Rối loạn chức năng tình dục và đại tiện không tự chủ gia nhập danh sách triệu chứng của những người bị di chứng hậu COVID-19, theo nghiên cứu mới.

Nhiều người bị rối loạn chức năng tình dục, đại tiện không tự chủ hậu COVID-19

Sơn Vân | 25/07/2022, 23:03

Rối loạn chức năng tình dục và đại tiện không tự chủ gia nhập danh sách triệu chứng của những người bị di chứng hậu COVID-19, theo nghiên cứu mới.

Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) vào tháng 6, 2 triệu người ở Vương quốc Anh đang bị tình trạng COVID-19 kéo dài (di chứng hậu COVID-19). Trong số đó, 1,4 triệu người cho biết mắc COVID-19 lần đầu hoặc nghi ngờ mình nhiễm SARS-CoV-2 ít nhất 12 tuần trước đó. Trong số 2 triệu người, 826.000 trường hợp nói mắc COVID-19 ít nhất một năm trước đó. 376.000 người khác cho biết mắc COVID-19 lần đầu ít nhất là 2 năm trước đó.

Dựa trên hồ sơ sức khỏe ẩn danh của 2,4 triệu người ở Vương quốc Anh, nghiên cứu mới được thực hiện tại Đại học Birmingham và công bố trên Tạp chí Nature Medicine, đã phát hiện ra một số triệu chứng mới.

Theo ONS, tỷ lệ bị COVID-19 kéo dài cao nhất ở phụ nữ từ 35 đến 69 tuổi, những người sống ở các khu vực thiếu thốn hơn, làm việc trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, giảng dạy và giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe và những người có bệnh nền hoặc khuyết tật khác.

Mệt mỏi tiếp tục là triệu chứng phổ biến nhất với 55% những người tự báo cáo tình trạng COVID-19 kéo dài này, tiếp theo là 32% bị khó thở, 23% bị ho và 23% bị đau cơ.

Nghiên cứu mới cho biết các triệu chứng hậu COVID-19 khác còn có: Apraxia (mất phối hợp động tác, khó thực hiện các cử động khéo léo ngay cả khi người bệnh có khả năng và muốn thực hiện), đại tiện không tự chủ, rối loạn cương dương, ảo giác và sưng chân tay.

Dữ liệu được thu thập từ tháng 1.2020 đến tháng 4.2021 bao gồm 486.149 người nhiễm SARS-CoV-2 trước đó và 1,9 triệu người không có dấu hiệu mắc COVID-19.

Nghiên cứu chỉ sử dụng những bệnh nhân không nhập viện có các triệu chứng mà các nhà khoa học sắp xếp thành ba loại riêng biệt là triệu chứng hô hấp, sức khỏe tâm thần và vấn đề nhận thức với phạm vi rộng hơn.

Trong phạm vi rộng hơn của các triệu chứng này, rụng tóc và rối loạn chức năng tình dục đã được bổ sung vào danh sách.

nhieu-nguoi-bi-roi-loan-chuc-nang-tinh-duc-dai-tien-khong-tu-chu-hau-covid-19.jpg
Nhiều người mắc COVID-19 báo cáo bị rối loạn chức năng tình dục - Ảnh: Internet

Tiến sĩ Shamil Haroon, phó giáo sư lâm sàng về Y tế công cộng tại Đại học Birmingham, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, nói ông hy vọng những phát hiện này sẽ giúp ích cho các bác sĩ lâm sàng.

"Nghiên cứu này xác nhận những gì bệnh nhân đã nói với các bác sĩ lâm sàng và các nhà hoạch định chính sách trong suốt đại dịch, rằng các triệu chứng của COVID-19 kéo dài là rất rộng và không thể được giải thích đầy đủ bởi các yếu tố khác như nguy cơ về lối sống hoặc tình trạng sức khỏe mãn tính. Các triệu chứng mà chúng tôi xác định sẽ giúp các bác sĩ và nhà phát triển hướng dẫn lâm sàng cải thiện việc đánh giá những bệnh nhân bị ảnh hưởng lâu dài do COVID-19, sau đó xem xét cách xử lý tốt nhất gánh nặng triệu chứng này", tiến sĩ Shamil Haroon nói thêm.

Jennifer Camaradou, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này là công cụ tạo ra và tăng thêm giá trị để hiểu được sự phức tạp cùng bệnh lý của COVID-19 dài. Nó làm nổi bật mức độ và sự đa dạng của biểu hiện các triệu chứng giữa các nhóm khác nhau. Những bệnh nhân có bệnh nền cũng sẽ hoan nghênh các phân tích bổ sung về các yếu tố nguy cơ".

Nhiều người bị di chứng hậu COVID-19 còn vi rút trong máu sau 1 năm

Sự hiện diện của protein gai trong máu sau lần nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu có thể là một cách để chẩn đoán COVID-19 kéo dài.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều mẫu huyết tương được thu thập theo thời gian từ 63 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 37 người tiếp tục phát triển triệu chứng kéo dài.

Ở phần lớn những người bị COVID-19 kéo dài, protein gai từ bề mặt vi rút SARS-CoV-2 có thể phát hiện được trong tối đa 12 tháng. Trong khi SARS-CoV-2 không có ở các mẫu huyết tương của những bệnh nhân khỏi COVID-19 mà không bị triệu chứng kéo dài.

Protein gai lưu thông trong máu có thể đồng nghĩa là “một ổ chứa vi rút SARS-CoV-2 hoạt động vẫn tồn tại trong cơ thể”, các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài báo đăng trên medRxiv trước khi đánh giá ngang hàng. Nghiên cứu này không rõ chính xác vị trí ổ chứa vi rút đó.

Trước đây, các nhà nghiên cứu nói đã tìm thấy vi rút hoạt động trong đường tiêu hóa của trẻ em vài tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu. Các nhà nghiên cứu khác đã tìm thấy bằng chứng di truyền của vi rút SARS-CoV-2 "ở nhiều vị trí giải phẫu cho đến 7 tháng sau khi khởi phát triệu chứng".

Nếu kết quả có thể được xác nhận trong các nghiên cứu lớn hơn thì sự hiện diện của protein gai trong máu sau lần nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu có thể là một cách để chẩn đoán COVID-19 kéo dài, theo các nhà nghiên cứu.

Bài liên quan
Tiêm vắc xin giúp giảm bao nhiêu nguy cơ bị di chứng hậu COVID-19?
Theo một nghiên cứu lớn từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ, tiêm vắc xin giúp giảm khoảng 15% nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người bị rối loạn chức năng tình dục, đại tiện không tự chủ hậu COVID-19