sống và được xem là trụ sở đầu tiên của đảng cầm quyền PAP - thu hút sự quan tâm lớn từ khi “người cha lập quốc” qua đời vào ngày 23.3.2015.
Theo Bộ trưởng An ninh quốc gia Singapore Trương Chí Hiền: "Sự ra đi của cha cùng những gì diễn ra sau đó, đặc biệt là quan điểm bất đồng về ngôi nhà, chắc chắn khiến ông ấy (Thủ tướng Lý) cảm thấy rất đau khổ".
Bà Lý Vĩ Linh cùng ông Lý Hiển Dương tuyên bố cố Thủ tướng Lý Quang Diệu muốn phá bỏ ngôi nhà. Họ cáo buộc anh trai dùng ảnh hưởng chính trị cho việc riêng.
Thủ tướng Lý phủ nhận cáo buộc. Từ tháng 4.2025, ông đã không tham gia vào bất cứ sự vụ nào liên quan đến ngôi nhà để tránh xung đột lợi ích.
Tranh chấp căng thẳng đến mức Thủ tướng Lý phải điều trần trước quốc hội, xin lỗi người dân và đề nghị chính quyền can thiệp. Một ủy ban bộ trưởng do Bộ trưởng Trương đứng đầu được thành lập phụ trách xử lý vấn đề.
Ngày 2.4.2018, ủy ban đề xuất 3 phương án: giữ lại toàn bộ ngôi nhà, chỉ giữ lại phòng ăn lịch sử ở tầng hầm hoặc phá bỏ hoàn toàn.
Bộ trưởng Trương cho biết Thủ tướng Lý nói rõ rằng bản thân không tham gia ra quyết định: “Ông ấy tách bạch việc riêng với việc nước”.
Hiện tại, ông Lý Hiển Dương sống ở nước ngoài cùng vợ là luật sư Lý Học Phân trong lúc cảnh sát Singapore đang điều tra cáo buộc cung cấp bằng chứng giả phục vụ xác minh di chúc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Năm 2020, tòa án kỷ luật (phụ trách xử lý vi phạm của luật sư) xác định luật sư Lý Học Phân vi phạm quy tắc nghề nghiệp khi soạn thảo bản di chúc cuối cùng dù chồng mình là một trong các bên thụ hưởng tài sản. Bà cùng chồng còn hối thúc cha (lúc đó đã 90 tuổi, sức khỏe kém) ký di chúc dù chưa bàn bạc kỹ với luật sư thân cận Kha Kim Lê.
Bà Kha là người soạn 6 bản di chúc trước. Nội dung phá bỏ ngôi nhà có trong bản đầu tiên nhưng bị xóa trong các bản còn lại, vậy mà lại bất ngờ xuất hiện trong bản cuối cùng.
Cho đến nay, bà Lý Vĩ Linh vẫn sống tại ngôi nhà số 38 đường Oxley.
Mở sòng bạc trong khu nghỉ dưỡng
Sau khi nắm quyền, một trong số chính sách quan trọng của Thủ tướng Lý là thành lập khu nghỉ dưỡng tích hợp nhiều loại dịch vụ gồm cả sòng bạc.
Đảo quốc sư tử hiện có hai khu nghỉ dưỡng như vậy là Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa. Cả hai đều mở cửa hoạt động từ năm 2010.
Trong lần đầu tiên giới thiệu ý tưởng trên với người dân, Thủ tướng Lý thừa nhận đây là một vấn đề gây tranh cãi. Đến ngày 18.4.2015, ông tuyên bố trước quốc hội rằng chính phủ quyết định xúc tiến ý tưởng.
Cựu Bộ trưởng Hứa Văn Viễn (từng đứng đầu Bộ Y tế, Bộ Phát triển quốc gia, Bộ Giao thông vận tải) cho biết chính phủ đã mất khá nhiều thời gian thảo luận vấn đề này: “Lợi ích kinh tế rất rõ ràng và đáng kể, nhưng các vấn đề xã hội cũng quan trọng không kém nên chúng tôi không thể gạt chúng qua một bên”.
Cựu Bộ trưởng Nhân lực Lâm Thụy Sinh kể lại lúc ý tưởng mới được đưa ra, nội các chia thành hai phe ngang nhau. Một số hoan nghênh vì khu nghỉ dưỡng tích hợp nhiều loại dịch vụ tốt cho phát triển kinh tế, số khác lo ngại cơ sở như vậy làm xói mòn các giá trị xã hội.
Thời điểm đó Thủ tướng Lý rất cởi mở, áp dụng cách tiếp cận lắng nghe mọi quan điểm. Theo ông Lâm: “Trong mọi cuộc họp, ông ấy đều cố không vội vàng ra kết luận mà để tất cả thành viên nội các tự do bày tỏ quan điểm. Tôi nghĩ Thủ tướng Lý muốn đảm bảo mọi khía cạnh được nắm rõ, mọi thông tin hoặc cân nhắc đều được bày tỏ. Tôi thấy hơi bất ngờ vì vốn cho rằng ông có quan điểm riêng và sẽ rất quyết đoán”.
