ĐÊM Đêm nay anh lại không ngủ được. Khoảng ba giờ sáng, đầu óc anh trở nên trong suốt như một người ngồi thiền đạt trạng thái xuất hồn. Anh nằm im lìm, nhìn qua bóng tối lờ nhờ và bất chợt có cảm giác là mắt mình va chạm mạnh trần nhà, đau nhói. Anh giật mình, nhắm mắt, cố điều hòa lại hơi thở, nhưng giấc ngủ đã không trở lại nữa. Thật ra, anh cũng không mong như thế.

Bay vào cõi vĩnh hằng

Một Thế Giới | 29/12/2013, 22:25

ĐÊM Đêm nay anh lại không ngủ được. Khoảng ba giờ sáng, đầu óc anh trở nên trong suốt như một người ngồi thiền đạt trạng thái xuất hồn. Anh nằm im lìm, nhìn qua bóng tối lờ nhờ và bất chợt có cảm giác là mắt mình va chạm mạnh trần nhà, đau nhói. Anh giật mình, nhắm mắt, cố điều hòa lại hơi thở, nhưng giấc ngủ đã không trở lại nữa. Thật ra, anh cũng không mong như thế.

Trong đời anh, đã có quá nhiều đêm không ngủ. Nhưng chưa bao giờ anh mất ngủ vì không muốn ngủ. Nhớ ngày còn trẻ, một người bạn cùng ký túc xá hay vào phòng anh vào sáng sớm, khi anh cằn nhằn sao không chịu ngủ bình thường như mọi người, đã trả trả lời "Ngủ là có tội với mặt trời". Anh thường quay mặt, phóng trả lại một câu nhận xét vừa thương tâm vừa thân ái : "Đồ khùng!". 
Phải chờ đến hơn ba chục năm sau và cho đến khi cả người anh đã rã rời ra vì những đêm mất ngủ liên tục, anh mới thật sự hiểu được câu nói xa xưa của người bạn.  Mà phải là không ngủ vì chính mình muốn như thế, không phải mất ngủ vì một lý do bình thường gì khác.

Nói đúng ra, anh không ngủ chẳng phải vì anh sợ “có tội với mặt  trời”.  Cái thứ mặt trời hiển hiện hàng ngày đến chán ngán. Anh tiếp tục không ngủ chỉ vì anh đã tìm thấy được những điều khiến anh thích thú. Những điều thật sự mới mẻ đã làm thay đổi lối suy nghĩ và cách sống của anh, đúng vào cái lúc anh bắt đầu vào một giai đoạn bi quan và đầy ngờ vực, nhìn mọi sự trên đời đều là «déjà vu » . Có lúc anh đã loay hoay khốn khổ, nhưng vẫn không tìm được một cái gì mới mẻ và hứng khởi để đẩy mình về phía trước, để có lý do mà sống và mơ tưởng.

Những đêm không ngủ đã cho anh có đủ thời gian để nhìn vào nội tâm và thấy được những ngóc ngách kín đáo mà bình thường chẳng bao giờ ánh sáng mặt trời có thể soi rọi thấu suốt vào ban ngày. Anh như hiểu mình hơn và biết mình muốn một điều gì đặc biệt. Điều anh đã tình cờ khám phá chẳng làm anh ngạc nhiên. Thật sự, anh chẳng muốn gì cả.
Trong ánh sáng xuyên suốt của tự vấn và lòng thành thật với chính mình, anh thấy mình nhẹ nhàng như đã trút bỏ hết được những phiền muộn và ham muốn tích lũy từ mấy chục năm qua. Anh mừng nhận thấy mình yêu đời, yêu người và yêu vật hơn. Anh cảm thấy đêm cho mình một nguồn tự do không giới hạn, khiến anh say mê vùng vẫy, trong một không gian không trọng lực, như chưa bao giờ anh từng được bơi lội thoải mái như thế.

Trong cơn tỉnh táo tự nguyện, anh thấy mình được sở hữu đời mình (không còn lập lờ đổ lỗi cho số phận nữa!), để có thể yên tâm ôm lấy những gì rất riêng tư, như ôm một chiếc gối nặng mùi da thịt lưu cửu mà hít hà cho đã đời. Anh thật sự hài lòng về điều mình mới khám phá và phấn khích vì nó quá giản dị, như thể ngày thuộc về mọi người và đêm đã trở thành của riêng anh. 

