Các chuyên gia cho rằng cần thực hiện các biện pháp làm minh bạch thị trường, nhưng cũng cần có cái nhìn thoáng hơn trong quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nếu quá thắt chặt thì các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn để phát triển.
Trái phiếu doanh nghiệp nở rộ
Từ năm 2019 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tổng giá trị phát hành TPDN năm 2021 đạt 723.000 tỉ đồng. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP vào năm 2017 lên đến 16,6% GDP năm 2021.
SSI đánh giá, dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các DN nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% năm 2020 lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong tổng lượng TPDN lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỉ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021.
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỉ đồng, tăng 66,3% so với năm 2020 và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021, tiếp đến là lĩnh vực ngân hàng, còn các lĩnh vực còn lại rất ít.
Các chuyên gia nhìn nhận trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng cho nền kinh tế.
Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỉ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Hiện vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển.
Giữ niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường
Vụ việc tại Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư xôn xao, tuy nhiên, theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, vụ việc tại Tân Hoàng Minh chưa phải ghê gớm nếu so với các vụ việc về trái phiếu doanh nghiệp khác trên thế giới, đơn cử như so với vụ vỡ nợ trái phiếu tại Tập đoàn Bất động sản Evergrande tại Trung Quốc. Do đó, ông Nghĩa cho rằng nhà đầu tư không cần quá hoang mang.
Liên quan tới việc xử lý hậu quả, TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị phải sử dụng tài sản của Tân Hoàng Minh để trả nợ cho nhà đầu tư đã mua trái phiếu bị huỷ bỏ.
“Quyết định này là vì thị trường trái phiếu nói chung và vì niềm tin của nhà đầu tư vĩnh viễn trong tương lai. Từ đó, nhà đầu tư có thể tin rằng Chính phủ luôn đồng hành dù có bất cứ rủi ro nào”, TS Nghĩa nói và cho biết đã kiến nghị với cấp rất cao của Chính phủ, làm sao giữ bằng được uy tín, sự ổn định của thị trường chứng khoán trong nước và niềm tin của nhà đầu tư”.
Ông Nghĩa cũng đề nghị đẩy nhanh việc sử dụng các biện pháp giám sát khác trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như thông qua các công ty xếp hạng tín nhiệm.
“Hiện Việt Nam đã có hai công ty xếp hạng tín nhiệm, nhưng hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa đủ sự tín nhiệm. Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ cấp phép cho các công ty này được phép liên doanh với các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế để tăng sự hiệu quả”, ông Nghĩa nói.
Cuối cùng, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần phải có cái nhìn thoáng hơn trong quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nếu quá thắt chặt thì các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn để phát triển.
Nói với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, phát triển thị trường TPDN nhằm làm giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, tuy nhiên, cần hết sức lưu ý đến tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ trọng của thị trường này.
Đáng chú ý, trong số TPDN có lãi suất cao, có một tỷ lệ đáng kể trái phiếu thuộc diện "3 không": Không bảo lãnh, không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo (TSĐB). Chưa kể, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu và sử dụng vốn ồ ạt.
"Ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình tường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ" - ông Thịnh cho hay.
Tăng cường minh bạch cho thị trường
Theo Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, về TPDN, nhất là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, vừa qua có một số sai phạm, như các hành vi thao túng TTCK, thông tin sai sự thật, tài sản không phải của mình.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định đây là hiện tượng cá biệt riêng lẻ, còn đại đa số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ đều làm đúng quy định, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế.
Chia sẻ về những ưu tiên trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ hạn chế tối đa lỗ hổng, nhược điểm của thị trường, tăng cường tính minh bạch cho thị trường TPDN riêng lẻ.
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ uy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Theo ông Phớc, cơ quan quản lý sẽ siết lại việc phát hành, quản lý chặt các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, các báo cáo kiểm toán bảo đảm sự minh bạch. Các công ty kiểm toán độc lập phải có trách nhiệm cao trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính.
“Chắc chắn những doanh nghiệp thua lỗ, nhiều nợ xấu, không bảo đảm an toàn tài chính sẽ bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn mục đích, phạm vi phát hành, điều kiện phát hành trái phiếu. Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, khi phát hành phải đăng ký cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm huy động vốn tập cho dự án sản xuất kinh doanh, không để tình trạng huy động vốn cho vay lại, trả nợ, hay huy động vốn để tái cơ cấu tài chính”, ông Phớc nói.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tăng cường hiệu quả giám sát, trường hợp nào vi phạm phải thanh tra xử lý theo chứng quy định, tôi tin tưởng TTCK, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể phát triển tốt và bền vững. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt ở giai đoạn hậu COVID-19.