Tám ra lệnh cho mấy đàn em tiếp tục đưa đoàn người ra khỏi thành phố, còn anh mượn một chiếc xe đạp chở Lâm. Tám đạp xe về hướng cầu Long Biên. Ngược gió, xe chở nặng, Tám gò lưng đạp. Vừa đi, anh vừa kể cho Lâm nghe chuyện đời mình, thoải mái như với một người bạn lâu ngày gặp lại.
Lâm không ngờ con người được coi là trùm du đãng nơi bến sông lại có tài ăn nói, hóm hỉnh và thông minh đến thế. Những chuyện cơm áo, thoát hiểm thường ngày trong đám anh em bến sông, qua lời Tám, đều trở nên ly kỳ, hấp dẫn, không thể nào đoán trước, trĩu nặng say mê của những kẻ không tuân phục, những kẻ chọn cái sống nơi đầu sóng ngọn gió, thậm chí là ranh giới sống chết, nên mới dám bỡn cợt với mọi luật định thông thường.
Lâu nay, Lâm không hề được vui như thế. Trên đường, hai người phải dừng lại một lúc để Lâm cho thằng Vọng bú bữa chiều. Tám đi quanh quẩn, lúc quay về đưa cho cô mấy bắp ngô non, xé lớp vỏ thấy hạt trắng như ngọc. Mãi chiều tối họ mới về tới nhà. Tám đưa Lâm tới ở nhờ bà bác ruột. Cha mẹ anh đã qua đời từ lâu, được chôn cất ở làng.
-Đây là Lâm, em gái người bạn thân của cháu. Cô ấy ở lại bám nhà máy nên khi sinh không kịp về nơi sơ tán. Bác cho Lâm và cháu bé ở nhờ một thời gian, cháu sẽ thường xuyên qua lại.
Bà bác nhìn Lâm vẻ dò xét kín đáo rồi bảo cô bế đứa bé vào trong buồng, thu xếp cho hai mẹ con một chỗ ở ấm áp. Hằng ngày, Lâm theo bác ra ruộng trồng đậu, trồng lạc, dỡ khoai, gánh nước. Làng ở ngay bờ bên kia sông Hồng, nhưng không phải vùng trọng điểm nên cách xa những nơi bị thả bom.
Không còn nghe tiếng còi báo động vọng về từ phía Hà Nội. Đêm chỉ còn tiếng gió trào lên ngoài vườn mía. Bên sông, những vạt hoa cải vàng, trắng nở rộ, tuôn lên trời thứ ánh sáng trắng bạc như phản chiếu từ mặt gương hay hơi nước đang sôi. Đây là những ngày bình lặng nhất đời Lâm. Mỗi đêm nằm bên con đang yên ngủ, cô đều thấy biết ơn vì nó đã che chở mình khỏi tai ương, khổ nạn.
Lâm tự hỏi tại sao dòng sông cứ phải chảy, phải mang theo những thứ mà có khi chính nó cũng không hề muốn? Dòng sông như một linh hồn phải mang theo thân xác trong những mùa hoa vông đỏ chói như lời cầu nguyện giục bay lên.
Một lần, Lâm nói với Tám, lúc anh đã trở thành người thân thiết nhất với cô:
- Anh đừng quay về Hà Nội nữa. Em lo lắm…
***
Nguyệt vừa đi thăm Vọng ở trại tỉnh Thanh về. Trông cô tề chỉnh, từ đầu tới chân tươm tất, sáng láng hơn hẳn ngày thường, hắt ra một sức sống rực rỡ, dù hơi buồn. Bà Lâm giục con dâu đi tắm rửa. Thằng cu Vang đã ăn cơm trước và đã tót đi chơi. Bà Lâm vừa xới cơm vừa hỏi:
- Lần này có được gặp được nó không?
- Có gặp mặt mẹ ạ. Anh con trông cũng vẫn gầy, đen, nhưng tươi tỉnh, lạc quan. Dạo này không phải đi làm đá nữa, chỉ phải trông vườn tược, công việc cũng nhẹ. Quà của gia đình thì được đưa ngay lúc thăm.