Đêm đã đưa anh trở về với chính mình. Điều này giúp anh đỡ phải buồn rầu quay mặt đi mỗi sáng, khi đối diện với chính mặt mình trong gương. Đêm cũng cho anh cơ hội để trở nên thân thiết hơn với những sinh vật gần gũi xung quanh.

Sau nhiều đêm tĩnh tâm, anh đã bắt đầu hòa nhập được với tiếng chắc lưỡi của chú thạch sùng đơn độc trong phòng, không còn sốt ruột trăn trở nữa. Anh tự hỏi nó có bạn gái không nhỉ (?) Sao chẳng bao giờ thấy nóquanh quẩn với ai  như các con vật khác và như loài người. Nhưng sao tiếng than thở của con vật lại da diết, khiến anh xao xuyến và chao đảo đến thế. Nhất là những đêm không ngủ như đêm naỵ

"Đêm nằm nghe tiếng thạch sùng/  Ngỡ mình chắc lưỡi, thương mình trong đêm".

Tiếng thở dài trong đêm tối của con vật mềm mại như dội ngược vào lòng anh, luồn qua mọi ngõ ngách, khuếch tán cái âm thanh não nuột và dài lê thê đến cực độ, vang động đến thâm sâu suốt cõi vô cùng trong anh. Tứ chi anh tưởng chừng như tê liệt, không cựa quậy, vẫy vùng được, như bị bóng đè. Nhưng lạ lùng thay, đồng thời anh cũng cảm nhận được một luồng khoái cảm lan tỏa khắp người. Một nỗi hưng phấn như được hòa đồng và cọ xát với cái mụt nhọt hết sức ngứa ngáy thường xuyên của mình.

Cũng trong thời gian miên man trong cõi vô hạn đó, anh đã biết thêm ít nhiều về sinh hoạt tình cảm của một vài loài chim. Chúng dậy sớm hơn anh tưởng, như thể cũng có “mặc cảm tội lỗi với mặt trời” như người bạn thời niên thiếu của anh (?). Những con chim chích chòe và chèo bẻo bắt đầu ríu rít tình tự với nhau từ khi đất trời vẫn còn trong cơn hỗn mang chưa rạch ròi tối-sáng, chẳng cần chờ những tia nắng đầu tiên của bình minh, như thể chúng chưa hề đi ngủ và đã ngủ. Khi đang yêu, dù là chim chóc hay người, thì có mấy ai cần phải ngủ đâu?

Anh thích những con chim sơn ca tung mình lên giữa lưng chừng trời, phát xuống những đoạn solo cao vút, như ép hai buồng phổi trút cho hết những hân hoan, hưng phấn, lạc quan yêu đời trong những tia sáng rạng đông rạng rỡ đầu ngày. Anh thường mỉm cười độ lượng, «tuy có hơi lên gân một tí, nhưng cũng thuộc loại chim nhiệt tình!». (Ở đời, cứ sống cho hết mình là được).

Chỉ có những con chim tu hú (to gần bằng một chú gà giò) và cu gáy, thường hay chọn những đọt cây cao, vươn cổ gào ai oán gọi bạn tình hay than thở một nỗi nhớ (nhà) day dứt. «Thật vô tích sự », anh đã nghĩ. Chúng không bao giờ được sóng đôi như những con chim sẻ, cu đất hay sáo nhồng mỏ vàng nghệ, mũi quặp Ả-rập. Có lẽ vì thế mà phải ôm mối tình sầu lên tận đỉnh cao của đọt cây mà than khóc, ỉ ôi. Anh không thích kiểu tạo bi kịch này, nên xếp chúng vào «loại chim yếu đuối, vừa đỏng đảnh, vừa đồng bóng».

NGÀY

Sáng nay mặt trời lên rất sớm. Những mảng sáng trong mượt mà ánh lụa như mở rộng mấy cánh trời thêm mênh mông. Thế nhưng trong cái đẹp mênh mang của đất trời, anh chỉ đạp xe dọc theo con đường hằng ngày vẫn qua lại nhiều lần. Nó như một con đường độc đạo quá đỗi quen thuộc, mỗi lần đi trên nó anh tưởng như đang dẫm lên chính đời mình, đến ngột ngạt.

