Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng nhà ở xã hội khó mà phát triển theo tình hình hiện nay bởi thủ tục đầu tư khó hơn, vay vốn khó hơn...

Nhà ở xã hội khó phát triển bởi thủ tục vay vốn khó hơn

Tú Viên | 03/06/2022, 19:08

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng nhà ở xã hội khó mà phát triển theo tình hình hiện nay bởi thủ tục đầu tư khó hơn, vay vốn khó hơn...

Ngày 3.6, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại 7 đơn vị về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Các Sở được giám sát gồm: Xây dựng, NN-PTNT, GD-ĐT, Công thương, Y tế... Đây là những cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện giảm các chiều nghèo theo chuẩn nghèo của TP.HCM.

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM phát triển được hơn 1,2 triệu m2 sàn, tương đương gần 15.000 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, vốn ngân sách 620 căn hộ, còn lại là vốn ngoài ngân sách.

nha-o-xa-hoi-6901.jpeg

Chung cư - nhà ở xã hội Topaz City ở Q.8, TP.HCM-Ảnh: Thanh Niên

Theo ông Khiết, nhà ở xã hội khó mà phát triển theo tình hình hiện nay bởi: Thủ tục đầu tư khó hơn, vay vốn khó hơn; phải dành 20% dự án để cho thuê 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn, kém hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tăng mức vay ưu đãi cũng như đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa. Đồng thời có nguồn vốn vay ưu đãi lâu dài để nhà đầu tư vay phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ thời gian hoàn tất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tiến độ thực hiện hoặc bàn giao cho nhà nước để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác thực hiện dự án nếu không đảm bảo tiến độ.

Hộ nghèo phải tìm đến tín dụng đen

Tại buổi giám sát, một vấn đề được các ĐB quan tâm phân tích, đó là cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa bố trí được nguồn vốn của năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đây là nguồn tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này dành cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay ưu đãi để giải quyết việc làm, học nghề…

ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho biết, khi giám sát thực tế tại các quận huyện, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm và học nghề của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo là rất lớn, hồ sơ tồn đọng rất nhiều nhưng chưa có nguồn vốn bố trí giải ngân.

Theo ĐB, nếu UBND TP.HCM không kịp thời bố trí nguồn vốn thì sẽ tác động rất lớn về mặt an sinh xã hội, có trường hợp phải tìm đến tín dụng đen dẫn đến hậu quả khôn lường. Trong khi các tỉnh thành khác đều đã bố trí được, thì TP.HCM vẫn loay hoay giữa việc bố trí ngân sách chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển.

Tại sao phải nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi khám bệnh?

Tại đây, Sở Y tế đề xuất có chính sách hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chi phí khám chữa bệnh đối với những dịch vụ kỹ thuật, thuốc đặc trị không được Bảo hiểm y tế thanh toán. Theo Sở, hiện có một số dịch vụ kỹ thuật cao không được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Sở Y tế chưa thanh toán được cho các cơ sở khám chữa bệnh là hơn 32 tỉ đồng do vướng mắc về tính pháp lý của Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.

Sở Y tế cũng cho biết, thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới không hiển thị mã số hộ nghèo, hộ cận nghèo nên gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, mất thêm thời gian tra cứu thông tin, hoặc bỏ sót trường hợp được hưởng chính sách.

ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, đặt vấn đề ở góc độ khác: Tại sao phải nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi khám bệnh? Nên chăng cần nhìn nhận đây là đối tượng cần được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn, để từ đó phục vụ cho tốt.

ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đề nghị các ngành quan tâm đến kiến nghị của Sở Y tế. Ngoài ra, ĐB Mỹ Ngọc cũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở NNPTNT có tiếng nói để người dân được xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác, từ đó phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Kết luận buổi giám sát, ĐB Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị các đơn vị thực hiện đúng tinh thần của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đó là quan tâm hơn đến những hộ mới thoát chuẩn cận nghèo, bên cạnh các hộ nghèo và cận nghèo.

ĐB cũng đề nghị Sở Tài chính và Sở KH-ĐT tham mưu UBND TP.HCM sớm trình HĐND cân đối bố trí ngân sách cho chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ngân sách TP.HCM, có thể nghiên cứu đề xuất trung ương hỗ trợ, hoặc tăng cường các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Sở Xây dựng đã rà soát trên địa bàn TP.HCM, hiện có tổng cộng 33 dự án diện tích trên 10 ha, chủ đầu tư bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, với tổng diện tích hơn 105ha và 70.000 căn. Trong số này có 26 dự án hoàn toàn do chủ đầu tư thực hiện và đã bồi thường được 14 dự án. Như vậy, quỹ đất đã có, các nhà đầu tư có, địa chỉ có, vấn đề làm sao là triển khai nhanh bằng nhiều chính sách.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu thực tế của nhiều công nhân lao động, Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đề xuất tính đến việc xây nhà cho thuê trong chính sách nhà ở cho dành cho người lao động trên địa bàn, bởi “đó là vấn đề căn cơ, cốt lõi và dễ giải quyết hơn so với việc mua nhà ở xã hội”.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
25 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở xã hội khó phát triển bởi thủ tục vay vốn khó hơn