Microsoft, SAP và IBM quyết định duy trì hoạt động tại Nga bất chấp lời kêu gọi của Ukraine khiến nhân viên ở một số quốc gia tức giận.

Nhiều nhân viên thúc giục các hãng công nghệ lớn giúp Ukraine phong tỏa kỹ thuật số với Nga

Sơn Vân | 31/03/2022, 16:47

Microsoft, SAP và IBM quyết định duy trì hoạt động tại Nga bất chấp lời kêu gọi của Ukraine khiến nhân viên ở một số quốc gia tức giận.

Chủ tịch tập đoàn Microsoft - Brad Smith đã viết thư cho nhà lãnh đạo Ukraine trong tháng này với một thông điệp rõ ràng: Bất chấp việc Ukraine kêu gọi họ cắt đứt mọi quan hệ với Nga, gã khổng lồ phần mềm Mỹ này sẽ tiếp tục kinh doanh tại nước này với những khách hàng không bị trừng phạt, kể cả trường học và bệnh viện.

"Việc tước bỏ việc cập nhật phần mềm, dịch vụ có thể gây rủi ro cho sức khỏe và sự an toàn của dân thường vô tội, bao gồm cả trẻ em và người già", ông Brad Smith cho biết trong bức thư ngày 14.3 chưa từng được báo cáo trước đây, do Reuters đưa tin.

Brad Smith nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Microsoft "lưu tâm đến trách nhiệm đạo đức" để bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, ông cho biết công ty đang thảo luận với các chính phủ Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) về việc liệu "có nên dừng bất kỳ dịch vụ và sự hỗ trợ đang diễn ra nào" ở Nga không và sẽ chuyển dịch "trong thời gian ngắn với các lệnh trừng phạt cùng các mục tiêu kinh tế khác của họ".

Khi được hỏi về cuộc trao đổi này, người phát ngôn của cả Microsoft và Ukraine nói việc đối thoại mang tính xây dựng đang được tiến hành về các hành động hỗ trợ đất nước Ukraine.

nhieu-nhan-vien-thuc-giuc-cac-hang-cong-nghe-lon-cung-ukraine-phong-toa-ky-thuat-so-voi-nga.jpg
Nhiều nhân viên nổi giận vì Microsoft duy trì hoạt động ở Nga

Quyết định của một số nhà sản xuất công nghệ kinh doanh hàng đầu phương Tây bao gồm Microsoft, SAP (công ty phần mềm đa quốc gia Đức) và IBM (tập đoàn kinh doanh quốc tế khổng lồ của Mỹ) duy trì hoạt động tại Nga bất chấp lời kêu gọi của Ukraine khiến nhân viên ở một số quốc gia tức giận.

Các nhóm nhỏ nhân viên tại Microsoft, SAP và IBM đã kêu gọi ban lãnh đạo rút hoàn toàn khỏi Nga sau cuộc tấn công Ukraine, theo các bình luận được Reuters nhìn thấy trên các diễn đàn thảo luận nội bộ và phỏng vấn 18 nhân viên quen với các công ty, ẩn danh vì không được phép phát biểu trước công chúng.

Lặp lại lời các quan chức Ukraine, các nhân viên đã thúc giục các công ty đi xa hơn việc chấm dứt các giao dịch bán mới và loại bỏ các khách hàng bị trừng phạt để tăng áp lực kinh tế lên Nga.

Họ muốn các công ty của mình tạm dừng mọi giao dịch ở Nga, bao gồm cả với phần mềm mà khách hàng có thể sử dụng để theo dõi doanh số bán hàng, chuỗi cung ứng và lực lượng lao động.

Khi được hỏi về những lời chỉ trích nội bộ, IBM nói đã ngừng hợp tác với các công ty Nga ở bất kỳ đâu trên thế giới, dù ngừng sa thải và ngừng hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tại Nga.

SAP nói với Reuters rằng đang tuân thủ các hành động của chính phủ Đức, thậm chí vượt ra ngoài các hành động đó và sẽ "hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới đang được thảo luận".