Từ mấy tuần nay, anh có thói quen đạp xe với hai con mắt dán chặt trên mặt đường. Ngày cũng như đêm. Anh cẩn thận dò tìm trên từng phân vuông của lòng đường nhựa đen đủi, như một đứa trẻ mồ côi đảo mắt láo liên tìm một cơ hội sống hiếm hoi giữa chợ trời đông đúc người. Có lúc anh lập cập, vội vã dừng xe, đưa tay đón lấy một con vật đang vô tư bò chậm chạp trên đường, rồi nhẹ nhàng đặt nó trên đám cỏ còn ướt sũng từ cơn mưa đêm qua, miệng làu bàu "Sao ngu ngơ quá vậy con. Xem nào. À, được rồi. Bò nhanh đi, con...". Rồi anh yên tâm lên xe, đạp tiếp, mắt lại láo liêng, dò tìm...

Những con vật anh quan tâm dò tìm là lũ cóc tía thẫm lợm cợm u bướu, châu chấu xanh mướt màu lá cây, cuốn chiếu đỏ màu rượu chát dài bằng hai ba lóng tay, bọ hung đen ánh như than đá... Những sinh vật vô tội đó bỗng nhiên được nảy sinh hằng hà sa số từ "thiên nhiên" , sau những cơn mưa như trút hết nước trên trời xuống trong những tiếng dội ầm ì rộn rã và sấm sét kèm theo, vào giữa tháng Năm. Chúng ra đời như thế, lổn ngổn không có trật tự, nhưng vô tư, cứ thế bò ngang ngửa, vô tâm giữa “chợ đờí phức tạp”, như chẳng màng gì đến hiểm nguy đang chờ xung quanh.

Từ mấy tháng nay anh bắt đầu tập tành đọc sách triết lý để bớt nặng nề và gay gắt về cuộc đời, nhưng quả thật anh vẫn không chịu được vẻ thản nhiên an nhàn với cõi sống và cõi chết như thế của những con vật anh đã gặp tình cờ trên đường đi. Đối với chúng, hình như chẳng có tồn tại một khoảng không gian/thời gian cách biệt nào giữa hai tình thế đối nghịch của cuộc đời. Chúng ra đời nhẹ nhàng thì cũng chết nhẹ nhàng, như thể chẳng cần gì phải thắc mắc, lo toan, lý giải gì cho phức tạp.

Đã là con vật thì nhẹ hơn con người được «một cái đầu». Anh tự hỏi mình "Có phải như vậy không?" Nhưng dù sao chăng nữa, anh vẫn xem những sinh vật này như “con người”, vì chúng đã cùng chia xẻ một không gian, một phần đời với anh, dù ngắn ngủi cách mấy. Anh đã trở nên quá thân thiết với chúng, dù không thể thân ái điểm mặt chỉ tên từng con vật một, nhưng anh vẫn quyết định đem lòng thành của một con người mà cư xử cho hợp với “đạo lý” theo kiểu riêng của anh.

Cũng không có ai quan tâm tò mò làm gì khi thấy anh tẩn mẩn tằn mằn dùng giấy trắng cẩn thận gói ghém những thân xác bẹp dí dưới những bánh xe vô tình (hay cố ý, "ai lại nhẫn tâm như thế nhỉ?"), rồi đào xới, áng chừng độ sâu đã đủ chưa, để tạo một “nơi yên nghỉ” cho những con vật xấu số. Có lúc hứng chí, anh còn dùng giấy ghi bản thảo những bài thơ thẩn của anh để “liệm” cho con vật không tên tuổi “để có cái mà đọc lúc buồn”, và sau đó ngồi lặng người đi rất lâu trước “mộ chí vô danh”, nghĩ vẩn vơ về cuộc đời phù phiếm của chính mình và của nhiều sinh vật trên đời.

***

Sáng nay anh đã đến trường với một tâm trạng bềnh bồng hưng phấn, như những cụm mây trắng nõn lang thang trên trời. Trên suốt con đường rất đỗi quen thuộc, thường vẫn nhoè nhoẹt những xác thân bẹp dí, lần này anh đã không tìm thấy một nạn nhân nào. Anh mở cửa phòng, lòng nhẹ nhõm, tưởng như có thể huýt sáo mồm tự chia vui với mình sẽ có thể bắt đầu một ngày nhẹ nhàng. Nhưng bất chợt anh nghe những tiếng đập liên hồi, càng lúc càng gấp rút và chát chúa, phát ra từ khung kính lớn ở cầu thang.

