Một số nghiên cứu gần đây về COVID-19 và ung thư được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO) ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ.

Bệnh nhân ung thư có đáp ứng tế bào T mạnh mẽ với vắc xin nhưng dễ bị di chứng hậu COVID-19

Sơn Vân | 07/06/2022, 14:42

Một số nghiên cứu gần đây về COVID-19 và ung thư được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO) ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ.

Bệnh nhân ung thư máu có đáp ứng tế bào T mạnh mẽ với vắc xin COVID-19

Dữ liệu mới cho thấy bệnh nhân ung thư máu có đáp ứng kháng thể với vắc xin COVID-19 yếu hơn đáng kể so với người bị ung thư hình thành khối u rắn, nhưng họ vẫn có thể được bảo vệ tốt để chống lại bệnh nặng do vi rút SARS-CoV-2 gây ra.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Úc) đã nghiên cứu đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm ba liều vắc xin COVID-19 của Moderna, Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca ở gần 400 người lớn có bệnh ung thư hoặc được điều trị bệnh này gần đây.

Chỉ 3,2% trong số 256 bệnh nhân có khối u rắn thiếu kháng thể có khả năng vô hiệu hóa SARS-CoV-2 và ngăn ngừa nhiễm vi rút, so với 30% trong số 137 người bị ung thư máu. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này tại ASCO 2022.

Thế nhưng, đáp ứng của tế bào T (tế bào miễn dịch), một số có thể tiêu diệt tế bào nhiễm vi rút SARS-CoV-2, là tương tự nhau bất kể loại ung thư.

Nhóm nghiên cứu đó đã báo cáo trong bài thuyết trình riêng rằng dữ liệu về sự an toàn của vắc xin COVID-19 cho bệnh nhân ung thư "khiến người bị bệnh này yên tâm". Các câu trả lời khảo sát từ gần 500 người lớn và trẻ em bị ung thư cho thấy hầu hết đều trải qua một số tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19, thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm và mệt mỏi. Song tỷ lệ bị tác dụng phụ nghiêm trọng thấp (dao động từ 0% - 10%) và việc gián đoạn điều trị ung thư là không phổ biến (0% -11%).

Các nhà nghiên cứu thông báo: “Không có thay đổi đáng kể nào về chất lượng cuộc sống được báo cáo khi tiêm liều 1 hoặc liều 2 vắc xin COVID-19 ở trẻ em hoặc người lớn”.

benh-nhan-ung-thu-de-bi-di-chung-hau-covid-19.jpg
Bệnh nhân ung thư tiêm 3 liều vắc xin vẫn được bảo vệ tốt để chống lại COVID-19 nặng - Ảnh: Internet

Bệnh nhân ung thư nhiễm SARS-CoV-2 đột phá thường nghiêm trọng

Theo dữ liệu của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ được báo cáo tại ASCO 2022, một tỷ lệ lớn bệnh nhân ung thư đã tiêm vắc xin nhưng phải nhập viện khi mắc COVID-19.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 231 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đột phá khi điều trị ung thư hoặc trong vòng 1 năm điều trị. Các bệnh nhân đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Hầu hết các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đột phá xảy ra sau hơn 6 tháng. Trong số những bệnh nhân ưng thư hình thành khối u rắn không di căn và nhiễm SARS-CoV-2 đột phá, gần 20% phải nhập viện. Tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân ung thư máu khi nhiễm SARS-CoV-2 đột phá dao động từ 32% đến 56%.

"Tỷ lệ bệnh nhân trong sổ đăng ký ASCO nhiễm SARS-CoV-2 đột phá phải nhập viện vẫn khá ổn định suốt năm 2021 (khoảng 40%). Những người nhiễm SARS-CoV-2 đột phá vào tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 có tỷ lệ nhập viện thấp hơn (khoảng 20 %), phù hợp với các ca COVID-19 ít nghiêm trọng hơn khi nhiễm biến thể Omicron. Phần lớn các ca nhiễm SARS-CoV-2 xảy ra sau khi tiêm vắc xin từ 6 tháng trở lên cho thấy hiệu quả vắc xin giảm dần theo thời gian và liều tăng cường có thể khắc phục phần nào”, các nhà nghiên cứu cho biết trong bản tóm tắt về bài thuyết trình của họ

Bệnh nhân ung thư chiếm tỷ lệ lớn người bị di chứng hậu COVID-19 

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã báo cáo tại ASCO 2022 rằng bệnh nhân ung thư chiếm một tỷ lệ lớn những người bị triệu chứng dai dẳng, phiền toái sau khi khỏi COVID-19. Đây là tình trạng được gọi là COVID-19 kéo dài hay di chứng hậu COVID-19.

Từ một mẫu đại diện trên toàn quốc với hơn 4,3 triệu người được chẩn đoán mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1.2020 đến tháng 2.2022, họ đã xác định được 1.700 người lớn bị COVID-19 dài và phát hiện ra rằng 37,3% là bệnh nhân ung thư. Các bệnh ung thư phổ biến nhất là da (gặp ở 21,9% bệnh nhân ung thư), vú (17,7%), tuyến tiền liệt (8,3%), ung thư hạch (8%) và bệnh bạch cầu (5,7%).

Trong số người bị COVID-19 kéo dài, những bệnh nhân ung thư lớn tuổi hơn những người không bị bệnh này có nhiều khả năng mắc bệnh nền khác. Họ nhiều khả năng đã phải nhập viện vì COVID-19. Các nhà nghiên cứu kêu gọi "điều tra thêm để xác định các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng COVID-19 kéo dài ở bệnh nhân ung thư".

Bài liên quan
Kỳ vọng về mRNA đa năng ngừa COVID-19, điều trị AIDS và ung thư
Vắc xin của Pfizer – BioNTech, Moderna xuất hiện trong đại dịch COVID-19 và công nghệ mRNA mà họ sử dụng được kỳ vọng làm nhiều hơn thế nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân ung thư có đáp ứng tế bào T mạnh mẽ với vắc xin nhưng dễ bị di chứng hậu COVID-19