SAP đã đáp lại đề nghị của Ukraine về việc cắt đứt mọi quan hệ với Nga bằng một bức thư gửi cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong tháng này, rằng họ đang hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu của Nga, bao gồm "bệnh viện, cơ sở hạ tầng dân sự và chuỗi cung ứng thực phẩm".

3 công ty đã không loại trừ khả năng điều chỉnh các biện pháp. Song hiện tại, các nhân viên của họ ở Nga đang được trả lương và tiếp cận các công cụ tại nơi làm việc. Theo Reuters, số điện thoại địa phương của cả ba công ty vẫn đang hoạt động.

Khi được hỏi về những yêu cầu với các doanh nghiệp công nghệ phương Tây từ chính nhân viên của họ, người phát ngôn của Điện Kremlin nói rằng "một số công ty đang rời đi, những công ty khác sẽ ở lại vị trí của họ". Người phát ngôn lưu ý rằng các công ty có các nghĩa vụ pháp lý với nhân viên phải thực hiện, chẳng hạn như trả lương.

Các công tố viên Nga đã cảnh báo một số doanh nghiệp phương Tây rằng nhân viên của họ có thể bị bắt giữ nếu ngừng sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Tờ Wall Street Journal đã nêu tên IBM trong số những công ty được cảnh báo.

Người phát ngôn Điện Kremlin bác bỏ các báo cáo về việc gây áp lực lên các công ty từ các công tố viên: "Phần về các vụ bắt giữ là một lời nói dối".

Thúc đẩy một sự ra đi hoàn toàn khỏi Nga

Mykhailo Fedorov - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, một trong những nhà vận động hàng đầu cho phong tỏa kỹ thuật số, nói Nga đã cảm nhận được tác động khi một số hãng công nghệ rời đi, chẳng hạn các nhà phát triển thanh toán kỹ thuật số và công cụ phát triển web. Song, Mykhailo Fedorov đang thúc đẩy một sự ra đi khỏi Nga hoàn toàn.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng đến khi các công ty đó đưa ra quyết định rời khỏi Nga”.

nhieu-nhan-vien-thuc-giuc-cac-hang-cong-nghe-lon-cung-ukraine-phong-toa-ky-thuat-so-voi-nga1.jpg
Mykhailo Fedorov muốn tất cả hàng công nghệ lớn rút khỏi Nga

Nhóm của Mykhailo Fedorov nói với Reuters vào tuần trước rằng một số lượng lớn các tổ chức Nga có hợp đồng cho phần mềm của SAP, bao gồm cả các ngân hàng và công ty năng lượng lớn.

Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông đại chúng của Nga không trả lời câu hỏi về tác động do sự ra đi của các công ty công nghệ phương Tây, cũng như mức độ ảnh hưởng của SAP trong nước.

Phản ánh thông điệp chính phủ Ukraine, 5 nhân viên bán hàng của SAP ở Ukraine đã nói với các nhà quản lý khu vực hôm 18.3 rằng công ty phải chấm dứt hỗ trợ cho các khách hàng Nga còn lại, theo một người quen thuộc với cuộc thảo luận.

Mykhailo Fedorov cho biết hôm 25.3 trong một tweet, trích dẫn cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành SAP - Christian Klein, rằng công ty này sẽ dần dần ngừng hỗ trợ các sản phẩm ở Nga.

Một ngày trước đó, SAP nói sẽ đóng cửa hoạt động kinh doanh đám mây ở Nga, mà hai nguồn tin mô tả là hoạt động nhỏ.

Trong bức thư ngày 23.3 gửi cho khách hàng ở Nga, SAP đã hỏi khách để tư vấn xem dữ liệu trên đám mây Nga nên bị xóa, giao lại cho họ hay chuyển ra nước ngoài.

SAP đã xác nhận nội dung bức thư, nói rằng Mykhailo Fedorov và Christian Klein đã nói chuyện. SAP từ chối bình luận thêm.

