Năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh những hệ lụy, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng.

Những dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2021

Tuyết Nhung | 31/12/2021, 17:22

Năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh những hệ lụy, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng.

Sau đây, Một Thế Giới xin điểm lại những dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2021:

Biến động GDP

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ vừa qua. Lần đầu tiên kể từ khi tính và thống kê GDP theo quý đến nay, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng âm trong quý 3/2021 với mức giảm 6,17%.

Đợt dịch COVID-19 vào cuối tháng 4.2021 bùng phát đánh thẳng vào các vùng kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ..., ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Do đó, GDP trong quý 3/2021 của Việt Nam đã giảm sâu chưa từng có.

Tuy nhiên, vượt qua nhiều khó khăn, Việt Nam đã có những "cú lội ngược dòng" nhờ vào chính sách kích thích, hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ. GDP quý 4/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, GDP cả năm 2021 ước tính tăng 2,58% (quý 1 tăng 4,72%, quý 2 tăng 6,73%, quý 3 giảm 6,02%, quý 4 tăng 5,22%).

Sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam phải sản xuất theo kiểu "thời chiến", chưa có tiền lệ như: "3 tại chỗ (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ)", "1 cung đường 2 điểm đến (1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất, làm việc. 2 địa điểm là nơi ở của công nhân và nơi sản xuất, nhà máy của doanh nghiệp)"

Dù giai đoạn đầu tiên, các doanh nghiệp chưa thích nghi được nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau đó, chính sách thông thoáng và rõ ràng hơn đã giúp các doanh nghiệp chống chọi, duy trì sản xuất lúc dịch bệnh diễn ra căng thẳng nhất.

Khi nhìn lại giai đoạn thực hiện những quy định này, nhiều doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn. Song, thực tiễn cho thấy, có thể đây là phương án tốt nhất ở thời điểm đó để các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh. Đây cũng là lựa chọn rất khó khăn nhưng lại cấp thiết.

Nghị quyết 128 "hồi sinh" nền kinh tế

Sau thời gian dài siết chặt, đóng cửa các hoạt động kinh tế vì cả nước ở đỉnh cao của dịch bệnh. Nghị quyết 128 ra đời đã "hồi sinh" cả nền kinh tế. Cụ thể, ngày 11.10.2021, Chính phủ ban hành nghị quyết 128, đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Quan điểm và giải pháp trong nghị quyết đã mở ra một bước ngoặt, tạo ra những cơ hội để phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới, gạt bỏ tư duy "ngăn sông cấm chợ", giúp việc đi lại, lưu thông hàng hóa thuận tiện. Đặc biệt, Nghị quyết 128 đã trao quyền phòng chống dịch và sản xuất về tay doanh nghiệp một cách rõ ràng. Nhờ đó mà nền kinh tế cũng khởi sắc trong quý 4.2021.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trượt dốc vì COVID-19, các chỉ số kinh tế của Việt Nam đều bật lên là nhờ phần lớn vào xuất khẩu. Năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 668,5 tỉ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước tính đạt hơn 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước. Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Trong khi đó, kim ngạch cả năm ước đạt hơn 332 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm trước.

Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị hạn chế, trong đó bao gồm cả việc thanh toán bằng tiền mặt. Người dân giờ không chỉ đơn thuần dùng các ứng dụng như: mobile banking, ví điện tử để chuyển tiền mà đã sử dụng cho hầu hết cho nhu cầu mua sắm, cả trực tuyến lẫn trực tiếp hàng ngày. Họ sử dụng cho mọi dịch vụ như: thanh toán hóa đơn, học phí, viện phí, thương mại điện tử, các dịch vụ trực tuyến (đi chợ, siêu thị, gọi xe giao hàng, đặt mua vé máy bay, tour du lịch khách sạn, vé tàu xe)...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, thanh toán qua di động tăng hơn 76% về số lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thanh toán qua Internet 9 tháng qua cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị. Trong cùng giai đoạn này, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Giá vàng lên đỉnh cao lịch sử

Giữa tháng 11.2021, thị trường vàng trong nước bất ngờ tăng nóng. Giá vàng SJC tăng rất mạnh lên đỉnh cao lịch sử 62 triệu đồng/lượng. Đây cũng là thời điểm mà mức chênh giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục gần 12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh trong năm 2021 và tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới chủ yếu là do tâm lý lo ngại lạm phát, nguồn cung vàng hạn chế. Vàng nguyên liệu trong nước khan hiếm, Nhà nước không cho nhập khẩu để sản xuất vàng SJC. Thị trường vàng trong nước cũng không có nhiều liên thông với thị trường vàng thế giới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi đó đã đưa ra cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra. Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu khi giá các mặt hàng nhập khẩu đang tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán

Khi lạm phát tăng cao, không chỉ giá vàng chịu tác động mà áp lực cũng sẽ dồn mạnh vào thị trường chứng khoán. Bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đã có sự "thăng hoa" cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia.

VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch phiên 25.11.2021, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản thường xuyên đạt mức hàng tỉ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23.12 với gần 2,3 tỉ USD.

Thị trường chứng khoán nổ tung khi dòng tiền vào thị trường liên tục lập đỉnh nhờ sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội. Năm 2021 cũng chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11.2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản.

Đấu thầu giá đất kỷ lục

Giới bất động sản cả nước vào thời điểm cuối năm 2021 đã vô cùng sửng sốt khi chứng kiến vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM), với mức trúng đấu giá lên tới gần 2,4 tỉ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm.

Nhiều ý kiến nhận định rằng, không thể phủ nhận vụ đấu giá này giúp TP có thêm khoản thu để tái đầu tư cho các dự án trọng điểm đang thiếu vốn và tạo tiền đề để chính quyền TP đấu giá các khu đất công khác. Tuy nhiên, nhiều người cũng quan ngại vụ đấu giá này sẽ đẩy thị trường bất động sản vào cơn sốt đất mới và đứng trước giai đoạn thử thách giá trị.

Bài liên quan
COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam
Đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2021