Hiện nay, giá thanh long ở Bình Thuận giảm mạnh chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, hàng trăm ha thanh long ứ đọng, không xuất khẩu sang Trung Quốc vì dịch coronavirus.

Bình Thuận: Thanh long rớt giá mạnh vì dịch coronavirus

01/02/2020, 19:12

Hiện nay, giá thanh long ở Bình Thuận giảm mạnh chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, hàng trăm ha thanh long ứ đọng, không xuất khẩu sang Trung Quốc vì dịch coronavirus.

Thanh long tại Bình Thuận đang rớt giá mạnh - Ảnh: TN

Trong những ngày qua, bệnh dịch viêm phổi coronavirus gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch này tăng lên nhanh chóng. Hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc.

Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Hiện tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, trong khoảng thời gian tạm dừng hoạt động các loại hàng hoá nông sản xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu sẽ không thể thông quan để nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi hàng hóa biên mậu.

Trao đổi với PV báo Một Thế Giới về diễn biến tình hình tiêu thụ thanh long, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết giá thanh long đang giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, giảm một nửa so với mấy ngày trước. Trung Quốc là thị trường chủ đạo của loại trái cây này nhưng hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch coronavirus, khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu, hàng tồn đọng.

Trước tình hình trên, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của tỉnh được thuận lợi, tránh được thiệt hại cho các doanh nghiệp, hợp Tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết đã đề nghị các địa phương, đơn vị thông báo, khuyến cáo đến các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc được biết thông tin trên để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hoá, có sự phối hợp trong việc vận chuyển hàng hoá lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc hợp lý nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần chủ động theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

"Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình và phối hợp với các đơn vị liên quan có thông báo, khuyến cáo đến doanh nghiệp, Hợp tác xã khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu", đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho hay.

Trong khi đó, tại Long An và Tiền Giang, người nông dân đang ở trong tình trạng đứng ngồi không yên vì gặp khó khăn trong việc phân phối và tiêu thụ vào Trung Quốc. 23 nhà kho thu mua trái thanh long ở Tiền Giang và Long An đã tổ chức cuộc họp để bàn cách giải cứu trái thanh long của 2 tỉnh này khi thời gian qua không xuất sang được Trung Quốc.

Một số nhà kho ở Long An cho biết doanh nghiệp thu gom thanh long từ nhà kho bán sang Trung Quốc đã hủy hợp đồng với họ, trong khi họ đã ký hợp mua từ nhà vườn trước đó.

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc đang phong tỏa thành phố Vũ Hán, đồng thời kiểm soát chặt chẽ phương tiện công cộng vào Bắc Kinh, kéo dài kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng cho nhân viên nghỉ hết rằm tháng Giêng, tức 8.2 dương lịch để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCov, chủng mới của coronavirus gây ra. Việc này làm giảm sức nhu cầu ăn uống, sức mua ở các nhà hàng, khách sạn của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung tâm Giao dịch nông sản Giang Nam ở Quảng Tây, là đầu mối trung chuyển nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, cũng nghỉ giao dịch hết ngày 8.2. Giao dịch các cặp chợ biên giới Việt - Trung là phương thức giao dịch phổ biến ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cũng hạn chế đến hết ngày 8.2. Các yếu tố trên khiến một số doanh nghiệp cung ứng nông sản lớn của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu mua.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, bị can Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
24 phút trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận: Thanh long rớt giá mạnh vì dịch coronavirus