Hiện nay, bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của dịch Coronavirus gây ra đang diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài. Nhu cầu đối với nhiều mặt hàng như khẩu trang y tế, hóa chất diệt khuẩn và một số chủng loại trang thiết bị, vật tư y tế khác đang tăng rất cao. Tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng, thu gom, tăng giá.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tại Hà Nội, dọc tuyến phố Ngọc Khánh, các cửa hàng thuốc đều treo biển thông báo hết khẩu trang y tế. Tại chợ thuốc Hapulico, hai doanh nghiệp phối hợp Ban Quản lý, lực lượng Quản lý thị trường và Công an tổ chức bán 17.000 hộp khẩu trang loại 50 chiếc/hộp với giá 50.000 đồng/hộp.
Dọc tuyến phố Phương Mai, nhiều cửa hàng thuốc bán khẩu trang nhiều loại với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/hộp nhưng số lượng người mua không nhiều. Tại các khu vực khác, nhiều cửa hàng thuốc vẫn bán khẩu trang y tế với giá 3.000 đồng/chiếc (150.000 đồng/hộp) nhưng số lượng người mua không nhiều.
Tại Quảng Ninh, hiện trên thị trường rất khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra và đang tạm giữ 200.000 chiếc khẩu trang (chủ yếu do thu gom để xuất sang bên kia biên giới). Theo báo cáo, các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an và Quản lý thị trường đang xem xét phương án xử lý nhằm sớm đưa số khẩu trang này ra phục vụ nhu cầu của người dân.
Tại Lào Cai, giá khẩu trang y tế phổ biến ở mức 3.000 - 5.000 đồng/chiếc tăng so với trước đây là 1.000 – 3.000 đồng/chiếc, tuy nhiên số lượng hàng khẩu trang tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế không còn nhiều, chỉ còn 5 – 10 hộp (50 chiếc/ hộp) nhiều cơ sở đã hết hàng. Một số nhà thuốc đã quy định chỉ bán 10 chiếc/người đến mua.
Thời điểm hiện tại, địa bàn một số huyện vùng cao như huyện Mường Khương, Si Ma Cai mặt hàng khẩu trang y tế đã khan hiếm; các cơ sở kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế không còn hàng để cung cấp ra ngoài thị trường.
Tại Hòa Bình, ở các quầy thuốc, nhà thuốc hiện nay còn số lượng rất ít khẩu trang y tế. Một số quầy thuốc, nhà thuốc đã hết mặt hàng khẩu trang. Nguyên nhân do nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến trong thời gian gần đây. Nguồn cung cấp các sản phẩm rất khan hiếm. Trước nhu cầu tăng cao, nhiều người bán hàng online cũng tranh thủ quảng bá sản phẩm khẩu trang y tế trên mạng xã hội Facebook nên rất khó kiểm soát.
Tại Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn biên giới đã phối hợp với các cơ quan chức năng khu vực biên giới tuần tra, kiểm soát chống xuất lậu hàng hóa vật tư y tế sang bên kia biên giới. Hiện mặt hàng khẩu trang y tế khan hiếm trên thị trường, hầu hết các cửa hàng kinh doanh sản phẩm y dược đều không có khẩu trang để bán.
Tại Hải Dương, nguồn cung hạn chế, cầu tăng cao. Hầu hết các cửa hàng còn rất ít hàng để bán và được bán ra hạn chế về số lượng (5 -10 chiếc khẩu trang/1 người). Giá bán có tăng (giải trình tăng giá từ đầu vào). Một số cửa hàng hết hàng để bán.
Ở khu vực miền Trung, nhu cầu mặt hàng khẩu trang y tế tăng cao, giá bán một số nơi tăng cao hơn trước đây. Nhiều nơi xảy ra tình trạng không đủ hàng để bán.
Tại TP.HCM, Đội Quản lý thị trường ghi nhận ngày 1.2, sức mua mặt hàng khẩu trang y tế giảm so với ngày 31.1, tuy nhiên do tình hình sau Tết Nguyên Đán lượng hàng bán ra chủ yếu hàng tồn kho trước Tết nên một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít.
Riêng đối với khu vực chợ sỉ Thuốc Tây tại Quận 10 (TP.HCM) thì tình trạng buôn bán khẩu trang vẫn diễn ra bình thường, chưa phát hiện tình trạng khan hiếm hàng. Số lượng người mua tập trung đông và lượng hàng hóa bán ra tương đối nhiều so với bình thường.
Tại các tỉnh, thành phố khác: Hầu hết các quầy thuốc, cơ sở kinh doanh hàng hoá là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khoẻ dùng để phòng, chữa bệnh vẫn còn bán nhưng số lượng ít, chỉ còn từ 1 đến 2 hộp khẩu trang. Một vài cơ sở đã hết hàng do sức mua tăng cao vào dịp học sinh đi học, công nhân đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá mặt hàng khẩu trang nhìn chung có tăng nhiều so với trước đây, tuy nhiên số lượng hàng tại các quầy thuốc, các cơ sở kinh doanh dụng cụ trang thiết bị y tế hiện còn rất ít, chủ yếu là bán lẻ, một số cơ sở không còn hàng để bán và cũng không nhập về thêm do không có hàng.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tính đến thời điểm hiện nay đã kiểm tra và xử lý 85 vụ việc tại các nhà thuốc, qua đó thu về 4.870 chiếc khẩu trang. Số tiền xử phạt là 88,7 triệu đồng.
"Đối với số khẩu trang có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và số khẩu trang đang tạm giữ tại TP.HCM, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý và đưa ngay số hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân", Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.
Tuyết Nhung