Không chỉ ngư dân đánh bắt cá, nhiều tiểu thương bán cá tại TP.HCM cũng lao đao dù chuyện cá chết tại vùng biển miền Trung đã diễn ra cách nay hơn một tháng.

Người bán cá tại TP.HCM khốn khổ vì tin đồn

Theo Tuổi trẻ | 30/05/2016, 05:42

Không chỉ ngư dân đánh bắt cá, nhiều tiểu thương bán cá tại TP.HCM cũng lao đao dù chuyện cá chết tại vùng biển miền Trung đã diễn ra cách nay hơn một tháng.

“Cá ngừ, cá cam đi anh chị ơi!” - chị Mai Thị Mỹ Linh (38 tuổi, quê Vĩnh Long) ngồi thu lu, cất lời mời bất cứ ai đi ngang sạp cá của mình ở chợ Bình Điền. Nhưng nhiều người lắc đầu. Nhìn khay cá đầy ắp, chị than thở: “Từ 11g đêm đến giờ (5g sáng), 10 con cá ngừ mà chỉ bán được 2 con!”.

Theo chị Linh, hơn một tháng nay cá biển bán ra rất chậm. Ngày trước, mỗi đêm chị lấy 2-3 tạ cá về bán lẻ. Chỉ tầm 5-6g sáng hôm sau là sạch trơn. Giờ chỉ dám lấy chừng 1 tạ nhưng trầy trật mãi, có khi đến 12g trưa mới bán hết.

Tiền lời khoảng 100.000-200.000 đồng/ngày chẳng đủ tiền thuê mặt bằng (3 triệu đồng/tháng), tiền mua đá, tiền thuê xe, thùng, nhà trọ, nuôi con cái ăn học, thậm chí có hôm còn hụt cả tiền vốn.

“Có hôm ế hơn 20kg cá ngừ, đành đóng thùng xốp gửi về quê cho họ hàng” - chị Linh rầu rĩ.

Bỏ dở mấy con cá bạc má đang được đánh vảy, chị Lê Thị Tuyết (quê Nghệ An) cho biết dù nguồn cá lấy từ Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang... nhưng người dân vẫn nghi ngại là cá... chết từ miền Trung chở vào.

Theo chị Tuyết, nếu cứ tiếp tục buôn bán ế ẩm thế này, gia đình chị sẽ chẳng thể nào xoay xở nổi:

“Vợ chồng để con ở ngoài quê vào đây kiếm sống. Tiền thuê chỗ bán 3 triệu đồng/tháng, rồi tiền thuê nhà trọ, tiền gửi về nuôi con. Bây giờ buôn bán ế ẩm chưa biết xoay xở đâu ra tiền gửi về quê” - chị Tuyết lo lắng.

Không chỉ những người bán lẻ, ngay cả những vựa cá lớn cũng lao đao. Anh Lâm Thanh Phương, chủ một vựa cá lớn trong chợ Bình Điền, cho biết tôm, mực hay cá đồng vẫn bán được.

Tuy nhiên, lượng cá biển tiêu thụ giảm mạnh, hiện vựa anh Phương chỉ nhập khoảng 5-6 tấn/ngày so với con số 10 tấn cá biển/ngày trước đây.

“Cá tươi đã khó bán ra, cá đông lạnh lại cực kỳ chật vật, mức tiêu thụ có hôm giảm đến 80%, dù cá được lấy chủ yếu ở Kiên Giang” - anh Phương cho biết.

Khu vực bán cá tại nhiều chợ lẻ cũng trống hẳn, nhiều người đã tạm nghỉ hoặc nghỉ bán luôn vì không trụ nổi. Một nhân viên ban quản lý chợ An Nhơn (Q.Gò Vấp) cho biết cũng nghe được những phản ảnh, than thở về tình hình buôn bán hải sản ế ẩm từ các tiểu thương.

“Có một số hộ đã nghỉ bán, nghỉ tạm, chờ lúc nào ổn định mới bán tiếp, một số khác thì cầm chừng bữa bán bữa nghỉ” - nhân viên này cho biết.

Theo một lãnh đạo HTX thương mại dịch vụ Phú Thịnh (chợ Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận), ngay cả cá sông và cá đồng cũng bị nhiều người tiêu dùng “săm soi” rất kỹ trước khi mua.

“Cá chết chỉ ở một số vùng ven bờ khu vực miền Trung và cũng đã diễn ra hơn một tháng nay, trong khi phần lớn cá biển được bán tại các chợ ở TP.HCM hiện nay đều lấy từ Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây nhưng cũng bị vạ lây do những tin đồn thất thiệt. Chỉ có ngư dân và người bán cá là gặp khó khăn” - vị này nói.

Minh Phượng - Ngọc Loan - Tuổi Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người bán cá tại TP.HCM khốn khổ vì tin đồn