Nhà thơ Thanh Tùng-tác giả của hai bài thơ nổi tiếng “Thời hoa đỏ” và “Hà nội” qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM ở tuổi 83.
Tối qua (12.9) giới văn nghệ ở TP.HCM bàng hoàng nhận tin nhà thơ Thanh Tùng đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dẫu biếtrằng nhà thơ đã bước tuổi "thất thập" và ở hàng nhữngngười thượng thọ nhưng sự ra đi của ông cũng đã lại vô vàn thương tiếc cho người thân trong gia đình và giới văn nghệ sĩ.
Theo thông tin chính thứctừ chị Hương Lan (con gái của nhà thơ), sau một thời gian lâm bệnh cùng với tuổi cao sức yếu, nhà thơ Thanh Tùng đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21 giờ 50’ tối 12.9 tại nhà riêng ở TP.HCM. Ông ra đi nhẹ nhàng thanh thản và bình yêntrong vòng tay của người thân con cháu trong gia đình ở tuổi 83.
Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 14.9 tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3), lễ động quan lúc 12 giờ ngày 16.9, sau đó linh cữu nhà thơ Thanh Tùng được đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương (tỉnh Bình Dương) như ước nguyện của nhà thơ lúc còn sống.
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, ông sinh ngày 7.11.1935 tại Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng trưởng thành tại thành phố Hải Phòng. Ông có rất nhiều bài thơ nổi tiếng viết về thành phố này. Hải Phòng cũng là nơi ghi dấu một thời gian nan vất vả của ông khi còn làm một công nhân khuân vác ở bến cảng đến một anh áp tải hàng hóa rồi trở thành một nhà thơ nổi tiếng.
Khi nhắc đến tên nhà thơ Thanh Tùng người ta nhớ ngay đến bài thơ Thời hoa đỏ. Đây là bài thơ hoàn toàn mang tính cá nhân, nhưng sau khi đến với công chúng bài thơ đã trở thành “tiếng lòng” của rất nhiều người vì ông đã thay họ nói lên được những điều được mất của tình yêu mà dường như ai cũng từng trải qua trong đời.
Lúc sinh thời nhà thơ Thanh Tùng chia sẻ, ông có một người vợ tên là Thanh Nhàn, ở Hải Phòng. Bà Nhàn là người nổi tiếng có nhan sắc, hai người đã kết hôn với nhau, nhưng sau đó vì một số lý riêng nên cuộc hôn nhân này đứt đoạn. Tuy chia tay nhau nhưng ông vẫn luôn nhớ thương người vợ cũ. Năm 1973, nghe bà Thanh Nhà qua đời vì bệnh tim, ông tức tốc xuống Quảng Ninh nơi bà đã sống để tiễn đưa lần cuối. Bằng môt trái tim yêu vô tận và tiếc nuối một thời hoa mộng đã trôi qua, ông đã sáng tác nên bài thơ Thời hoa đỏ. Nhân vật nữ trong bài thơ chính là người vợ đầu sau mối tình tan vỡ của ông.
Thời hoa đỏ cũng được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thành bài hát cũng tên. Đây cũng là tác phẩm âm nhạc rất nổi tiếng đã đi vào lòng nhiều thế hệ người nghe nhạc qua những giai điệu và ca từ nồng nàn, lãng mạn dạt dào tình cảm nhưng mang niềm day dứt khôn nguôi về một tình yêu đã mất“Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi. Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi. Như máu ứa một thời trai trẻ. Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”. Những vần thơ “như có lửa” của ông đã đi vào nhạc và ở lại trong trái tim nhiều thế hệ người yêu thơ-nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ qua.
Nhà thơ Thanh Tùng cũng còn một bài thơ khác nổi tiếng không kém đó là Hà Nội. Bài thơ cũng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc Hà Nội ngày trở về. Bài hát đã nhanh chóng nổi tiếng qua tiếng hát của ca sĩ Tấn Minh, Trọng Tấn dường như chuyển tải được tất cả những nỗi niềm của những người xa Hà Nội trong đó có ông: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Để lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố Khâm Thiên.. Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi. Vội vả trở về, vội vả ra đi...”
Nói về những cảm xúc của mình khi phổ bài thơ Hà Nội ngày trở về thành ca khúc, nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ: “Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ, riêng bài Hà Nội ngày trở về thì câu hát “Vội vã trở về, vội vã ra đi” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi”.
Ngoài hai bài thơ kể trên, nhà thơ Thanh Tùng còn một số bài thơ nổi tiếng khác như Em giấu mùa thu, Người về (nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc), Chiều Quảng Yên (Nguyễn Thụy Kha phổ nhạc). Ông cũng đã xuất bản hai tập thơ Thời hoa đỏ và Hành phương Nam. Ông cũng đã hai lần nhận giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002.
Nhà thơ Thanh Tùng đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng chắc chắc những vần thơ “như lửa cháy khát khao” của ông, tình yêu, những bài thơ bất hủ của ông vẫn còn vẹn nguyên.Và với những ai từng say đắm Thời hoa đỏ của Thanh Tùng thì ông vẫn mãi mãi là “Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.
Tiểu Vũ
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.
Thanh Tùng
Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận
Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy
Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân
Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác
Tôi lại về đánh cắp
Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên
Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước Hồ Gươm
Tôi rung lên mỗi khi chạm bóng cửa ô
Như được chạm vào vai gầy áo mẹ
Tôi bé nhỏ và tôi vẫn thế
Trái tim luôn xao động
Như bên trong vẫn đầy ắp sóng Hồ Tây
Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng kịp nhận ra từng con phố
Nhưng trong tôi vững bền đến thế
Những chiếc lá nhìn tôi vẫn mắt tuổi học trò
Những vòm cổ nghiêng xuống tôi hơi ấm
Thầm thì lời của rêu phong
Sâu đến nỗi bàng hoàng lạc tới ngàn năm
Những chiều thu hăm hở tôi đi
Hồn đánh võng với hơi giăng thấp thoáng
Từ gốc cây già đến mặt hồ sương
Từ ngàn xưa đến tận hôm nay
Quán ngập lá và mắt em đen thế
Rượu không say, chỉ đủ để buồn thôi!
Tôi vẫn về Hà Nội của tôi
Sau những ngày dài khô khốc
Để thẫn thờ uống từng vết nắng mưa
Chạy mệt nhoài trên những quảng trường sạm gió
Mỗi lần ra đi
Nặng nề như có chửa
Và vội vàng của một kẻ tham lam
Vì bất cứ vòm cây nào trên những đại lộ
Cũng có thể đòi tôi trả lại màu xanh!
Thanh Tùng