Bà Lâm nén tiếng thở dài:
- Còn việc kia thì sao, con?
- Anh con cho số điện thoại một người, bảo cứ đưa cho người ấy, khắc sẽ tới. Nhận được anh sẽ báo tin về cho gia đình. Con đã làm đúng như anh con dặn.
- Ừ. Bà Lâm thấy trong người vơi nhẹ, mềm xuống hẳn.
***
Sau Hòa đàm Paris năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba, bà Lâm còn nán lại vùng quê ven sông Hồng thêm một thời gian rồi mới đưa gia đình, gồm ông Tám và thằng cu Vọng hai tuổi trở về nền nhà cũ trong xóm lao động. Cha mẹ đẻ của bà cũng đã trở về thành phố từ nơi sơ tán. Nhà máy trước đây đã không nhận bà Lâm vào làm việc trở lại, vì bà đã lấy người chồng có lai lịch không rõ ràng.
Ông Tám ở nhà vợ, đối với cha mẹ vợ luôn yêu thương hòa thuận. Không còn buôn tàu bán bè, ông chấp nhận làm phu khuân vác, đạp xích lô, sửa chữa điện nước cho các gia đình, có khi làm những con diều ni-lông sặc sỡ đẹp mắt bán vài hào cho lũ học trò thành phố. Bà Lâm nuôi heo gà, đan len, bóc lạc, dán hộp các-tông, vấn thuốc lá thuê, bán chè chén và quà vặt tùy theo từng mùa.
Cuối xuân sang hè, ông Tám về quê bẫy chim cu gáy, kéo mật nấu đường, có khi theo thuyền về tận Hải Phòng, Nam Triệu. Những chuyến đi may mắn cũng có lời, gom góp dăm chuyến mua được cái xe đạp để bà Lâm đi lại, cũng có khi là ít xà bông thơm, đồ điện cũ để đem bán ngoài chợ đen.
Tám năm sau khi sinh thằng Vọng, bà Lâm sinh thêm thằng cu Bình. Đêm nằm bên chồng, bà nói trong tiếng con chim ăn đêm kêu mãi từ đầm nước ngoài xa lăn tăn dội tới:
- Em không muốn các con sau này lại sống gian khó, trôi dạt như chúng mình.
- Cuộc đời không ai dám chắc sẽ dựa vào cái gì yên ổn mãi được em ạ. Không ai có thể sống cả cuộc đời yên ấm đầy đủ mà không trải qua ly tán, mất mát.
Rồi ông trầm giọng, rành mạch, dịu dàng:
- Đời sống có kẻ giàu người nghèo, em bận tâm làm gì. Anh chỉ ghét những đứa lừa dối và cướp công kẻ khác, như Lý Thông trong truyện Thạch Sanh. Còn các con sau này lớn lên, dù trong hoàn cảnh nào mà vẫn có chí làm ăn, chịu khó, thì lo gì không được ngẩng cao đầu, hả em…
***
Thằng cu Bình lớn lên, dong dỏng cao, đẹp trai, khéo ăn khéo nói, y như cha nó.
Ông Tám đã mất vì một tai nạn giao thông trong lúc chở hàng từ bến cảng về phố, năm Bình mới lên ba. Cũng có người nói ông bị một tay anh chị có ân oán từ thuở giang hồ quay về đâm chết.
7g50 phút sáng, ngày 26.9.2007, hai nhịp dẫn trụ số 13, 14, 15 của cầu Cần Thơ sập xuống, làm chết 54 người trong đó có một kỹ sư, còn lại là công nhân và dân thường đang làm việc, phục vụ tại công trình.
Cu Bình có tên trong danh sách công nhân tử nạn. Bình đang học nghề và làm thợ sửa chữa đồ điện tử tại tiệm Hưng Khoát trong chợ Vĩnh Long. Mới tuần trước, nó nhắn tin về cho bà Lâm: “Con sắp mở tiệm riêng. Bao giờ kiếm đủ tiền, con về xây lại nhà cho mẹ và thằng cu”.