Anh quay lưng lại và thấy một con chim đang vẫy vùng tuyệt vọng tìm đường ra trời xanh bên ngoài nhưng bị ngăn lại bởi một lớp kính chắn dày. Anh nhìn quanh mình. Tuyệt lộ. Mọi ngõ ngách ra-vào đều đóng kín, khiến con chim dù đã bay vần vũ tìm kiếm một sinh lộ, cuối cùng vẫn trở lại chỗ cũ, tiếp tục đâm đầu vào tấm kính. Anh vội vàng mở cánh cửa hông ở cuối hành lang thông với trời xanh bao la bên ngoài và dùng những cử chỉ nhẹ nhàng thân ái, xua con chim về hướng đó, nhưng con vật đáng thương càng thêm quýnh quáng, càng vật vã, đâm mạnh thêm vào mặt kính.

Anh đứng gần con chim đến nỗi có thể phân biệt được sắc lông xám nhạt và đường viền màu đen tuyền bên hông, nhưng không nhận ra được đó là loại chim gì. Sự gần gũi làm tăng trong anh nỗi bât lực và tuyệt vọng trước tình thế thảm thương của con chim. Anh trở nên rối rắm và thật sự hốt hoảng khi chợt thấy những vệt máu tươi tung tóe trên mặt kính trong suôt. 

Chỉ trong vài phút, hai cánh chân chim không còn duỗi ra mạnh mẽ mỗi khi lấy đà tự ném mình vào khung kính nữa và chiếc mỏ bé nhỏ và hai đôi cánh đã nhuốm đầy máu đỏ tươi. Anh càng khua tay để hướng con chim ra khỏi tuyệt lộ thì lại càng làm cho nó thêm hối hả đập cánh lao đầu vào tấm kính.

Bỗng dưng, anh nghe một tiếng va chạm rất mạnh, như có ai bất ngở ném một qủa bóng vào giữa mặt anh. Anh không nghe tiếng kính vỡ, nhưng thấy những vệt máu bắn tung toé trên mặt kính trong, toả ra như một ngôi sao vỡ. Anh thảng thốt nhìn xuống đất, ngỡ ngàng, miệng khô đắng, thần kinh như tê liệt hẳn. Hai chiêc cánh chim mềm nhũn, xơ xác những cọng lông gẫy nếp vẫn cố vươn ra, như còn muốn dồn hết sinh lực, đẩy đi sức bật cuối cùng, đến tột cùng của tuyệt vọng.

Anh đứng lặng lẽ nhìn cái xác chim nhỏ nhoi trên thềm nhà trong sự vắng lặng khô đặc như một tảng băng của cái hành lang dài, tự hỏi có phải chính mình đã giết con chim đó không?

Một hồi lâu, anh nhặt cái xác chim vẫn còn nóng hổi trong lòng tay, tỉ mỉ xếp gọn lại những cọng lông xác xơ và những mạnh xương rời rã, rồi gói trọn tất cả vào cái khăn tay nhỏ, như ôm một hài nhi sinh thiếu tháng trong lòng hai bàn tay của mình.

Anh không biết mình đã vào phòng làm việc như thế nào. Một cách vô thức, anh đặt xác chim nhẹ nhàng trên bàn, chọn một đĩa nhạc, trịnh trọng khởi động máy, rồi ngã người trong ghế, mặc cho nước mắt tuôn ra trong tiếng nhạc dương cầm êm ả.

Bản Fur Eliza của Bethoveen bồng bềnh, thõng thượt từng nốt nhạc, nâng bổng từng bước chân người từ biệt cánh chim thiên thần mong manh đã găy.

Anh nghe tiêng mình thầm thì với cái xác chim bất động: "Bay đi con. Bay thật xa vào cõi vĩnh hằng...”.
Trò chuyện với tác giả
Tôi viết chỉ cho chính mình
Bay vao coi vinh hang
Tác giả Trương Quang - Ảnh do NV cung cấp

Đọc truyện Trương Quang, rất dễ nhận ra “phần hồn” của một con người tỉ mẩn, lặng lẽ quan sát và thấu cảm với mọi thứ chung quanh, kể cả cỏ cây, loài vật. Có vẻ ông đang đi tìm lời biện giải cho một cõi sống mà ông tự thấy đã hiểu đủ để “đặt tên” cho nó theo cách của mình.

Là một trí thức sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, ông vẫn giữ nguyên vẹn trong mình một tâm hồn Việt qua cách nhìn-nghe-nghĩ mà không ồn ào đòi thuyết giảng hay giải thích. Có vẻ với ông, mọi sự cứ tự thân bộc lộ chính mình.

* Là một người đang sống ở nước ngoài, ông có xem chuyện viết văn/ viết tiếng Việt là một cách giúp mình đỡ nhớ quê hương?

