Báo cáo mới nhất về Xu hướng nhu cầu vàng trên toàn cầu trong quý I/ 2015 của Hội đồng Vàng Thế giới ( World Gold Council), cho thấy Mỹ vẫn là quốc gia có lượng vàng tích trữ nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, hai quốc gia có nhu cầu tiêu thụ vàng nhiều nhất lại đang đi theo 2 chiều hướng hoàn toàn khác nhau.
Mỹ có nhiều vàng tích trữ nhất thế giới
Báo cáo cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu vàng trên toàn cầu đạt 1,079 tấn, giảm 1% so với năm ngoái ( 1,090 tấn) và thấp hơn mức bình quân 5 năm 1,114 tấn.
Cụ thể, nhu cầu vàng trang sức toàn cầu đã giảm 3% so quý 1/2014 xuống 601 tấn. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng đầu tư cũng giảm 253 tấn, tức giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu tại châu Âu lại tăng tới 16%. WGC cho rằng bất ổn kinh tế là nguyên do khiến nhu cầu vàng tại khu vực này tăng vọt.
Bất chấp biến động mạnh trong quý, giá vàng thế giới đã kết thúc quý 1 gần như quay trở lại “vạch xuất phát” ở mức 1.183 USD/oz.
Về triển vọng cả năm, WGC dự báo nhu cầu vàng toàn cầu sẽ đạt tổng cộng từ 4,200 - 4,300 tấn, tăng so mức 3,924 tấn trong năm 2014.
|
40 quốc gia có lượng vàng tích trữ nhiều nhất thế giới (Ảnh chụp từ báo cáo của WGC) |
Ngoài ra, báo cáo cho biết, Mỹ là quốc gia đứng đầu trong số 40 quốc gia có lượng vàng tích trữ lớn nhất thế giới với 8,133.5 tấn. Quốc gia xếp thứ hai là Đức với 3,383. 4 tấn. Thứ 3 là Italy với 2,451.8 tấn. Các quốc gia tiếp theo lần lượt là Pháp, Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số nước tại khu vực Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách này.
Trung Quốc và Ấn Độ tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới
Theo báo cáo của WGC, hai quốc gia tiêu thị vàng nhiều nhiều nhất thế giới đang cho thấy hai bức tranh hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, tại Trung Quốc, nhu cầu vàng của quốc gia này đã giảm 7% so cùng kỳ 2014, xuống 273 tấn. Lý do giả, nhiệt này theo WGC đánh giá là do tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt, lực mua suy yếu trong dịp Tết Nguyên Đán và sự cẩn trọng về giá của những người săn vàng giá rẻ đã làm giảm mong muốn mua vàng.
Mặt khác, sự sụt giảm này chủ yếu bắt nguồn từ sự tụt dốc của nhu cầu vàng trang sức. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức của Trung Quốc đã giảm 10% xuống 213 tấn trong quý 1.
“Đà phục hồi của các thị trường chứng khoán nội địa đã làm giảm nhu cầu vàng quý 1 tại Trung Quốc, cả vàng trang sức và vàng đầu tư”, WGC cho biết trong báo cáo.
Mặc dù có giảm nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhu cầu vàng cao nhất thế giới.
Trái ngược với Trung Quốc, tại Ấn Độ, việc dỡ bỏ các biện pháp giới hạn của Chính phủ nước này đối với hoạt động nhập khẩu vàng và tâm lý lạc quan về nền kinh tế đã giúp cho lượng vàng mua vào tại đây tăng mạnh.
Theo đó, tổng nhu cầu vàng của nước này đã tăng 15% lên 192 tấn trong quý 1. Nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang của Ấn Độ trong quý 1 đạt 151 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2014.
Quý 1 năm ngoái, nhu cầu vàng trang sức của nước này đã giảm xuống mức thấp bất thường do New Dehli áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng.
Dù nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc và Ấn Độ có sự đối lập, nhưng hai nước này vẫn là hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Số liệu cho biết, trong quý 1 vừa qua, 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á này đã chiếm khoảng 54% nhu cầu vàng toàn cầu.
Nhu cầu vàng trang sức Việt Nam tăng mạnh
Số liệu của WGC cho biết, nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam đã tăng mạnh tăng quý I vừa qua. Cụ thể, Việt Nam đã tiêu thụ 4,1 tấn trong 3 tháng đầu năm, vượt 1,1 tấn so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng xu và vàng thỏi của nước ta đã giảm mạnh xuống 14,2 tấn, tức giảm 12,8 tấn quý trước. So với quý I/2014, con số này cũng sụt tới 12%.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam tiêu thụ 18,3 tấn vàng, tăng so với mức 15,8 tấn trong quý trước. Tuy nhiên tỷ lệ giảm sút là 7% so với cùng kỳ năm trước.
Phan Diệu