Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục những rủi ro.

Bịt lỗ hổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư

Lam Thanh | 10/04/2022, 10:28

Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục những rủi ro.

Cần minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thời gian qua, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu đã phát sinh những rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, ví dụ mới nhất là vụ hủy 9 lô trái phiếu phát hành không công bố thông tin của các công ty thành viên Tân Hoàng Minh cho thấy rủi ro tiềm ẩn của nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong 2 tháng đầu năm nay là 27.694 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó phát hành riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội với hơn 80%, tương ứng giá trị 22.185 tỉ đồng, tăng 51%; còn phát hành ra công chúng là 5.509 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia cho rằng sau một năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.

trai-phieu.jpeg
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua chưa được quản lý chặt chẽ

Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ lo ngại trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.

Theo ông Thịnh, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như có các tài sản làm đảm bảo chắc chắn.

Ngoài ra, cần có tổ chức thị trường riêng OTC (thị trường phi tập trung) cho trái phiếu doanh nghiệp, giống như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không công khai tài chính thì phải ở trên thị trường OTC. Lúc này, nhà đầu tư lựa chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp họ đã biết rủi ro và xác định tâm lý “được ăn cả, ngã về không”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng dù có khá nhiều quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực tế các quy định này vẫn còn lỏng lẻo. Điều này tạo kẽ hở cho những doanh nghiệp phát hành trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Ông Thịnh đề nghị doanh nghiệp cần công khai minh bạch về tài chính, bắt buộc phải có các tài sản làm đảm bảo khi phát hành; đồng thời cơ quan chức năng cần phạt thật nặng, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo đúng quy định của pháp luật.

trai-phieu-2.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Có chung nhận định, luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng cần sửa đổi các quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng hình phạt, bởi lẽ hiện nay số tiền xử phạt trong các vụ việc vi phạm lĩnh vực chứng khoán là khá thấp, không tương thích với hậu quả của vi phạm.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin

Luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng nhà đầu tư cần nắm rõ những thông tin quan trọng liên quan đến trái phiếu bao gồm: Những cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu, kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc và lãi, trái phiếu có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; nhà đầu tư cần biết công ty chứng khoán, ngân hàng hay các định chế tài chính chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

“Thông thường, nhà đầu tư nên mua trái phiếu doanh nghiệp của những công ty đã niêm yết bởi vì những doanh nghiệp này sẽ có khả năng tài chính vững vàng hơn, dễ nắm bắt thông tin hơn do có sự giám sát của Sở Giao dịch Chứng khoán và có thể theo dõi tình hình hoạt động thông qua giá cổ phiếu trên sàn”, bà Thu nêu.

traiphieu.jpg
Bịt lỗ hổng thị trường trái phiếu DN để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo rủi ro trên thị trường và đưa ra các khuyến nghị đối với từng đối tượng tham gia trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Nhà đầu tư cũng cần đặc biệt lưu ý, quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp huy động trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối thị trường trái phiếu cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm minh.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số chính sách như thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

Ngoài ra, quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bịt lỗ hổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư