Theo Sonya Pekova, cách ly giúp hạn chế sự lây lan của coronavirus trong cộng đồng, nhưng nó cần song hành với khả năng xét nghiệm hiệu quả để không bỏ sót những người đã nhiễm bệnh nhưng lại không có triệu chứng, nhưng lại lan truyền virus.

Nhà virus học CH Czech Sonya Pekova: Cách ly phải song hành với xét nghiệm

05/04/2020, 14:42

Theo Sonya Pekova, cách ly giúp hạn chế sự lây lan của coronavirus trong cộng đồng, nhưng nó cần song hành với khả năng xét nghiệm hiệu quả để không bỏ sót những người đã nhiễm bệnh nhưng lại không có triệu chứng, nhưng lại lan truyền virus.

Sonya Pekova - Ảnh: Radio Svoboda

Trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Tự do (Radio Svoboda), nhà di truyền học phân tử và virus học người CH Czech Sonya Pekova cho rằng coronavirus hành xử bất thường, nhưng không vì thế mà xem nó là căn bệnh chết người. Sonya Pekova đưa ra một số lời khuyên và quan điểm cá nhân về vắc xin, biện pháp cách ly, đeo khẩu trang... trong phòng chống dịch COVID-19.

- “Chúng ta sẽ làm gì với điều này”? Những cách tốt nhất để đối phó với nó là gì?

- Những người hiện đang phát triển vắc xin có thể sẽ cố gắng làm cho vắc xin có tác dụng với càng nhiều chừng nào những biến thể đã biết của virus này thì càng tốt. Nếu chúng ta có thể tiêm chủng rộng rãi cho người dân và phòng ngừa được hầu hết các biến thể của nó, có thể chúng ta sẽ thắng. Nhưng nếu như theo giả thiết của tôi, vấn đề nằm ở vùng điều hòa, thì virus có thể bị đánh bại bằng cách phá hủy vùng này. Nếu ta vô hiệu hóa nó, virus sẽ chết. Vì vậy, có lẽ cuối cùng chúng ta sẽ phải dùng đến liệu pháp gen, một số loại vắc-xin DNA, hoặc một liệu pháp tương tự - thuộc về phân tử, chứ không phải miễn dịch.

- Loại vắc xin đó đã có rồi ư?

- Cho đến nay, chỉ mới là thử nghiệm. Đây là một điều hoàn toàn mới, nhưng có lẽ virus này sẽ thúc đẩy phát triển nhanh chóng của lĩnh vực y học này.

- Chị nghĩ gì về giả thuyết rằng theo thời gian, do hậu quả của đột biến, virus này sẽ trở nên ít nguy hiểm hơn và cuối cùng, thậm chí có thể biến thành loại virus vô hại giống như những loại coronavirus gây cảm lạnh và sổ mũi thông thường?

- Nếu vậy thì tuyệt, nhưng vì nó có tiềm năng đột biến cao, một số đột biến có thể ít nguy hiểm hơn, nhưng ngược lại, một số đột biến khác lại biến đổi mạnh hơn. Có thể phát triển theo bất kỳ hướng nào. Tất nhiên, điều tôi muốn nhất là virus này chết và biến mất.

- Tôi từng biết đến giả thuyết cho rằng, vì chúng ta cách ly các trường hợp bệnh nặng, nên các virus gây ra những tình trạng nghiêm trọng không thể lây lan rộng thêm, chỉ còn những virus gây bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng là có thể lây lan.

- Đúng, với các đột biến ít nguy hiểm hơn, cơ thể có thể cùng tồn tại, chúng sẽ vào nhóm các coronavirus cúm thông thường và một số chủng sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi. Nhưng sẽ thật tuyệt nếu chúng ta thậm chí có thể đánh bại các chủng đó và virus này hoàn toàn biến mất.

- Tại sao virus này hầu như không gây hại cho trẻ em?

- Tôi có một giả thuyết về điều này. Không biết đúng hay không, nhưng có vẻ hợp lý với tôi. Có một hiện tượng trong virus học được gọi là loại trừ bội nhiễm. Khi một tế bào bị nhiễm virus của một nhóm nhất định và virus này tương đối vô hại đối với cơ thể, thì các virus nguy hiểm hơn từ cùng một nhóm không còn có thể xâm nhập vào tế bào này nữa. Virus đầu tiên sau khi xâm nhập liền “đóng cửa” tế bào và nói với những virus khác: “Ở đây đã bị chiếm rồi, không được vào”. Do đó, nếu tế bào đã có chủng coronavirus gây cảm lạnh vô hại nào xâm nhập, mà trẻ em luôn có đầy chúng trong đường thở - nguyên nhân khiến trẻ em luôn sổ mũi -, SARS-CoV-2 thậm chí sẽ không làm trầy xước tế bào đó, vì tế bào đó đã bị chiếm. Tôi nghĩ điều này có thể đúng, bởi vì không có trường hợp bệnh chuyển biến nặng nào ở trẻ nhỏ và không có trường hợp tử vong nào được mô tả. Trong khi đó trẻ em thường liên tục bị bịnh, vì vậy khó mà bảo là nhờ trẻ em có khả năng miễn dịch đặc biệt nào đó. Hiện tượng loại trừ bội nhiễm này từng được mô tả trong các arenavirus gây bệnh thấp. Điều này rất hiếm, nhưng có chúng ta sẽ thấy hiện tượng đó trong trường hợp virus này.

- Có tin về em bé đầu tiên, chưa đầy 1 tuổi, đã chết mà kết quả khám nghiệm cho thấy có nhiễm coronavirus. Chuyện xảy ở Mỹ. Đúng là vẫn chưa rõ liệu coronavirus có liên quan gì đến cái chết của đứa trẻ này hay không, hay đứa trẻ tử vong vì một lý do hoàn toàn khác.

- Cần phải nghiên cứu trường hợp đó, nhưng ngay cả khi đó là trường hợp đầu tiên, thì thực tế là có rất nhiều trẻ em trên thế giới. Rõ ràng là trẻ em có cơ chế bảo vệ siêu hiệu quả, và đây chắc chắn không phải là khả năng miễn dịch của chúng, bởi vì khả năng miễn dịch của trẻ em chỉ đang hình thành và chúng liên tục bị ốm.

- Nhà dịch tễ học người Mỹ Ralph Beyrick đề xuất: có thể tất cả các coronavirus, bao gồm cả cảm lạnh thông thường, có thể gây tử vong cho người lớn nếu lần đầu tiên họ bị nhiễm bệnh. Nhưng vì tất cả chúng ta đều mắc phải chúng từ thời thơ ấu, chúng ta phát triển khả năng miễn dịch và ở tuổi trưởng thành, căn bệnh này đã rất nhẹ. Chị nghĩ gì về điều này?

- Có thể. Nhưng chúng ta biết rằng các virus sống trên màng nhầy và không xâm nhập vào máu, bao gồm các coronavirus thông thường, làm viêm đường hô hấp trên hoặc ruột, cả ở người và động vật. Kháng thể đối với các virus này được tạo ra trong máu: số lượng tế bào lympho B tạo ra kháng thể tăng lên. Khi chúng ta đối phó với một loại virus sống trên màng nhầy, đây là những kháng thể IgA và khả năng miễn dịch niêm mạc này rất yếu. Theo tôi, ít có khả năng rằng tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cuộc gặp với coronavirus của màng nhầy trong nhiều năm. Các coronavirus thông thường không gây ra phản ứng miễn dịch thực sự mạnh mẽ, bởi vì, thứ nhất, chúng có khả năng miễn dịch kém, và thứ hai, chúng sống trên màng nhầy. Khi virus lây lan trong máu, các tế bào lympho B va chạm trực tiếp với nó. Còn trên màng nhầy, virus ở rất xa chúng. Do đó, chống lại các bệnh như vậy, chúng ta luôn cần tiêm phòng nhiều lần.

- Chính phủ nên làm gì trong tình hình hiện tại?

- Vì đây là một căn bệnh hoàn toàn mới mà thực tế chúng ta không biết gì, nên trước tiên chúng ta phải xét nghiệm để hiểu virus này xuất hiện ở đâu và lây lan như thế nào. Cần hiểu nó hoạt động thế nào. Tôi thấy có một tỷ lệ đáng kể những người có nồng độ virus rất cao ở đường hô hấp trên và không có bất kỳ triệu chứng nào. Đây là một tin tuyệt vời. Đối với nhiều người bây giờ, vì quá nhiều thông tin tiêu cực, coronavirus dường như là một căn bệnh chết người. Đừng nghĩ như vậy, cần cho mọi người biết rằng nhiều người xét nghiệm dương tính dễ dàng chịu được sự nhiễm virus, và họ chỉ có các triệu chứng nhẹ của bệnh, hoặc thậm chí không có gì cả. Cần phải thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt, mọi thứ thay đổi rất nhanh ngay trước mắt chúng ta. Ví dụ, lúc đầu chúng tôi không cho rằng virus này có thể biến đổi, nhưng bây giờ chúng tôi thấy rằng nó có thể. Chúng tôi luôn học được điều gì đó mới mẻ về nó. Đối với tôi, điều quan trọng là chính phủ CH Czech đã cho phép tối đa các lab xét nghiệm coronavirus. Lúc đầu, có rất ít phòng lab, và nếu cứ vậy, thì sẽ là một sai lầm lớn. Cảm ơn chính phủ đã cho phép chúng tôi kiểm tra và thu thập dữ liệu, bởi vì dữ liệu này cực kỳ quan trọng.

- Cách ly là đúng hay thừa, như nhận định của một số người?

- Cách ly, dĩ nhiên, không phải là thừa. Nó giúp hạn chế sự lây lan của virus trong dân chúng. Nhưng nó cần song hành với khả năng xét nghiệm hiệu quả để chúng ta không bỏ sót những người không có triệu chứng, nhưng lại lan truyền virus. Lúc đầu, cách ly chỉ nhắm đến những bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng: khó thở, đau ngực, sốt và những người mà họ giao tiếp. Nhưng hóa ra một số người không có triệu chứng nhiễm virus, vì vậy phải cách ly cho tất cả. Cách ly là một trong những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất hiện có. Cô lập ổ lây lan virus là cơ hội tốt nhất để đánh bại nó. Thật tuyệt vời khi các biện pháp cách ly được đưa ra, nhưng dần dần chúng cần được thay đổi và giảm nhẹ bớt. Ví dụ, việc cách ly những người không bị nhiễm là vô nghĩa khi bệnh chỉ có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm. Như người đứng đầu WHO nói, xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Không có cách nào khác. Để có thể cho phép những người khỏe mạnh đi làm, bởi vì nhà nước không thể tồn tại lâu nếu mọi người ở nhà và không làm việc.

- Người bình thường nên làm thế nào? Họ có cần đeo khẩu trang? Sử dụng găng tay dùng 1 lần?

- Tất nhiên cần đeo khẩu trang, ít ra là ra vì quan tâm đến người khác. Khi ta nói, những giọt nhỏ bay ra khỏi miệng, và nếu ta bị nhiễm, thì mỗi giọt như vậy chứa nhiều virus. Khẩu trang giúp chặn ít nhất là những giọt lớn. Khi tiếp xúc cá nhân, một chiếc khẩu trang là hoàn toàn cần thiết để một người không vô tình lây nhiễm cho những người mà mình giao tiếp. Còn khẩu trang phòng độc (respirator) thì nên được trang bị cho những người rủi ro cao: bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát, những người làm việc trong siêu thị, quầy thanh toán - những người mà xã hội không thể hoạt động nếu thiếu họ. Họ nên có phương tiện bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, người bình thường không nên ra ngoài mà không đeo khẩu trang, để không khiến người khác gặp nguy hiểm.

- Khăn tay, khăn quàng các loại có phù hợp để thay thế cho khẩu trang?

- Cũng tốt hơn so với không có gì. Bất cứ thứ gì giúp chặn ngay cả những giọt lớn nhất bay ra khỏi miệng chúng ta khi nói chuyện đều tốt.

- Nên làm gì khi ta cần chạm vào một vật gì đó ở nơi công cộng? Nút thang máy, tay nắm cửa, món đồ nào đó trong cửa hàng?

- Như bình thường thôi. Chỉ có điều đừng dùng tay chạm vào những thứ như bánh mì không có bao bì chẳng hạn. Và khi về nhà, rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc chất khử trùng - và sẽ ổn. Không cần phải hoảng sợ và quá lo lắng.

- Họ nói rằng mọi người liên tục chạm vào mặt: mũi, môi … Có nguy hiểm không nếu một người chạm vào thứ gì đó trên đường, và sau đó dùng chính bàn tay đó xoa mũi?

- Chạm vào mặt là một thói quen xấu phổ biến. Bạn cần phải dùng ý chí để giữ cho tay không chạm vào mặt, bởi vì miệng, mũi và mắt là cánh cổng để virus qua đó xâm nhập vào cơ thể. Một số người liên tục dùng tay chạm vào mặt khi đọc. Hãy đừng chạm!

- Có lời khuyên nên dùng một tay để chạm vào đồ vật trên đường phố hoặc trong cửa hàng, và tay kia để gãi nơi ngứa. Có nên không, hay quá đáng?

- (Cười.) Đừng chạm vào mặt. Nếu bạn thực sự muốn gãi, hãy gãi bằng tay áo. Bạn cần phải có ý thức và giảm thiểu việc sờ tay vào bản thân và người khác. Ít nhất là cho đến sau khi bạn rửa tay.

- Chị có ý kiến gì về cuộc tranh luận có nên uống các loại thuốc chống viêm không steroid kiểu ibuprofen hay aspirin, những loại thuốc dường như có tác dụng ức chế miễn dịch? Và ý kiến ngược lại, về việc dùng thuốc kích thích miễn dịch?

- Tôi là “chuột trong phòng lab”, không phải bác sĩ lâm sàng, vì vậy tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng ta biết rằng những người chết vì căn bệnh này được phát hiện xơ phổi. Đây là hậu quả của phản ứng miễn dịch quá mức đối với mầm bệnh, khi cơ thể cố gắng sửa chữa phổi và kết quả là mô mỏng phục vụ trao đổi oxy với máu trở nên dày đặc và không thấm nước, sau đó phổi không thể làm việc nữa và do đó, tim bắt đầu có vấn đề. Do đó, một số điều hòa miễn dịch nhỏ, thận trọng có thể phù hợp. Nhưng chúng ta có rất ít kinh nghiệm với căn bệnh này. Chúng ta cần liên tục thu thập thông tin, chúng ta vẫn chưa biết cái gì giúp chữa bệnh và cái gì không. Nhưng trong mọi trường hợp, tôi không phải là một chuyên gia trong chuyện này và không thể đưa ra khuyến nghị. Chuyên môn của tôi là phân tử, còn đây là một câu hỏi cho các nhà miễn dịch học.

- Và chị nghĩ gì về giả thuyết cho rằng quy mô và tốc độ của dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau phụ thuộc vào việc có tiêm đại trà vắc-xin BCG chống lại bệnh lao?

- Trực khuẩn Koch là một mầm bệnh nội bào, và do đó, miễn dịch tế bào là cần thiết để đánh bại nó. Vì vậy, điều này không hẳn là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng bây giờ có nhiều giả thuyết tương tự, tôi chưa nghiên cứu tất cả chúng, và tôi không có ý kiến hợp lý nào về chủ đề này.

- Theo chị, hiện nay số người bị nhiễm ở CH Czech trong thực tế cao hơn mấy lần so với số liệu thống kê chính thức?