Tại IBM, hàng trăm nhân viên đã chỉ trích phản ứng của công ty trước khi Nga tấn công Ukraine.

Trong cuộc gọi ngày 2.3 với các nhân viên, Giám đốc điều hành IBM - Arvind Krishna đã không nói đứng về phía nào trong cuộc chiến, một trong những nguồn tin cho biết. Trong thông điệp công khai cho người lao động ngày hôm trước, IBM đã đề cập đến điều mà họ mô tả là "tình hình xấu đi liên quan đến Ukraine và Nga".

Một bình luận trên diễn đàn thảo luận nội bộ đã kêu gọi Arvind Krishna đọc một cuốn sách về công việc của IBM trong thời kỳ Holocaust, mô tả cách công ty thiết kế máy tạo thẻ bấm lỗ mà Đức Quốc xã sử dụng để theo dõi người Do Thái: "Hãy suy nghĩ cẩn thận và làm điều đúng đắn - rút IBM và nhân viên công ty ở Nga ra khỏi nước này", nhân viên này viết.

IBM từ chối bình luận về nhận xét trên.

Đáp lại sự phản đối kịch liệt, Arvind Krishna đã thông báo trong một bài đăng ngày 3.3 về việc đình chỉ bán hàng ở Nga và lên án "cuộc chiến của Nga ở Ukraine". Vào ngày 7.3, ông nói IBM đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh ở Nga mà không tiết lộ rõ thêm.

Người phát ngôn của IBM nói với Reuters ngày 24.3 rằng việc tạm ngừng kinh doanh có nghĩa là công ty không còn cung cấp "hàng hóa, bộ phận, phần mềm, dịch vụ, tư vấn và công nghệ" ở bất kỳ đâu trên thế giới cho khách hàng Nga.

Một số nhân viên Microsoft trên các công cụ trò chuyện nội bộ cũng đã yêu cầu công ty rời khỏi Nga hoàn toàn. Thậm chí có người còn nói với quản lý cấp cao rằng họ sẽ nghỉ việc nếu Microsoft không làm vậy, theo Reuters.

Microsoft từ chối bình luận việc này.

Một số nhân viên nói với Reuters rằng họ đã không tham gia kêu gọi xuất cảnh hoàn toàn do lo việc này gây hại cho dân thường và các công ty rút khỏi Nga sẽ có tác động mạnh như thế nào.

Ví dụ, Mỹ ngày 24.2 đã trừng phạt Russian Railways (Công ty Đường sắt Nga), công ty nhà nước điều hành các chuyến tàu chở khách và chở hàng. IBM ngày hôm đó đã đưa Russian Railways vào Danh sách các bên bị từ chối và ngừng hỗ trợ công nghệ, theo bức thư do IBM gửi cho Mykhailo Fedorov ngày 5.3.

Các bên bị từ chối không thể truy cập đĩa, bộ điều hợp và bộ nhớ thay thế chính thức cho máy tính lớn mà một cựu nhân viên bán hàng của IBM cho biết cần phải hoán đổi 2 năm một lần.

Thế nhưng, một người quen thuộc với Russian Railways cho biết nó có thể hoạt động trong nhiều năm mà không cần sự hỗ trợ.

Russian Railways không trả lời khi được hỏi. IBM từ chối bình luận.

SAP cũng nói với Reuters rằng vì một số khách hàng đã cài đặt phần mềm trên máy tính nên có thể tiếp tục sử dụng bất kể công ty quyết định không cung cấp hỗ trợ.

Bài liên quan
Trung Quốc đứng về phía Nga, nhưng từng nhờ Ukraine hiện đại hóa công nghệ quân sự
Trung Quốc đã trở thành đồng minh thân cận với Nga và được coi đang ngầm ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Thế nhưng Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế và quốc phòng gần gũi với Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nhân viên thúc giục các hãng công nghệ lớn giúp Ukraine phong tỏa kỹ thuật số với Nga