Bà Lâm kéo cái ghế nhỏ, ngồi vào giữa chỗ vệt nắng cắt bóng hình khung cửa trên nền nhà đen sẫm. Trong tâm trí bà chỉ còn hình ảnh đứa cháu trai. Gương mặt ngây thơ buồn rượi của nó khiến bà đau nhói, tủi thân. Tội nghiệp thằng chó con đang lớn phổng phao tươi rói đột nhiên bị người ta dằn hắt, miệt thị.

Ngôi nhà và dòng sông biến mất (Phần 1)

Một Thế Giới | 04/01/2014, 09:31

Bà Lâm kéo cái ghế nhỏ, ngồi vào giữa chỗ vệt nắng cắt bóng hình khung cửa trên nền nhà đen sẫm. Trong tâm trí bà chỉ còn hình ảnh đứa cháu trai. Gương mặt ngây thơ buồn rượi của nó khiến bà đau nhói, tủi thân. Tội nghiệp thằng chó con đang lớn phổng phao tươi rói đột nhiên bị người ta dằn hắt, miệt thị.

Chiều hôm qua, đi học về, nó cất cặp sách rồi thu mình chui vào lòng bà. Ngần ngừ một lát rồi nó bảo:

- Bà ơi, con không đi học nữa đâu.

- Chết, sao con lại nói thế?

- Bố con đi tù, con đi học làm gì.

- Không được nói bậy. Bố đi trồng cà phê trên Đak Lak, gửi tiền về nuôi con.

- Sao bố đi làm mà không thấy gọi điện về cho con? Sao mãi không thấy bố về chơi với con?

- Bố gọi điện ban ngày, con đi học không nghe được. Đường xa lắm, sang năm bố mới về thăm con được.

- Bà cho con nghỉ học ở nhà nghe điện của bố đi.

- Không được. Nghỉ học thì lớn lên biết làm gì mà sống?

- Con ra chợ Long Biên làm thuê, khuân vác. Con đi đánh giày. Bao giờ có đủ tiền con đi lấy hoa quả về bán kiếm lời, nuôi bà nuôi dì.

- Trẻ con ai người ta thuê. Không đi học, không có chữ, người ta khinh mình con ạ. Không có học ai cũng ức hiếp được mình hết.

Nó ngần ngừ một lát rồi đột nhiên mừng rỡ, hồ hởi như chưa từng có điều gì khiến nó khổ sở:

- Lớn lên con sẽ đi làm cướp bà ạ. Làm cướp cũng đâu có gì xấu. Chú Sang xóm mình buôn ma túy với làm cướp, đi tù bốn năm về, giờ xây nhà to, mua xe nữa. Mà con chỉ cướp của nhà giàu thôi bà ạ. Tại vì nhà giàu họ cũng đi buon lậu hay tham nhũng mới giàu…   

Bà Lâm thấy hoa mắt, choáng váng. Bà cố tìm trong vốn từ ngữ ít ỏi những lời phù hợp để khuyên bảo cháu.

- Con nói bậy người ta bỏ tù chết. Ai dạy con nói năng thế?

- Con sang chơi nhà thằng Cún, thấy bố nó bảo mẹ nó thế.

- Con gắng học hết lớp mười hai, rồi bà xin cho đi làm công nhân. Không có chữ, người ta lừa gạt, ức hiếp, mình cũng không biết cãi làm sao, con nghe chưa?

- Vâng. Nó cúi mặt đạp lời bà rồi chạy tót ra sân chơi.

Nắng đã xóa tới tận đâu. Bà Lâm vịn vào thành giường đứng dậy. Nguyệt đi chợ về khép cánh cổng loảng xoảng rồi đi thẳng vào nhà. Cô để mớ rau xuống cái bàn nhựa ngay trước mặt bà Lâm, cầm túi ni lông có mấy bìa đậu và vài quả trứng vịt đi ra phía vòi nước trong sân nhà. Bà Lâm giở mớ rau, vừa ngắt vừa nói vọng ra:

- Tao trông mày dạo này “bết” lắm.

- Thế à, mẹ.

- Mai đi chợ mua ít thịt cá về mà bồi dưỡng. Rồi sang bên chợ Cao Nguyễn mua cái áo mới. Phải có tấm áo đẹp thì nó mới ra đàn bà, con ạ.

Nguyệt chỉ cười rồi nhìn bà, không đáp.