- Lab của chúng tôi chủ yếu tham gia xét nghiệm những người không có chỉ định trực tiếp để xét nghiệm: sốt cao, ho, v.v… mặc dù chúng tôi cũng giúp các bệnh viện xét nghiệm bệnh nhân có triệu chứng. Theo dữ liệu của chúng tôi, trong số những người tiếp xúc với chúng tôi mà không có bất kỳ triệu chứng nào, thì có 5% bị nhiễm. Dữ liệu chính thức được công bố trước khi bắt đầu xét nghiệm hàng loạt có lẽ là thấp, vì chỉ những người có triệu chứng mới được xét nghiệm. Vì vậy, số thực sẽ cao hơn. Tôi sẽ thêm khoảng 5% vào con số chính thức.

- Nghĩa là, chỉ nhiều hơn ở mức một chữ số phần trăm, chứ không phải gấp 10 lần?

- Không, tôi không nghĩ là gấp 10 lần.

- Mức độ nghiêm trọng của bệnh có phụ thuộc vào cách người ta bị nhiễm không: do các giọt trong không khí, qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc?

- Virus này được truyền chủ yếu bởi các giọt trong không khí, vì vậy nó phụ thuộc chủ yếu vào mức độ lây nhiễm của người bị bệnh. Nếu đã có rất nhiều virus trong cơ thể anh ta, thì anh ta sẽ truyền nhiều hơn cho bạn thông qua các giọt. Nhưng nếu có người bệnh hỉ mũi vào khăn tay, họ vẫn có giọt bắn trên tay, rồi anh ta cầm tay nắm cửa, sau đó bạn nắm lấy nó và dùng tay đó để gãi mũi - đây cũng là một cách rất dễ bị lây nhiễm.

- Có thể mong đợi dịch bệnh COVID-19 sẽ suy thoái vào mùa hè khi trời ấm hơn?

- Tôi không biết. Dịch đã ảnh hưởng đến các quốc gia có khí hậu nóng, bạn cần xem nó sẽ phát triển như thế nào ở đó. Về nguyên tắc, nhiễm trùng đường hô hấp thực sự chịu sự biến động theo mùa và sẽ rất tuyệt nếu dịch bệnh giảm vào mùa hè, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta gặp phải loại virus này và chúng ta chưa biết nó sẽ hành xử như thế nào.

- Theo chị, dịch có thể kéo dài bao lâu? Chúng ta nên chuẩn bị gì?

- Dịch của bệnh hô hấp không kéo dài nhiều tuần, mà là nhiều tháng. Thông thường là 2-3 tháng. Nếu virus này đột biến mạnh, nó sẽ tồn tại lâu hơn. Chúng ta hãy chờ xem.

- Vậy là, đến tháng 5 này chắc chắn chưa kết thúc?

- Nếu tôi là một thầy bói với một quả cầu pha lê, tôi sẽ trả lời bạn chính xác. Có thể vào tháng 5 nó sẽ tiếp tục và kết thúc vào mùa hè. Hoặc có thể là từ nay virus này sẽ luôn ở bên chúng ta.

- Chị có muốn nói điều gì với độc giả?

- Chắc chắn là muốn. Mặc dù virus biến đổi và đây không phải là tin tốt nhất cho chúng ta, tôi muốn nói với tất cả độc giả rằng coronavirus hoàn toàn không phải là bản án tử hình. Hầu hết những người bị nhiễm virus này chịu đựng khá bình thường. Nhiều người thậm chí sẽ không biết rằng họ có nó, nếu không xét nghiệm. Dường như với tôi, quan trọng hơn cả là mọi người bình tĩnh nhất có thể, không lo lắng và không phải xoắn. Làm theo các quy định cách ly, đeo khẩu trang để không vô tình lây nhiễm cho người khác và cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể . Chúng ta cần phải chờ đợi, không có lựa chọn khác. Duy trì sự lạc quan, óc hài hước, và, tôi hy vọng, vào mùa hè, chúng ta sẽ thoát khỏi dịch này, và nó sẽ chỉ còn lại trong ký ức và sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tôi ước điều này cho tất cả mọi người.

HOÀNG ANH (theo Archyde)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà virus học CH Czech Sonya Pekova: Cách ly phải song hành với xét nghiệm