Ngày xảy ra tai nạn, con trai bà chủ nhà Bình ở trọ bị sốt không ra công trường được. Thương bạn vừa được nhận vào làm, không muốn bạn bị mất việc, Bình xin nghỉ một ngày ở tiệm sửa đồ điện tử, lấy mũ và găng tay bảo hộ, thay cậu ta ra công trường.
Mẹ con người công nhân thoát chết đã ra tận Hà Nội, tìm đến nhà để tạ lỗi với gia đình bà Lâm. Cậu con trai xin nhận bà Lâm làm mẹ nuôi, hứa sẽ phụng dưỡng bà sau này.
Bà Lâm đau đớn, nửa tỉnh nửa mê hàng tháng trời. Khi theo bạn bè đi làm ăn xa, thằng Bình còn nói với mẹ: “Mẹ yên tâm, con đi xa nhưng không đua đòi hư hỏng đâu. Bao giờ có sự nghiệp con lại về với mẹ”.
***
Sau lễ cúng 49 ngày cho Bình, bà Lâm dậy, tỉnh táo trở lại, nhưng chân trái bà tê liệt, gần như không cử động được. Gánh nặng gia đình dồn cả lên vai Nguyệt. Thương con thương cháu, bà Lâm lại gượng dậy đỡ đần mọi việc trong nhà. Bà cứ tự hỏi, tại sao những người như bà, không hề dám tính toán, bon chen để cố giành giật điều gì đó từ cuộc đời, rốt cuộc lại cứ bị cuộc đời tiếp tục trút tai ương xuống?
Cúng 49 và 100 ngày cho Bình, bà đều “xin” thầy đồng để gọi thằng Bình về cho mẹ, chị và cháu gặp mặt. Thầy đồng đảo thiên đảo địa liên hồi, có khi còn nhảy chồm chồm, nhưng đến lúc giá đồng lại chỉ nằm vật ra, không nói được lời nào.
Hai ngày sau khi Nguyệt đi thăm Vọng trở về, một người đàn bà trong xóm mà bà Lâm có biết nhưng ít giao thiệp, tới nhà báo tin, Vọng đã nhận được trót lọt một chỉ vàng mà gia đình gửi vào trại.
Từ quân ngũ trở về, Vọng làm lái xe tải đường dài cho một công ty vận chuyển. Đi làm được ba năm thì Vọng bế về nhà đứa bé đã gần một tuổi. Thằng cu con giống hệt bố nó ngày còn mới tập đi. Ngày ấy, thằng Vọng bước từng bước chập choạng như con chim non rớt xuống mặt đất xòe cánh xoay hết bên nọ tới bên kia để cố giữ thăng bằng, rồi lại sà vào lòng bà Lâm, cười òa lên.
Phải một năm sau mới đến lượt Nguyệt theo Vọng về. Cô không phải mẹ đẻ của thằng Vang. Nguyệt hãy còn nhỏ tuổi, trắng trẻo, ưa nhìn, tính tình lại mạnh mẽ, cởi mở. Bà Lâm làm đám cưới cho con, không đình đám nhưng cũng đủ các lễ và đủ long trọng.
Nhưng làm công việc có khá tiền, lại thường xuyên sống xa gia đình, Vọng đã sa vào con đường nghiện ngập ma túy mà chẳng ai hay.
Về con dâu, bà Lâm cũng có nhiều điều không vừa lòng. Nó chẳng biết bếp núc, chậm trong tính toán, lo lắng việc nhà. Được cái nó không cãi lại bà bao giờ, ngay cả lúc bị bà rầy la, mắng mỏ. Nó chỉ nhăn răng cười, và có một lần duy nhất nó nói với bà: “Con có được ai dạy dỗ bao giờ đâu”.
Thế rồi thằng Vọng lại bị bắt vì sử dụng và mua bán ma túy tới lần thứ hai.