 - Có người cho là tôi nói và viết một thứ tiếng “Việt cổ”. Tôi lại còn nói giọng  Huế nặng hơn cả các “mệ”, nhưng tôi không viết để duy trì hay giảm đi cái gì cả. Tôi viết chỉ để vui thôi, không kỳ vọng vào bất cứ điều gì.

* Từ ngày đầu cầm bút đến nay, công việc này có“cứu chuộc” được ông chút nào?

- Tôi không phải văn sĩ và sẽ không bao giờ trở thành một văn sĩ. Tôi chỉ viết cho vui, thường là trong những cuộc đi dạo hằng ngày hay trên những chuyến xe lửa dài từ nhà đến trường.

Tôi viết, nhưng không mong ai đó sẽ chia sẻ với mình. Tôi chỉ viết cho tôi, dù tự thấy như thế thật ích kỷ.

* Ông đã đọc và quan tâm nhà văn, tác phẩm văn học Việt nào, kể cả trong/ ngoài nước?

- Cũng như tất cả mọi người, tôi đã đọc văn học khá nhiều, đủ loại trong đời. Nhưng chỉ có hai cuốn thực sự để lại ấn tượng sâu đậm với tôi: đó là cuốn A farewell to arms của Ernest Hemingway (mưa lê thê suốt từ đầu truyện tới cuối truyện) và Doctor Zhivago của Boris Pasternak (tuyết trắng xóa phủ suốt cả cuốn truyện). Từ năm 17 tuổi, khi đọc xong hai cuốn truyện đó, tôi tự hỏi đời người (hay chính đời mình) có như vậy không, đến nay đã 67 tuổi đọc lại hai cuốn đó, gấp sách lại, tôi vẫn còn nguyên băn khoăn với hai câu hỏi này.

Có lúc tôi đã tin là cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng đã tạo ấn tượng đặc biệt đối với mình, nhưng tôi thấy đã lầm sau khi đọc lại vài lần. Truyện không lột hết được cái chất thật như nhiều người đã trải qua trong chiến tranh, như trường hợp của Hemingway hay Pasternak. Có thể do tôi không uống rượu hay hút thuốc nên không cảm nhận được hết sự tinh tế như nhiều người khác.

* Đi nhiều nơi trên thế giới, ông có thể nói gì về người Việt và văn hóa Việt?

- Câu hỏi này có lẽ chị có thể trả lời tốt hơn tôi.

* Truyện ngắn này của ông đọc tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng thật ra ẩn chứa một ý tưởng khá “dữ dội”: “Tự do hay là chết”, phải chăng?

- Nhà văn Mai Sơn, một trong những người bạn văn ở Việt Nam có lẽ là người duy nhất biết rõ tôi đã gán cho tôi nhãn hiệu “misfit” (trật khớp) với cuộc đời. Ông ấy luôn gây cho tôi cảm giác là tôi có một cảm quan sâu sắc. Thật ra tôi không phức tạp như thế. Tôi lại còn đang mon men… chốn cửa Phật, nên chỉ mong nhìn thấy khuôn mặt mình thật bình thường, giản dị trong gương soi mỗi sáng thức dậy. Cho nhẹ người và nhẹ cái đầu.

* Ông có đang thai nghén tác phẩm nào?

- Tôi chẳng có dự tính gì. Cái gì đến, sẽ đến.

Ngô Thị Kim Cúc

Tác giả - Tác phẩm

Trương Quang được sinh ra ở thành phố Huế năm 1946. Ông đã học trung học ở các trường Phan Chu Trinh - Đà Nẵng và Pétrus Ký- Sài Gòn, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh- Sài Gòn sau đó du học tại Institute of Social Studies, The Hague và Vrije Universiteit - Amsterdam- Hà Lan.

Ông từng làcông chức làm việc tại Sài Gòn, sau 1975 làm việc tại Công ty IBM Hòa Lan và Âu châu. Ông cũng là Giảng viên Đại học tại Asian Institute of Technology -  Thái Lan và Maastricht School of Management- Hà Lan. Ông thường về Việt Nam nghiên cứu, giảng dạy và cộng tác với nhiều báo.

Đã xuất bản tại Việt Nam một tập thơ và một tập văn xuôi.

Chú thích ảnh đại diện: Nghệ sĩ già với cây đàn - Chân dung tự họa của tác giả
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bay vào cõi vĩnh hằng