Từ đầu năm 2015, hàng loạt ngân hàng đăng thông báo tuyển dụng với số lượng lên đến cả ngàn người. Tuy nhiên, trên thông báo tuyển dụng, dòng chữ “yêu cầu kinh nghiệm” luôn là điều kiện tất yếu trong khâu tuyển dụng của các ngân hàng.
Ngày 17.5 vừa qua, tại ngày hội việc làm dành cho sinh viên khối ngân hàng do trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức, nhiều chuyên gia cho biết nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng hiện nay vẫn cao. Số lượng nhân lực của ngành ngân hàng hiện mới chỉ đáp ứng 78% nhu cầu.
Việc nhu cầu nhân sự tăng mạnh của khiến nhiều người lao động trong ngành Tài chính – Ngân hàng đang kỳ vọng thời gian tới số lượng việc làm sẽ được cải thiện.Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có một số ít ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới ra trường.
Nhà băng “rầm rộ” tuyển dụng
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015, hơn chục ngân hàng đăng thông báo tuyển dụng với số lượng hàng ngàn nhân viên.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đã đăng thông báo tuyển dụng với số lượng đến gần 1.000 chuyên viên bán hàng. Bên cạnh đó, các vị trí như nhân viên tín dụng, thẩm định giá, thanh toán quốc tế…cũng đang được ngân hàng này ưu tiên tuyển dụng. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng về quản lý tại ngân hàng này lại khá khiêm tốn.
Không chịu thua kém Eximbank, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng tuyển dụng một số vị trí lãnh đạo và cán bộ chủ chốt cho các phòng ban, đơn vị trụ sở chính: ban kiểm soát; khối bán lẻ; phòng quản lý rủi ro tín dụng.
Chỉ trong tháng 5, Vietinbank đã đăng thông báo tuyển 20 chuyên viên thẩm định tín dụng với yêu cầu có ít nhất hai năm kinh nghiệm.
Trước tháng 5, ngân hàng cũng tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu cho các vị trí như cán bộ quan hệ khách hàng, giao dịch viên, tiền tệ kho quỹ,....
Mặc dù có quy mô nhỏ hơn Vietinbank nhưng ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) không “chịu thua” về nhu cầu cung cấp việc làm cho thị trường tài chính. Trong quý 2/2015, OCB có nhu cầu tuyển dụng 500 vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng, làm việc tại 25 tỉnh thành trên toàn quốc.
OCB cho rằng nguồn nhân lực mới này sẽ góp phần giúp ngân hàng này hiện thực hóa chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2017 và trở thành ngân hàng đa năng về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Yêu cầu ngân hàng này đưa ra là các ứng viên phải có trên 2 năm kinh nghiệm.
|
Nhiều nhà băng lên phương án tuyển rất nhiều nhân sự trong năm 2015 (Ảnh: TL) |
Không chỉ tuyển vị trí nhân viên như OCB, Nam A Bank lại lên kế hoạch sẽ tuyển dụng nhân sự từ các vị trí từ quản lý cấp cao đến chuyên viên. Các chức danh tuyển dụng mà nhà băng này đưa ra gồm trưởng - phó phòng ban hội sở, giám đốc phòng giao dịch, chuyên viên quan hệ khách hàng, giao dịch viên, chuyên viên tư vấn sản phẩm và dịch vụ, chuyên viên công nghệ thông tin… tập trung vào các khu vực TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương…
Theo Nam A Bank, khi gia nhập ngân hàng này, các nhân viên này sẽ được đào tạo để củng cố kiến thức và phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó sẽ duy trì chính sách lương thưởng cạnh tranh, cùng các cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp một cách minh bạch và rõ ràng nhằm giữ chân nhân viên.
Ngoài ra, tính từ đầu năm, Ngân hàng VIB đã đăng thông báo tuyển dụng hơn 800 quản lý khách hàng cá nhân trên toàn quốc.
Số ít tuyển cộng tác viên
Không tuyển nhân viên chính thức như các ngân hàng trên, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (HDBank) lại có thông báo tuyển chọn 550 sinh viên ngành tài chính ngân hàng trong chương trình “Quản trị viên tập sự” để bổ sung lượng nhân sự phục vụ của nhà băng này.
Cũng như HD Bank, từ đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã tuyển dụng 1.000 thực tập sinh tiềm năng nhằm hỗ trợ bán hàng tại Trung tâm bán và các chi nhánh trên toàn quốc của VPBank.
Trong tháng 5 này, VPBank cũng công bố các vị trí cần tuyển dụng nhưng không công bố con số cần tuyển cụ thể.
Không kém cạnh, trong năm nay, PVcomBank cũng dự kiến sẽ tuyển cả nhân viên chính thức và cộng tác viên khoảng 700 người, chỉ tính riêng khối khách hàng cá nhân.
Để hiện thực hóa việc tuyển dụng, ngày 15.4, PVcomBank đã phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân để tổ chức Hội thảo “Cơ hội việc làm trong ngành Tài chính - Ngân hàng”. Theo đó, với chỉ tiêu cần 2.000 sinh viên thực tập, ngân hàng sẽ đào tạo và chọn ra 600 người xuất sắc về làm việc tại PVcomBank trong thời gian tới.
Ngân hàng yêu cầu có kinh nghiệm
Mặc dù các ngân hàng đều “rầm rộ” đăng tải các thông báo tuyển dụng nhưng vị trí tuyển dụng dành cho sinh viên mới ra trường lại tương đối ít. Thay vào đó, các ứng viên mà các nhà băng này muốn tuyển là những người đã có kinh nghiệm.
Cụ thể, qua website của các ngân hàng, điều dễ nhận thấy là mục tuyển dụng hoặc cơ hội nghề nghiệp luôn đăng kèm dòng chữ “ưu tiên người có kinh nghiệm”. Đối với những người chưa có kinh nghiệm thì các ngân hàng yêu cầu điểm tổng kết 4 năm đại học phải trên 7.5 và vào ngân hàng với vai trò cộng tác viên, chứ chưa thể trở thành nhân viên chính thức.
|
Nhiều sinh viên ngành ngân hàng mới ra trường vướng phải lỗ hổng về kiến thức, lại thiếu kinh nghiệm nên nhiều ngân hàng e ngại khi tuyển dụng. (Ảnh: TL) |
Việc ngân hàng ưu tiên chọn những ứng viên đã có kinh nghiệm là điều dễ hiểu bởi họ có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đào tạo cũng như tận dụng các mối quan hệ từ trước của nhân viên đó để phát triển.
Mặt khác, theo các chuyên gia tài chính tại ngày hội việc làm BHU, sở dĩ các ngân hàng “kén” chọn nhân sự mới ra trường là do nhiều sinh viên mới ra trường vướng phải lỗ hổng về kiến thức. Do đó, khi thi tuyển vào ngân hàng các ứng viên này đều thiếu nghiệp vụ, chuyên môn và thái độ nghề nghiệp và chưa đặt vào vị trí của khách hàng để bán hàng được hiệu quả.
Thời gian tới, khi ngân hàng bước đầu thời kỳ sáp nhập thì nhu cầu về tuyển dụng sẽ ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, đối với sinh viên mới ra trường, khả năng cạnh tranh để có một công việc trong ngành ngân hàng sẽ còn khốc liệt hơn nữa
Phan Diệu