Trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, nhiều doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch “săn” quỹ đất ở những địa phương xa hơn để mở rộng thị trường.

Nhiều ‘ông lớn’ bất động sản vào cuộc đua săn quỹ đất

Bài và ảnh: Hồ Đông | 26/10/2021, 20:38

Trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, nhiều doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch “săn” quỹ đất ở những địa phương xa hơn để mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp vào cuộc đua “săn” quỹ đất

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ năm 2020, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... ngày càng trở nên khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao. Trước thực tế này, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng tìm đến những vùng đất mới, còn nhiều dư địa để phát triển dự án như Tây Nguyên, các tỉnh ven biển miền Trung, phía Tây Bắc hay các đô thị vệ tinh Hà Nội, TP.HCM.

Tại cuộc họp cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp đã trình kế hoạch mở rộng quỹ đất và được cổ đông thông qua, nhằm chuẩn bị chiến lược dài hơi sau giai đoạn dịch COVID-19 và phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Theo thông tin từ Đại hội cổ đông 2021 của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển dự án của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỉ USD. Tuy nhiên, Novaland tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất tại một số địa phương mới nổi như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Mục tiêu đến năm 2030, Novaland bổ sung thêm quỹ đất 10.000 ha, nâng tổng quỹ đất lên 15.000 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh cũng đang xúc tiến phát triển quỹ đất 2.300 ha trải dài khắp cả nước và có kế hoạch mục tiêu gia tăng thêm 1.000 ha quỹ đất trong năm 2021. Việc này nằm trong chiến lược hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn bất động sản sở hữu danh mục dự án và quỹ đất lớn trên khắp cả nước.

toan-canh-tphcm-8.png
Quỹ đất để phát triển dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM ngày càng khan hiếm 

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia bắt đầu dồn nguồn lực cho chiến lược mở rộng quỹ đất. Chỉ trong thời gian ngắn, An Gia đã thu gom được lượng lớn quỹ đất ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, đồng thời công bố sẽ chi 3.000-5.000 tỉ đồng/năm để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất rộng để triển khai các dự án phức hợp. Hiện tại, doanh nghiệp này đã sở hữu quỹ đất với quy mô 103 ha cho 11 dự án, trong đó tỷ lệ quỹ đất tại TP.HCM chiếm gần một nửa.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho biết việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, nên An Gia không ngừng tìm kiếm cơ hội thông qua mua bán – sáp nhập (M&A) quỹ đất, trong đó ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, An Gia không mua quỹ đất bằng mọi giá, mà chủ yếu hướng đến những dự án có thể triển khai ngay.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt mới đây đã thông qua chủ trương mua 99% vốn tại Công ty Đầu tư Bắc Cường - đơn vị có quỹ đất được xếp vào nhóm đất vàng của TP.Đà Nẵng. Không những vậy, doanh nghiệp này còn hoàn tất mua 99,5% cổ phần Công ty cổ phần Bất động sản đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương. Thương vụ M&A này đã giúp Phát Đạt toàn quyền quyết định việc đầu tư kinh doanh dự án chung cư quy mô hơn 4,5 ha tại TP.Thuận An (Bình Dương). Tính đến thời điểm hiện tại, Phát Đạt là doanh nghiệp có quỹ đất khá lớn với gần 470 ha.

Không kém cạnh, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn với hơn 500 ha tính đến hết năm 2020, tập trung tại khu Đông và khu Nam Sài Gòn, trong đó có 100 ha đất công nghiệp.

Dù vậy, bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT Khang Điền cho biết doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm các khu đất mới ở TP.Thủ Đức. Doanh nghiệp còn khu đất 329 ha tại quận Bình Tân và dự án 109 ha ở Bình Chánh đang thực hiện các thủ tục pháp lý.

Một số “đại gia” khác cũng mạnh tay thâu tóm các dự án bằng cách mua cổ phần. Mới đây, Masterise Group đã có kế hoạch đầu tư 5.000 tỉ đồng để mua một phần quỹ đất tại Dự án Vinhomes Dream City nhằm phát triển một khu biệt thự đẳng cấp thuộc quần thể khu đô thị này trong tương lai.

Ngoài ra, những cái tên như Tập đoàn Danh Khôi, Công ty LDG… cũng đang tích cực “đi chợ” dự án từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Đơn cử, từ đầu năm 2020 đến nay, Tập đoàn Danh Khôi đã thâu tóm thành công 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, LDG công bố mua lại nhiều dự án ở các địa phương, nâng tổng quỹ đất của doanh nghiệp này từ 170 ha năm 2019 lên tới 813 ha như hiện nay.

tt-bds-tphcm-hinh-3.jpg
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đi tìm quỹ đất xa hơn để mở rộng thị trường

Cuộc đua sẽ ngày càng sôi động

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, M&A bất động sản được coi là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2021 sôi động hơn. Lý do bởi quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt áp lực về tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm quỹ đất cho các công ty bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh…

Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội cũng cho rằng nếu như trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, thì nhu cầu hiện nay có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản dẫn dắt thị trường.

“Khi đại dịch qua đi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm ở các dự án đất sạch, có pháp lý rõ ràng và các tài sản hoàn thiện đang hoạt động”, bà Lan chia sẻ.

Công ty tư vấn Bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) nhận định để dự báo được hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp cần xem xét hai yếu tố là khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn. Trong đó, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển bất động sản chứng tỏ cam kết trong thời gian dài. Còn năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.

Tuy nhiên, với bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước COVID-19, JLL dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới”, JLL nhận định.

Bài liên quan
Thị trường bất động sản đang dần hồi phục
Sau chuỗi ngày im ắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, bước sang quý 4/2021, thị trường bất động sản đang dần phục hồi trong giai đoạn cuộc sống bình thường trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ‘ông lớn’ bất động sản vào cuộc đua săn quỹ đất