Nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, cố tình nhập nhèm giữa bảo hiểm và gửi tiết kiệm khiến nhiều người tiêu dùng mất niềm tin.

Nhân viên ngân hàng chèo kéo, thu phí... ép bằng được khách mua bảo hiểm

Tuyết Nhung | 17/04/2023, 16:55

Nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, cố tình nhập nhèm giữa bảo hiểm và gửi tiết kiệm khiến nhiều người tiêu dùng mất niềm tin.

Chèo kéo, ép khách mua bảo hiểm

Thời gian qua đã có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.

mua-bao-hiem.jpg

Thực tế, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Chị Hoàng Yến (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chị muốn làm thêm một thẻ tín dụng có hạn mức 150 - 200 triệu đồng ở Ngân hàng Sacombank nên nhờ một nhân viên ngân hàng tư vấn làm cho. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra toàn bộ hồ sơ của chị, nhân viên hỏi chị đã mua bảo hiểm chưa. Chị báo lại đã có 5 - 6 cái bảo hiểm, trung bình từ 10 triệu và 24 triệu/năm rồi. Sau đó, bạn nhân viên này vẫn gọi lại hỏi cụ thể làm ở đâu, như thế nào...

"Tuy nhiên, một lúc sau, bạn ấy thấy tôi trả lời như vậy thì nói rằng do hồ sơ khó nên tôi buộc ngoài việc phải thanh toán phí 18% cho bạn ấy (18% trên tổng hạn mức thẻ) thì phải mua một hợp đồng bảo hiểm khoảng 25 triệu đồng nữa. Tôi trả lời không mua thì sau một ngày hỏi han không được thì bạn ấy bảo không mua cũng được nhưng nâng mức phí làm hoàn thành thẻ của tôi lên tới 25%. Nghĩa là 200 triệu hạn mức thẻ thì tôi sẽ phải thanh toán 25%/200 triệu đó", chị Yến cho hay.

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm nhân văn, song không phù hợp với nhu cầu và thu nhập của nhiều người dân, nhất là những người có tài chính hạn hẹp. Nhiều người tiêu dùng cho biết đã cố tình không mua bảo hiểm nhân thọ từ người quen, bạn bè làm đại lý bảo hiểm, song vẫn "sập bẫy" mua bảo hiểm nhân thọ khi gửi tiền tại các ngân hàng, do nhầm lẫn với sản phẩm tiết kiệm.

Theo bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thời gian qua có hiện tượng một số nhân viên ngân hàng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy ấm ức, không thoải mái. "Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc tự nguyện được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", bà Hương nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng việc "chỉnh đốn" lại thị trường bảo hiểm là rất cần thiết, từ đào tạo lại nhân viên tư vấn và quy trình bán bảo hiểm, chuẩn hóa mẫu hợp đồng theo hướng đơn giản hóa... cho tới phân nhóm sản phẩm bảo hiểm thông dụng hơn cho người dân. Theo vị chuyên gia, một trong những lý do khiến nhiều khách hàng gật đầu ký hợp đồng bảo hiểm mà không hiểu nội dung là hợp đồng bảo hiểm quá dài và phức tạp, có trường hợp lên tới cả trăm trang. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản.

TS Lực kiến nghị thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường bảo hiểm. Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục rà soát lại các văn bản để quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hiệu quả hơn nữa.

Giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Về phía cơ quan quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết sẽ kịp thời kiểm tra xác minh, có biện pháp thanh tra và phối hợp với cơ quan công an, cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng. Nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng cường những biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử. Mặt khác, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải công khai đường dây nóng trên trang thông tin điện tử của mình để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm…

Cùng với đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua ngân hàng (kênh bancassurance) tăng 45%; tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% so với năm 2021. Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm gồm MB, VIB, Sacombank, ACB... Một số ngân hàng từ mô hình giới thiệu bảo hiểm đã chuyển sang mô hình bán bảo hiểm trực tiếp để nhận hoa hồng cao hơn. Những hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm ngàn tỉ đồng đã mang lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng.

MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống (10.185 tỉ đồng) năm 2022 nhờ sở hữu 2 công ty bảo hiểm. Tiếp đến là VPBank với doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của đạt 3.353 tỉ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%. Chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về khoảng 8.000 tỉ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam). Techcombank, TPBank, VIB cũng là các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm lớn.

Bài liên quan
Tiền Giang: Giám đốc ngân hàng bị thương nhập viện
Ngày 4.4, Bệnh viện Quân y 120 (tỉnh Tiền Giang) cho biết, bệnh viện đang điều trị một bệnh nhân bị thương nặng là cán bộ ngân hàng chi nhánh ở Tiền Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên ngân hàng chèo kéo, thu phí... ép bằng được khách mua bảo hiểm