Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khiến số lượng tua bin gió ngày càng tăng. Nhưng tua bin khi hết vòng đời hữu ích cũng sẽ đưa đến bãi chôn lấp như bao loại rác thải khác, khiến lợi ích môi trường mà nguồn năng lượng này mang lại bị giảm sút.
Ước tính đến năm 2050, chất thải từ cánh quạt tua bin gió có thể vượt quá 43 triệu tấn. Hiện nay cánh quạt chủ yếu được làm từ vật liệu không thể tái chế. Giới nghiên cứu không ngừng tìm kiếm giải pháp bền vững, và một trong số đó đến từ Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL).
Họ phát triển nhựa nguồn gốc sinh học dùng làm cánh quạt tua bin gió. Loại nhựa mới tên PECAN tái chế được nên cho phép thu hồi sử dụng lại một số thành phần, giảm số lượng cánh quạt vứt đi. Phó giám đốc Cơ sở Kỹ thuật cơ khí và nhiệt NREL Johney Green nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cho vật liệu năng lượng.
Tạo ra nguyên mẫu cánh quạt dài 9 mét từ PECAN, nhóm nghiên cứu chứng minh được hiệu suất của loại nhựa mới đạt tiêu chuẩn công nghiệp hiện tại.
Vật liệu làm cánh quạt tua bin gió đang là nhựa nhiệt rắn. Sau khi hết tuổi thọ 20 năm, chúng thường được tái chế bằng cách cắt nhỏ làm phụ gia bê tông. Cánh quạt PECAN đem đến phương pháp tái chế đơn giản hơn: dùng phản ứng hóa học nhẹ phá vỡ hoàn toàn chỉ trong 6 tiếng. Tái chế bằng hóa học cho phép thu hồi và sử dụng lại các thành phần nhiều lần, hoặc tái sản xuất cùng một sản phẩm.
PECAN đập tan quan niệm truyền thống lo ngại cánh quạt tua bin gió từ vật liệu tái chế kém hiệu quả hơn vật liệu không thể tái chế. Nhưng hiện tại còn lo ngại vật liệu tái chế khiến cánh quạt biến dạng.
Theo nhà khoa học NREL: “Có nguồn gốc sinh học hoặc tái chế được không đồng nghĩa sẽ tệ hơn”.