Một trong những khó khăn lớn nhất của Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay là việc đưa người lao động Trung Quốc, nhất là các chuyên gia, trở lại Việt Nam làm việc do ảnh hưởng từ dịch bệnh coronavirus (nCoV).

Chuyên gia Trung Quốc tại dự án Cát Linh - Hà Đông bị 'mắc kẹt' bởi dịch coronavirus

01/02/2020, 06:55

Một trong những khó khăn lớn nhất của Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay là việc đưa người lao động Trung Quốc, nhất là các chuyên gia, trở lại Việt Nam làm việc do ảnh hưởng từ dịch bệnh coronavirus (nCoV).

Hơn 100 chuyên gia Trung Quốc của dự án Cát Linh - Hà Đông chưa thể quay lại Việt Nam làm việc - Ảnh: Internet

Tại họp giao ban công tác tháng 1 vào hôm qua 31.1, một trong những vấn đề nóng được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là việc đưa hơn 100 ngườ lao động Trung Quốc tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng (Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh) thực hiện.

Từ tháng 1.2020, tổng thầu EPC và đơn vị tư vấn giám sát đã cho các nhân sự thực hiện dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc để hoàn thành dự án, từ ngày 1.2.2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo của tổng thầu và tư vấn giám sát, hiện tại Chính phủ Trung Quốc đã quy định hạn chế xuất cảnh đối với công dân Trung Quốc đi các nước vì ảnh hưởng từ dịch bệnh do nCoV. Vì vậy, tổng thầu và tư vấn giám sát xin lùi lịch các nhân sự sang Việt Nam để tiếp tục thực hiện dự án, dự kiến sau ngày 8.2.2020.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đến ngày 9.2.2020, phía Trung Quốc sẽ mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không. Tại Việt Nam, hiện cũng chỉ xem xét cấp visa cho khách công vụ.

"Do đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ có báo cáo riêng về vấn đề này. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc phòng dịch đối với những nhân sự này. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp vận tải, nhà ga, bến tàu, nhất là các cơ quan hàng không phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiềm chế tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh coronavirus".

Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo các đơn vị tổng thầu EPC và tư vấn giám sát có thể huy động đầy đủ nhân sự thực hiện, đáp ứng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét có văn bản đề nghị các Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan hướng dẫn các quy định, thủ tục để các nhân sự của tổng thầu EPC và tư vấn giám sát được nhập cảnh thuận lợi, kịp thời và đảm bảo an toàn tuyệt đối không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất 100% khối lượng xây dựng và đào tạo nhân lực, đang tiến hành nghiệm thu. Với chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9.2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại.

Trước những trì trệ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục trễ hẹn kế hoạch vận hành khai thác, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6, Trung Quốc (tổng thầu EPC, hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) phải sang Việt Nam làm việc và giải quyết dứt điểm những vấn đề đang còn tồn tại, trì trệ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, dự định hoàn thành vào tháng 6.2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD đã bị đội vốn lên 891 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc). Dự án có chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga đi trên cao, ban đầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng đến nay sau 9 lần "lỡ hẹn", dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành khai thác.

Hiện nay, dự án vẫn còn một số tồn tại về an toàn hệ thống mà tổng thầu chưa hoàn thiện, các hạng mục chưa phù hợp với thông số kỹ thuật, các thiết bị chưa hoàn thiện theo hồ sơ thiết kế, trong khi đó khối lượng công việc tồn đọng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, tổng thầu chưa xác định được thời gian vận hành chính thức dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Trung Quốc tại dự án Cát Linh - Hà Đông bị 'mắc kẹt' bởi dịch coronavirus