Sau những vụ việc sai phạm thời gian qua, thị trường trái phiếu cần có những giải pháp mạnh tay loại bỏ sự thao túng, thanh lọc hàng hóa kém chất lượng.
Bộc lộ những hạn chế, sai phạm
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để trở thành kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn của doanh nghiệp, qua đó giúp giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng; định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung - dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn...
Đơn cử năm 2021, quy mô huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã đạt 682.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp.
Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 1.224.000 tỉ đồng, bình quân gần 239.000 tỉ đồng/năm. Con số này gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 48%/năm.
Hiện kênh vốn này đang chiếm 14,2% GDP, tăng trưởng gần gấp 3 lần so với 4,93% GDP năm 2017. Chính phủ đặt mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ chiếm tới 20% GDP năm 2025.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường tài chính.
Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm.
Mới đây, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng.
Để trái phiếu thành kênh huy động vốn hiệu quả
Có thể thấy, huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu là một kênh rất quan trọng với nền kinh tế. Những vi phạm thời gian qua như một hồi chuông cảnh tỉnh cho thị trường nói chung. Qua đó có thể phát hiện thấy những khiếm khuyết của thị trường. Khi cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm mà vẫn xảy ra những vi phạm thì phải chăng công cụ giám sát thị trường đã không còn phù hợp.
Vì vậy, cần tạo ra một khuôn khổ pháp lý để thị trường hoạt động một cách minh bạch, để những người mang hàng hóa vào thị trường phải là hàng hóa tốt. Do đó, hai giải pháp căn cơ được giới chuyên gia đưa ra hiện nay là hoàn thiện cơ sở pháp lý và thanh lọc những tác động trên thị trường là điều tất yếu.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vậy giải pháp nào để Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu phát triển thị trường vốn bền vững cả về chất và lượng, theo ông Hiếu, cần thúc đẩy tạo lập nhà đầu tư là các tổ chức chuyên nghiệp, đặc biệt như quỹ. Sau đó, các nhà đầu tư cá nhân có thể thông qua các quỹ chuyên nghiệp này để thực hiện đầu tư. Cùng với đó là nên rà soát các điều kiện để được trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp hiện nay.
Đáng chú ý, hiện nay đang tồn tại những xung đột về mặt lợi ích khi luật pháp cho phép các công ty chứng khoán chủ thể xác nhận tư cách của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này xảy ra khi các công ty chứng khoán là người bán, người mua trái phiếu sơ cấp hoặc chính họ phát hành trái phiếu thì họ bán trái phiếu của mình cho các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
"Theo tôi, nếu cho một cơ quan thứ 3 là hiệp hội xác nhận tư cách của nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ hạn chế được nhiều sai phạm hiện nay", ông Hiếu nói.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Bộ Tài chính đã có chỉ đạo về kỹ thuật, từ khâu giao dịch đến lưu ký rồi thanh toán bù trừ chứng khoán, rút ngắn thời gian giao dịch... để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia một cách thuận lợi, minh bạch theo đúng quy định pháp luật.
"Tới đây, chúng tôi sẽ ban hành chuẩn mực về báo cáo tài chính và hệ thống công bố thông tin trên thị trường và tổ chức niêm yết, công bố thông tin của các tổ chức tài chính trung gian, công bố thông tin của sở giao dịch chứng khoán, kể cả những nhà đầu tư có thị phần lớn cũng phải thực hiện nghĩa vụ công bố những thông tin này", Thứ trưởng Hà cho biết.
Thứ trưởng Hà nhìn nhận những vụ việc xảy ra thời gian qua thực sự là đáng tiếc, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ thì đây là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh". Vì vậy, để thị trường hoạt động minh bạch và tạo sự bền vững lâu dài đối với các nhà đầu tư, theo quan điểm của Bộ Tài chính, phải có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mắc sai phạm để họ có thể khắc phục, vực dậy và đóng góp phát triển cho nền kinh tế trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường. Qua đó, để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẽ giám sát, quản lý các quy định pháp luật để xem hệ thống còn điểm gì khiếm khuyết với cơ chế giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ, giám sát của Ủy ban Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán... Đây là cơ chế học tập từ nước ngoài. Tuy nhiên, quy trình thủ tục, vấn đề về quy định xử lý cần được xác lập rõ ràng hơn để có cơ sở pháp lý xử lý những vấn đề chưa có trong tiền lệ trong thị trường chứng khoán Việt Nam", Thứ trưởng Hà nói.