Nguyệt vẫn lặng lẽ đi về như lúc gia đình còn yên ấm. Cô làm công nhân ở nhà máy mà trước đây bà Lâm từng làm việc, do bà xin cho. Tiền lương hàng tháng Nguyệt đưa hết cho bà Lâm để chi tiêu trong nhà.
Từ ngày không còn đi lại được, bà Lâm càng thương Nguyệt. Nó vẫn tươi tắn, vẫn cười nói như không nhưng gầy lệch hẳn đi.
Khi bà Lâm gặng hỏi người phụ nữ đến báo tin, rằng có biết gì về tình trạng thằng Vọng trong trại, bà này chỉ lắc đầu rồi xin phép ra về. Bà Lâm hiểu có điều gì quan trọng lắm sắp đến với con, nên nó mới cần tiền để lo như vậy. Bà cầu xin Trời Phật phù hộ để thằng Vọng tai qua nạn khỏi.
Bà Lâm không thể biết được rằng, những phạm nhân nghiện ma túy nặng khi nhắn tin về gia đình thường đã biết trước ngày cuối của đời mình, nên cần có chút tiền, vàng để cho những ngày đó bớt lạnh lẽo, thảm hại…
***
Hôm nay Nguyệt đi làm ca đêm. Thằng cu Vang học bài xong đã ngủ một mình trên gác xép. Bà Lâm không còn leo lên gác được, phải gọi nó dậy bỏ màn từ nãy.
Đặt lưng xuống giường, bà chợt nghe có tiếng động mơ hồ rất khẽ phía sau nhà. Giống tiếng chuột chạy hay có con mèo hoang nào đó đang lảng vảng. Bà Lâm cố nhắm mắt, nhưng có gì đó khiến bà cứ bồn chồn không yên.
Bà trở dậy, cầm cây đèn pin, cố gắng nhẹ chân để thằng cháu không tỉnh giấc.
Kéo chốt cửa, bà vịn vào tường, lần ra sân.
Trong chái nhà để đồ cũ có ánh sáng mờ mờ và cả bóng người. Bà men theo bức tường, lết tới.
Trong nhà có tiếng động mạnh hơn, tiếng loạt xoạt. Người trong đó hình như cũng thấy bà đang tới.
Đó là Nguyệt và một thanh niên lạ. Cả hai đang vội vã mặc quần áo.
Bà Lâm chợt hiểu vì sao mấy tháng nay Nguyệt hay đưa thêm tiền cho bà chạy thầy chạy thuốc, và vì sao những người hàng xóm gần gũi với bà không còn lui tới.
Nguyệt vội vàng chạy ra đỡ mẹ.
Trong ánh sáng ngọn đèn pin bị rơi rọi lên bức tường trống, bà Lâm lờ mờ nhìn thấy mặt người kia, một thanh niên.
Bà chợt có một cảm giác nhẹ nhàng trong ngực như thể bao nhiêu cay đắng và khổ đau trong cuộc đời bà chỉ tựa như chiếc mạng nhện vương trên lá cỏ tươi. Bà nhỏ giọng mở lời:
- Cậu cứ ở lại đi. Tôi là mẹ đẻ nó.
* Hà Nội và thành phố chị đang sống có gì khác và giống nhau về con người và văn hóa?
- Tôi ở Hà Nội khá lâu, khoảng gần 2/3 thời gian, hơn 1/3 còn lại thì chia cho các thành phố khác. Tôi cũng may mắn được đến một số thành phố đẹp ở trong và ngoài Việt Nam. Hà Nội với tôi đã trở thành ý niệm. Về kinh kỳ Kẻ Chợ, về ký ức văn hóa, về sự tinh túy của nghề nghiệp hay ứng xử, về sự phôi phai của thực tại…
Tôi cứ lo cho Hà Nội và nhiều thành phố khác của Việt Nam mà tôi từng sống, giống như lo cho một người thân: liệu có được chăm sóc tử tế không? Liệu các vị “bô lão” có đang bị “vắt sữa”(từ của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính) hay không?
