Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tiến trình tiêm vắc xin được đẩy mạnh đã giúp nền kinh tế Việt Nam đang duy trì xu hướng phục hồi.

Chuyên gia hiến kế 6 giải pháp phục hồi kinh tế Việt Nam

Tuyết Nhung | 04/11/2021, 18:45

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tiến trình tiêm vắc xin được đẩy mạnh đã giúp nền kinh tế Việt Nam đang duy trì xu hướng phục hồi.

Đợt dịch bệnh lần 4 về cơ bản đã được kiểm soát, tạo điều kiện cho quá trình khôi phục kinh tế được khởi động từ tháng 10.2021. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.1021 (Nghị quyết 128) quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chính thức đánh dấu việc xác định "sống chung an toàn với dịch bệnh".

Nghị quyết thực hiện mục tiêu kép, đã đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Theo đó, các biện pháp cách ly, phong tỏa diện rộng theo các Chỉ thị 15, 16 và 19 được thay thế bằng các biện pháp đồng bộ, thống nhất việc đi lại, lưu thông, sản xuất, kinh doanh… để đưa các hoạt động kinh tế xã hội dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Để thực hiện được điều này, việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin đi kèm với tuân thủ 5K, áp dụng công nghệ và ý thức của người dân là giải pháp quan trọng trong trạng thái bình thường mới. Các biện pháp trên đã dần khôi phục các hoạt động đi lại, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… tạo điều kiện hồi phục kinh tế trong quý 4/2021 và năm 2022.

Để sớm phục hồi nền kinh tế trở lại, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xây dựng và ban hành các biện pháp kích thích kinh tế như: Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết 406 của UBTVQH; Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng Chiến lược Phòng chống dịch trong bối cảnh mới; Bộ KH-ĐT đang chủ trì xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2 năm tới. Nếu được nhanh chóng ban hành và triển khai, các chương trình, chính sách trên sẽ góp phần giúp nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2022-2023.

Có thể thấy, Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hỗ trợ khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Theo đó, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi; xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực; lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm; thu hút FDI tiếp tục đà phục hồi; tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm; quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy.

Trao đổi với PV Một Thế Giới về tình hình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực đánh giá, với các biện pháp tài khóa được tăng cường cho phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, thâm hụt ngân sách nhà nước/GDP và nợ công/GDP năm 2021 sẽ tăng cao hơn so với năm 2020, ở mức 4,1%, 43,7% và 39,5% GDP.

ts-can-van-luc.jpg
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực - Ảnh: Internet

"Tuy nhiên, tôi cho rằng việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công cao hơn trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch và phục hồi kinh tế là cần thiết và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Tình hình này sẽ được kiểm soát theo hướng giảm dần khi kinh tế tăng trưởng bền vững trở lại", TS Lực nhấn mạnh.

Để nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững, TS Cấn Văn Lực đưa ra 6 giải pháp để góp phần giúp Việt Nam có thể đạt được "đa mục tiêu" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo an sinh, an ninh xã hội năm 2021-2022.

Thứ nhất là cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ hai là cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền, chi phí sinh hoạt cho các doanh nghiệp, người dân, nhất là các lĩnh vực, địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các lĩnh vực, đầu tàu phục hồi, phát triển tốt. Với đề xuất này, TS Lực đề xuất nên xem xét có chương trình hỗ trợ tổng thể đủ lớn cả về tài khóa và tiền tệ, để tiếp tục hỗ trợ an sinh người dân, tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thứ tư là sớm hoàn thiện chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 và định hướng tiếp theo. Ngoài ra, vị chuyên gia này đề xuất cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro về giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động...

"Đặc biệt, tôi cho rằng cần có giải pháp kích cả tổng cung lẫn tổng cầu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nhóm giải pháp lấy lại vị thế thu hút vốn FDI và tạo điều kiện kinh tế tư nhân bứt phá sau đại dịch. Trong đó hết sức chú trọng khâu thực thi và nhất quán, phối hợp chính sách", TS Lực nhấn mạnh.

Thứ năm, Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. "Theo tính toán của chúng tôi, chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP tăng trưởng thêm từ 0,53-1,85 điểm %/năm từ nay đến năm 2030, tùy thuộc vào mức độ chuyển đổi số", TS Lực cho hay.

Thứ sáu là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Theo đó, Chính phủ cần sớm ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế cũng như các đề án cơ cấu lại cấu phần quan trọng như: doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công... nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
Vietcombank đồng hành cùng Diễn đàn “Chủ động phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh”
Ngày 27.10, tại Hà Nội, Diễn đàn “Chủ động phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh” đã được Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức. Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Thời báo Tài chính Việt Nam, 34 Tuệ Tĩnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đồng hành cùng diễn đàn rất có ý nghĩa này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia hiến kế 6 giải pháp phục hồi kinh tế Việt Nam