Quan trọng hơn, Thủ tướng Lý điều chỉnh cuộc thảo luận, không chỉ dừng ở quyết định có hay không mà còn muốn rằng nếu quyết định xúc tiến thì chính phủ có thể tự tin đủ khả năng triển khai nhiều biện pháp bảo vệ các giá trị xã hội lẫn người dân.
Thủ tướng Lý yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình Las Vegas và Macau, sau đó phát triển mô hình phù hợp với Singapore.
“Một số ý tưởng sáng tạo do chính Thủ tướng Lý đề xuất, chẳng hạn như thu phí vào sòng bạc với công dân Singapore, đưa người có điều kiện tài chính xấu vào danh sách đen”, theo cựu Bộ trưởng Lâm.
Lần đầu thua tổng tuyển cử
Trong tổng tuyển cử năm 2011, đảng Lao động thắng bầu cử nhóm nghị sĩ (GRC). Đây là lần đầu tiên từ năm 1988 đảng PAP cầm quyền thua GRC.
PAP năm đó giành được 60,1% phiếu bầu - thấp nhất kể từ khi lập quốc. Cựu Bộ trưởng Hứa cho biết đây là một bước lùi đối với PAP nhưng không hề khiến Thủ tướng Lý và đội ngũ lãnh đạo bất ngờ.
Kinh tế Singapore bị khủng hoảng tài chính 2008 ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình tồi tệ đến nỗi giới chuyên gia dự báo Đại suy thoái những năm 1930 sẽ lặp lại.
Cựu Bộ trưởng Hứa kể lại, thời điểm đó chính phủ nỗ lực hết sức để thu hút đầu tư nước ngoài. Họ đạt thành công lớn nhưng đổi lại giới đầu tư cần nhiều lao động nước ngoài hơn - điều mà PAP biết sẽ mang lại “vấn đề chính trị lớn”.
“Chúng tôi biết phải trả giá. Nhưng còn phương án nào khác chứ”, theo cựu Bộ trưởng Hứa.
Thủ tướng Lý năm 2011 từng phát biểu: “Nếu chúng tôi không hoàn toàn làm đúng, tôi xin lỗi. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn vào lần tới”. Sau tổng tuyển cử, ông hạ lệnh tái rà soát toàn đảng nhằm xác định thiếu sót, nhờ vậy mà PAP trở nên lớn mạnh hơn.
Trực tiếp tham gia phân tích dữ liệu
Tháng 7.2025, một tai nạn đường sắt đô thị nghiêm trọng xảy ra khiến hai tuyến bắc - nam lẫn đông - tây ngừng hoạt động trong hơn 2 giờ, hơn 250.000 hành khách bị ảnh hưởng. Chỉ vài ngày trước đó, đường ray tuyến bắc - nam gặp lỗi ngay giờ cao điểm đi làm buổi sáng.
Thủ tướng Lý vô cùng lo ngại nên lập tức đến Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore nắm thông tin. Ông nói rằng nguyên nhân gốc rễ của sự cố chưa được xác định nên có nguy cơ lại gây ra tai nạn.
Ông Hứa nhậm chức Bộ trưởng Giao thông vận tải vào tháng 10, phụ trách giải quyết vấn đề. Chính trị gia này cho biết Thủ tướng Lý áp dụng cách tiếp cận xác định mục tiêu chiến lược chính, thực hiện giải pháp rồi theo dõi tiến trình bằng số liệu. Dù giao bộ trưởng phụ trách nhưng nhà lãnh đạo Singapore vẫn xem xét kỹ từng thông tin liên quan (kể cả dữ liệu kỹ thuật) để tìm hiểu xem giải pháp mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra còn có thể được cải thiện hay không.
Đặc biệt, Thủ tướng Lý từng giúp cựu Bộ trưởng Hứa rà soát hàng loạt dữ liệu kỹ thuật từ đơn vị bảo dưỡng hệ thống đường sắt đô thị, xác định số liệu chính rồi thiết kế biểu đồ phục vụ công tác theo dõi tiến trình. Cập nhật tiến trình sửa chữa hàng quý khiến người dân bớt lo ngại.
Đại dịch lịch sử
Đại dịch COVID-19 khiến kế hoạch chuyển giao quyền lực của Thủ tướng Lý bị trì hoãn. Ông vốn dĩ muốn từ nhiệm trước sinh nhật 70 tuổi (tức tháng 2.2022).
Lúc đại dịch bùng phát, vấn đề có nên phong tỏa hay không làm dấy lên tranh luận. Thủ tướng Lý một lần nữa áp dụng cách tiếp cận lắng nghe mọi quan điểm, từ bộ trưởng, chuyên gia y tế, công đoàn đến nhiều đơn vị xã hội. Ông cũng tham vấn Bộ Thương mại - Công nghiệp nhằm tìm hiểu xem một động thái như vậy ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế, đồng thời làm việc với Bộ Giao thông vận tải để biết Singapore làm thế nào duy trì vị thế trung tâm giao thông của khu vực lẫn toàn cầu.