Theo giới chuyên gia quốc tế, việc các công ty hay cá nhân che giấu tài sản thông qua “công ty ma” tại nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thuế của các nước đang phát triển và nhiều thành phần xã hội khác.

Người nghèo trên toàn thế giới mới là nạn nhân thật sự của Panama Papers

06/04/2016, 20:39

Theo giới chuyên gia quốc tế, việc các công ty hay cá nhân che giấu tài sản thông qua “công ty ma” tại nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thuế của các nước đang phát triển và nhiều thành phần xã hội khác.

Vào đêm 3.4.2016, 11,5 triệu tài liệu bí mật của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama đã bị rò rỉ sau khi một nguồn tin giấu tên chuyển tất cả cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung và Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Các tài liệu cho thấy những cá nhân giàu có trên khắp thế giới sử dụng nhiều cách khác nhau để trốn thuế và hay khai thác sơ hở thông qua các “công ty ma”.

Một loạt nhân vật nổi tiếng, từ các chính trị gia người Anh cho đến những người giàu có trên toàn cầu, đều ít nhiều liên quan đến vụ rò rỉ chứng từ thuế. Trong đó nổi bật nhất là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, cựu Thủ tướng Iraq Ayad Allawi hay cựu Tổng thống Sudan Ahmad Ali al-Mirghani.

Các phương tiện truyền thông coi Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson, người phải "nhường ghế vô thời hạn" vào ngày 5.4, là nạn nhân đầu tiên của Panama Papers. Tuy nhiên, các chuyên gia và tổ chức từ thiện trên thế giới cho rằng việc trốn thuế không chỉ liên quan đến tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Thay vào đó, những nạn nhân bất đắc dĩ của vụ việc còn là 7,3 tỷ người trên thế giới, đặc biệt là người nghèo.

Jonh Christensen, giám đốc của Mạng lưới Tư pháp Thuế Vương Quốc Anh, nói với hãng tin Newsweek rằng: “Các nạn nhân của Panama Pagers là những người bình thường. Các công ty hay cá nhân giàu có thông qua sơ hở của pháp luật để đóng ít thuế hơn quy định, trong khi chúng ta phải đóng nhiều hơn.

Do đó, như những gì đã xảy ra tại Anh, người giàu sẽ trở nên giàu hơn và người nghèo ngày càng khốn đốn. Các nước đã đánh mất rất nhiều thuế, vốn có thể dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng hay cải thiện dịch vụ công”.

Nỗ lực của thế giới nhằm giúp các nước đang phát triển, như Nigeria và Malawi, cũng bị cản trở nghiêm trọng do việc trốn thuế. Người giàu đã cố tình che giấu tài sản tại các nước có quy định thuế không rõ ràng hay bất công và họ chỉ cần một ít tài chính để đóng góp vào khoản thuế. Do đó, các nước đang phát triển thường không có đủ chi phí cho kế hoạch cải thiện giáo dục, y tế và hệ thống giao thông.

Điều này tương tự như việc “xuất huyết” của con người, mất đi một nguồn tài chính vốn quan trọng hơn cả việc nhận được viện trợ từ nước ngoài.

Một trong những cách đơn giản nhất để thoát khỏi tầm nhìn của cơ quan thuế đối với các công ty tại các nước đang phát triển là những công ty này sẽ thành lập nhiều công ty con tại các quốc gia được coi là "thiên đường thuế", nơi có mức thuế thấp và nhiều ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Sau đó, công ty mẹ sẽ bán sản phẩm cho công ty con với giá thấp và mất rất ít tiền cho việc đóng thuế. Cuối cùng, các công ty con lại bán sản phẩm tại thiên đường thuế theo giá thị trường, thu được lợi nhuận cao với cùng mức thuế suất.

Nhìn chung, các tập đoàn kinh tế cố gắng thao túng giá cả để tránh phải trả thuế, nhưng điều này khiến các nước có hệ thống thuế công bằng chìm sâu vào đói nghèo khi không thể ổn định nền kinh tế của đất nước. Tại châu Phi, các công ty với phương thức tương tự đã làm “bốc hơi” 60% nguồn vốn của các nước.

Một quan chức nói với Newsweek rằng: “Nguồn thuế dành cho việc cải thiện dịch vụ công cộng ở Malawi và nhiều nước nghèo khác đang biến mất ở mức báo động. Hơn 30% các khoản tài chính của châu Phi được các tổ chức nước ngoài che dấu bên trong thiên đường thuế, ước tính khoảng 14 tỉ USD nguồn thu thuế bị thất thu mỗi năm.

Khoản tiền này đủ dùng cho việc thanh toán y tế, chăm sóc sức khỏe cho những bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, còn có thể cứu sống 4 triệu trẻ em mỗi năm và trả lương cho giáo viên để mọi trẻ em châu Phi có điều kiện đến trường”.

Raymond Baker, Giám đốc Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI) có trụ sở tại Washington, nhận định hoạt động trốn thuế của các tập đoàn kinh tế đang tạo nên “chương xấu nhất trong nền kinh tế toàn cầu kể từ khi kết thúc chế độ nô lệ”.

“Nigeria, đất nước giàu mỏ với 140 triệu dân, nhưng 70% dân số tương ứng với 100 triệu người đang có mức thu nhập 1-2 USD mỗi ngày. Nhiều khoản tài chính được chuyển ra nước ngoài này thông qua các dòng tiền bất hợp pháp, chiếm một phần trong tổng sản phẩm nội địa của Nigeria. Trong khi đó, Congo cũng đối mặt với tình trạng tương tự, kéo dài trong 2 thế kỷ qua”, ông baker khẳng định.

Tóm lại, khi một công ty không chấp nhận đóng thuế một cách công bằng sẽ có nhiều giáo viên hay y tá không được trả lương để làm việc, những con đường không thể sửa chữa, chính phủ không đầu tư cho giáo dục và bệnh viện sẽ thiếu thiết bị y sinh. Hậu quả của việc trốn thuế đối với các quốc gia đang và chậm phát triển sẽ tiếp tục kéo dài.

Hàn Giang (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nghèo trên toàn thế giới mới là nạn nhân thật sự của Panama Papers