Đại dịch COVID-19 đã khiến các phân khúc của thị trường bất động sản suy giảm mạnh, thậm chí “đóng băng”. Tuy nhiên, giá bán căn hộ, nhà đất tiếp tục tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới.

Nhà đất TP.HCM tăng giá ‘chóng mặt’ bất chấp dịch COVID-19

12/06/2020, 21:40

Đại dịch COVID-19 đã khiến các phân khúc của thị trường bất động sản suy giảm mạnh, thậm chí “đóng băng”. Tuy nhiên, giá bán căn hộ, nhà đất tiếp tục tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới.

Giá nhà TP.HCM vẫn tăng cao dù gặp đại dịch - Ảnh: Phan Diệu

Giá nhà đất tiếp tục tăng cao

Theo khảo sát của Một Thế Giới, tại thị trường TP.HCM, hiện nay giá nhà đất dường như đã thiết lập một mặt bằng mới. Đặc biệt, các dự án căn hộ do các chủ đầu tư uy tín, có tiến độ xây dựng tốt đã có mức giá tăng mạnh từ 30-40%, thậm chí cao hơn.

Đơn cử như tại dự án Centum Wealth (quận 9), năm 2019, căn hộ ở dự án này được công bố với mức giá trung bình khoảng 28 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2019 tăng lên khoảng 33-35 triệu đồng/m2 thì nay giá bán đã tăng lên 40-42 triệu đồng/m2.

Còn tại dự án Flora Novia (quận Thủ Đức), nếu cuối năm 2018 và trong năm 2019 được chủ đầu tư bán với giá trung bình chỉ khoảng 26 triệu đồng/m2 thì nay đã vượt ngưỡng 40 triệu đồng/m2.

Tại khu Cát Lái (quận 2), giá căn hộ thấp nhất trong dự án City Grand đã tăng lên mức khoảng 2,2 tỉ/căn 55m2, tương đương 40 triệu/m2. Nếu so sánh với loạt căn hộ cùng triển khai ở khu vực này thời điểm 2018-2019 như Citisoho (22-25 triệu/m2), Citiesto (28-32 triệu/m2), giá bán dự án mới đã tăng lên một tầm mới. Tương tự, dự án Metro Star (quận 9) trong đợt mở bán thứ 2 gần đây cũng đã lên đến 45 triệu đồng/m2, tăng 10 triệu đồng/m2 so với đợt trước đó.

Nhiều căn hộ hiện hữu khu vực Him Lam Phú An, Jamila Khang Điền, giá khởi điểm 30-35 triệu đồng/m2 nay cũng tăng lên từ 37-40 triệu đồng/m2. Còn các dự án như Safira Khang Điền, Saigon Gateway, Hausneo… từ 27-30 triệu đồng/m2 hiện đều tăng lên mức 35-37 triệu đồng/m2.

Không chỉ phân khúc căn hộ, đất nền tại khu đông thành phố gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũng đang tăng phi mã sau thời gian giãn cách vì đại dịch. Tại một số dự án phân lô bán nền trên đường Lò Lu hoặc khu đô thị Đông Tăng Long, giá đất nền dao động từ 40-45 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Không những vậy, một số dự án phân lô, bán nền khác tại quận 2 và Thủ Đức cũng tăng lên 50 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí.

Theo JLL Việt Nam, trong quý 1/2020, giá bán sơ cấp đất ở TP.HCM đã lên mức 5.017 USD/m2, tăng 37,7% theo năm và 8,4% theo quý. Việc tăng giá chủ yếu là do các dự án có giá thấp hơn mức trung bình đều đã bán hết. Xét trong cùng dự án, giá vẫn ổn định hoặc tăng nhẹ, dưới 4% theo quý ở mỗi dự án.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy tính hết quý 1/2020, giá bất động sản tại TP.HCM tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân tăng khoảng 3,78%. Giá nhà ở riêng lẻ cũng tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá bất động sản khó giảm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết tháng 4 thị trường TP.HCM chịu ảnh hưởng từ COVID-19 nên hầu như không có sản phẩm bán ra. Thế nhưng tháng 5, số lượng căn hộ đưa ra thị trường gấp gần 6 lần so với tháng 4, sản phẩm tiêu thụ được cao hơn 15 lần. Vì vậy, ông Châu đánh giá thị trường có dấu hiệu phục hồi trở lại nếu tháo gỡ được các vấn đề vướng mắc và sự tăng trưởng sẽ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thị trường cũng vẫn có những khó khăn nhất định và không phải bây giờ mới khó.

Đặc biệt, giá bất động sản hiện nay không thể xuống. Đây là câu trả lời thực tế của thị trường sau đại dịch. Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp mua đi bán lại, còn thị trường sơ cấp của nhà phát triển dự án thì không thay đổi. Các nhà đầu tư hiện nay đều hiểu rằng không thể tìm kiếm siêu lợi nhuận mà chỉ là lợi nhuận hợp lý.

Phân tích cụ thể, ông Châu cho rằng bản chất thị trường bất động sản không xấu, tổng cầu có khả năng thanh toán toàn thị trường Việt Nam rất tốt. Thực tế cho thấy thị trường thiếu hụt nguồn cung, sản phẩm nên giá bất động sản tăng.

Ông Châu nói rằng ngày 10.12.2015, Nghị định 99 thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực. Từ đó đến cuối năm 2018, TP.HCM có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc vì thủ tục đầu tư. Từ cuối năm 2018 đến nay, doanh nghiệp không trình nữa vì trình lên là ách tắc, ách tắc ở chỗ khác nhau chữ "nhà đầu tư" và "chủ đầu tư"...

“Khó khăn không bắt nguồn từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng mà từ một điểm nghẽn đầu tiên mà Thủ tướng tổng kết là thể chế pháp luât. Thị trường bị các xung đột pháp luật khiến mọi thứ vận hành không bình thường. Chúng ta cần môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh thì thị trường bất động sản mới bền vững”, ông Châu nói.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đất TP.HCM tăng giá ‘chóng mặt’ bất chấp dịch COVID-19