Nơi tôi ở bây giờ là một thành phố nhỏ nằm ở phía Đông của sông Susquehanna thuộc tiểu bang PA vùng Đông bắc Hoa Kỳ. Đó là một vùng đất lâu đời (giống như Hà Nội), vẫn thì thầm kể cho tôi nghe những câu chuyện không bao giờ dứt của nó. Sự khác biệt về điều kiện tư nhiên gây cho tôi nhiều cảm xúc.
Cuộc sống có tổ chức cao và con người được kiện toàn với phẩm chất và tài năng, thực sự gây ấn tượng và khiến tôi yêu quý. Tôi vẫn cứ ước rằng, giá như những cư dân Hà Nội của tôi, được bớt đi những lo lắng cơm áo gạo tiền, thăng tiến, tắc đường, chạy trường… và có thêm những lúc ngồi nghe tiếng gió sông Hồng, nghe nhạc giao hưởng, chờ hoa đào Quảng Bá, sen Tây hồ vào mùa… thì cuộc sống hẳn là hạnh phúc biết bao…
* Chị đang đọc hay thích tác giả nào và vì sao?
- Tôi vẫn chưa đọc hết những cuốn văn chương và triết lý liên quan tới văn chương mà tôi nghĩ một người làm nghề viết phải đọc. Tôi thường đọc để nhận ra cách tổ chức tác phẩm và ý tưởng về nghệ thuật của nhà văn, từ đó nhìn ra năng lực sáng tạo của anh ta và những mối liên hệ khác, như thời đại hay tâm lý cộng đồng…
Hiện tôi đang đọc một số nhà thơ Hàn Quốc và Đông Nam Á như Park Hyung Jun, Hanna Francesca… Tôi thích và kinh ngạc từ những hình ảnh mà họ đưa ra: một thế giới vừa bí ẩn vừa hỗn loạn “không thể nào tưởng tượng được”, nhưng đủ không gian và thời gian cho bạn cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ.
* Ai là người có ảnh hưởng trong việc sáng tác của chị?
- Tôi nghĩ đó có thể là những nhà văn, nhà thơ mà tôi đọc từ khi còn bé cho tới bây giờ: R. Louis Stevenson, Jules Verne, Daniel Defoe, Dante Alighieri, W. Shakespeare, J. W. V. Goethe, R. Tagore, W. Faulkner, E. Hemingway, Jack Kerouac, Allen Ginsberg… Hình như đôi khi họ xuất hiện trước tôi, vừa nghiêm khắc vừa hài hước, tinh quái: “Nào, giờ đến lượt chúng tôi đọc sách của cô!”.
* Truyện ngắn này là mảng ghép của nhiều mảnh đời trôi dạt. Bao nhiêu % trong đó là do “quan sát” và bao nhiêu % từ tưởng tượng?
- Chuyện một bà mẹ chồng tự nhận con dâu là con gái ruột để cô có thể “tiếp khách” trong nhà, kiếm tiền nuôi chồng trong tù, nuôi mẹ và con… là một chi tiết có thật trong cuộc sống. Thông tin này khiến tôi cảm động và choáng váng. Tôi nhận ra đây là một tình tiết văn chương vô cùng quý, sẽ trở thành một câu chuyện mà tôi phải kể. Thành kiến về bà mẹ chồng đã thay đổi. Nó phản ánh những biến động lớn khủng khiếp không thể đo lường của đời sống xã hội ta hiện nay.
Ngô Thị Kim CúcNhà văn Khánh Phương |
Tác giả: Khánh Phương tên đầy đủ là Đỗ Thị Khánh Phương, sinh năm 1975 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Sư Phạm I Hà Nội năm 1994, bắt đầu làm thơ, viết truyện và phê bình tiểu luận từ năm 1992.
Tác phẩm: Hai Bầu Trời (Thơ, 2010), Suy tưởng, Giấc mơ, Viết... (Phê bình - Tiểu luận, 2011, Thành Phố Đại Dương (Thơ, 2013).