Tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, khiến nhà nông Ấn Độ phải tự tử khi không còn có thể trả nợ vay lãi "nóng".

Nhà nông Ấn Độ tự tử vì biến đổi khí hậu, vay 'nóng'

Bảo Vĩnh | 05/09/2022, 15:03

Tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, khiến nhà nông Ấn Độ phải tự tử khi không còn có thể trả nợ vay lãi "nóng".

Do không có sự hỗ trợ của ngân hàng, hàng triệu nhà nông nhỏ lẻ ở Ấn Độ đã phải vay tiền có mức lãi suất cao từ những người cho vay địa phương. Họ còn thường bị ép bán vụ mùa giá thấp, trong khi chi phí lưu trữ và vận chuyển lại cao.

Ấn Độ hiện trải qua một đợt nắng nóng chưa từng có. Thành phố Rajgarh 1,5 triệu dân ở miền trung nóng 46,5 độ C, và nhiệt kế ở 9 thành phố khác cũng vượt quá mức 45 độ C.

Mưa nhiều làm mất vụ mùa, nông dân tự sát

Ấn Độ là một quốc gia nông nghiệp, trong tổng số 1,3 tỉ dân có hơn 50% dân số dựa vào hoạt động nông nghiệp để sinh sống.

Ở vùng Marathwada, khoảng 65% dân số hoàn toàn sống nhờ vào nông nghiệp cùng các hoạt động liên quan. Nhiều nhà nông đang bắt đầu phải hứng chịu những hậu quả khắc nghiệt đối với việc trồng trọt do biến đổi khí hậu.

Trong năm 2022, những trận mưa cực đoan ở Maharashtra đã gây mất mùa trên 800.000 ha ruộng, tác động đến nhà nông ở 24 huyện, chủ yếu ở các vùng Marathwada và Vidarbha.

Các vụ thu hoạch lúa, ngô, bông, chuối, đậu nành cùng các loại rau quả đều bị thiệt hại nặng, theo Sở nông nghiệp của bang, riêng vùng Marathwada gánh một nửa tổn thất.

Hơn 600 nhà nông ở vùng Marathwada - của bang cùng tên - đã chết vì tự tử trong năm nay, theo các số liệu chính thức. Đa số các ca tự sát này là do mưa nhiều gây tổn thất hàng ngàn ha ruộng.

Và các chuyên gia nông nghiệp số ca tự sát có thể còn cao hơn nữa. Điều có nghĩa sẽ vượt quá 805 vụ tự sát ở 8 huyện của Maharashtra hồi năm 2021, bất kể việc hai đời chính quyền bang liên tiếp đã xóa nợ vay để làm ruộng.

Báo cáo mới nhất của Cục Tội phạm Ấn Độ (NCRB) ghi nhận 5.563 nhà nông tự sát hồi năm 2021, tăng 9% so với năm 2020 và tăng 29% so với năm 2019.

Đa số các ca tự sát được ghi nhận ở bang Maharashtra với 1.424 ca, tiếp đến là bang Karnataka với 999 ca và bang Andhra Pradesh với 584 trường hợp.

Nhà phân tích chính sách nông nghiệp độc lập Indra Shekhar Singh nói: “Số vụ nông dân tự sát tăng theo từng năm, nhất là ở các vùng vành đai trồng bông. Sự mất mùa, chi phí đầu vào tăng và giá thị trường thấp thường đẩy nhà nông vào cảnh nợ nần. Họ cũng chưa hoàn toàn phục hồi sau đợt bị phong tỏa chống dịch COVID-19”.

Tình trạng nông dân tự sát còn do việc thiếu sự hỗ trợ của các ngân hàng, vào lúc thị trường bất ổn và khí hậu khắc nghiệt.

“Từ đó, nhà nông cần tiền để mua phân bón, giống... thường phải tìm đến các người cho vay nặng lãi ở địa phương" ông Singh nói.

Nông nghiệp là xương sống kinh tế của Ấn Độ

Theo báo Đức Deutsche Welle, một vài chuyên gia đã chỉ trích các chính sách nông nghiệp của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi.

Các nhà phân tích nói lẽ ra chính phủ phải thấu hiểu gánh nặng nợ cùng thời tiết thất thường mà người nông dân phải chịu vì chi phí cao của hoạt động nông nghiệp.

Các hội nông dân nói, Chính phủ đã ấn định giá thị trường và thậm chí không đạt được mục đích của chương trình Giá trợ cấp tối thiểu (MSP) là chính phủ mua nông sản của nông dân, nếu giá thị trường giảm dưới mức giá do chính phủ ấn định. Họ nêu MSP không tính đến chi phí sản xuất, đẩy nhà nông vào cảnh lỗ nặng.

Các nhà phân tích nói, nếu Sáng kiến Chuyển Trợ cấp Trực tiếp (DBT) được áp dụng thành công, thì chính phủ có thể giúp nhà nông đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và ngưng trồng các loại cây tốn nhiều nước như bông BT và mía, đồng thời hướng đến các nông sản thích hợp với môi trường như hạt kê, rau quả và các loại hạt có dầu.

Nhà phân tích Singh nói: “Nếu vận dụng DBT tốt, chính phủ Ấn Độ có thể ghi được điểm với các nhà nông, và đồng thời giúp hạn chế biến đổi khí hậu cũng như trữ được nguồn nước quý giá tại vùng khô hạn này”.

Cũng đã xảy ra những vụ biểu tình bất mãn, đặt ra một thách thức cho Thủ tướng Modi. Khi bắt đầu nắm quyền lực hồi năm 2014, ông đã hứa sẽ giúp tăng thu nhập của nhà nông lên gấp đôi trong vòng 5 năm.

Năm 2021, sau sự bức xúc của giới nông dân, chính phủ Ấn Độ đã buộc phải hủy nhiều đạo luật nông nghiệp gây tranh cãi vốn đề xuất hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp.

Bài liên quan
Bến Tre: Du lịch nông nghiệp đem lại giá trị kép, đang được nhân rộng.
Gần đây, ngành du lịch tỉnh Bến Tre chuyển sang phục vụ khách theo kiểu “cây nhà, lá vườn” hay còn gọi là du lịch nông nghiệp. Các mô hình du lịch sinh thái ở nông thôn như: tham quan vườn cây ăn trái, hái trái cây, vui chơi, nghỉ ngơi trong vườn cây... được du khách yêu thích và thu lợi nhuận cao. Hoạt động kinh doanh này đem lại giá trị kép: tạo doanh thu cho đơn vị tổ chức dịch vụ du lịch và cả nhà vườn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà nông Ấn Độ tự tử vì biến đổi khí hậu, vay 'nóng'