Bà Lâm càng nghĩ càng thắt ruột, thương con trai. Hôm trước khi đi, nó nói với bà: “Lần này con đi dễ khó về mẹ ạ. Con đi chừng nửa năm thì mẹ lo cho con một chỉ vàng, gửi người mang vào, như vậy là con thỏa nguyện”. Bà Lâm chỉ mang máng hiểu con bà cần chỉ vàng để làm gì. Cả đời làm việc không ngơi tay bà đâu dám nghĩ đến vàng bạc. May mắn dành giữ được dăm chỉ vàng, đã chia cả cho các con làm vốn. Giờ nó lại không may sơ sẩy.

Bà đem tất cả tiền để dành định làm sổ tiết kiệm cho thằng cháu, đi mua cũng chỉ được nửa chỉ vàng. Còn Nguyệt, không rõ chạy vạy ở đâu, đem về đưa cho bà nửa chỉ nữa. Vậy là đủ. Bà để sẵn trong hộc tủ, khóa lại. Cũng chỉ còn vài ngày nữa là đến lượt thăm nuôi, bà sẽ giao cho nó, thằng Vọng.

Bà đã đẻ rơi nó ở phố Vọng.

***

Mùa Đông năm 1972.

Lâm khép cánh cửa phòng tập thể, bấm cái ổ khóa nhỏ. Do dự một lát, rồi cô lấy mẩu phấn để sẵn ở rìa cửa sổ, viết dòng chữ bé tí lên cánh cửa gỗ. “Lâm về Ngọc Hồi một thời gian. Các bạn ở lại thay Lâm trực chiến nhé. Thân”. Khoác vào cánh tay chiếc túi nhựa bên trong có bộ quần áo, ít đồ sơ sinh, tã lót chuẩn bị sẵn, Lâm đi bộ về hướng đường Đuôi Cá.

Đường phố vắng tanh. Thỉnh thoảng, một người vai mang cuốc xẻng hoặc xách túi nhựa, bước đi vội vàng. Tới đầu phố Vọng thì tiếng còi báo động rú lên. Lâm nép vào một mái hiên, nheo mắt nhìn lên. Chưa đầy hai phút sau, tiếng động cơ ì ầm rồi trong chớp mắt thành tiếng gầm rạch xẻ mọi vật. Hai chiếc máy bay in bóng trên bầu trời.

Lâm chui vào căn nhà bỏ hoang, tìm một hố cá nhân. Mặt đất chồm lên, co giật dữ dội, những tiếng nổ vỡ toác, truyền đi trong đất cơn vật vã tắc nghẹn.  Mọi đồ vật lăn lộn, nhảy chồm chồm, va trộn vào nhau trong cơn rung lắc không ngừng. Lâm chỉ kịp quỳ gối chống khuỷu tay xuống nền, há to miệng, bịt chặt lấy tai. Những mảnh ngói vụn và vôi vữa rơi đầy ngập, lút cả người Lâm. Lâm vùng vẫy cố thoát.

Cơn đau chợt cuộn lên trong bụng, thúc về phía mỏ ác. Tiếng động cơ rụi dần, xa dần. Hơi nóng và khói bom từng khối ùn lên mù mịt. Lâm lết khỏi đống gạch ngói vỡ. Cơn đau quặn thắt, ứ lại nơi ngực. Một dòng nước ấm nóng trườn xuống đùi và bắp chân. Cô cố kêu được vài tiếng như tiếng của con thú nào đó rồi lịm đi, khói bom choán đầy ngực, tai và mũi.

Có ánh đèn phòng không chập choạng, chao đi chao lại. Một cú vấp vào ống chân khiến Lâm đau điếng.

 -Mẹ. Thằng nào nằm chết ở đây?

Ánh sáng màu vàng đất tỏa lên người Lâm. Lâm ráng sức rên một tiếng khẽ.

- Úi, bà đẻ. Làm sao đưa đi nhà hộ sinh đây?

- Hộ sinh cái con kẹc. Cháy mẹ nó rồi. Dìu bà ấy về bên vòm đi.

Lâm được đỡ lên vai một thanh niên. Anh ta gần như nâng bổng cả người cô, đi xuyên qua những căn nhà hoang, đồ đạc vỡ vụn. Có lúc ra khỏi những căn nhà, bầu trời lộ ra đỏ rực trong đêm tối vì ngọn lửa vùng vẫy, gào thét từ khắp phía xa xa. Những tàn tro nóng không ngớt rụng lả tả từ không trung.

Tới một căn phòng chìm quá nửa dưới mặt đất, có lẽ trước đây là hầm chứa của căn nhà cũ nào đó, thanh niên đưa Lâm thẳng vào trong, đặt nằm lên giường. Người lớn tuổi hơn đã có mặt từ bao giờ, đang đổ nước nóng trong bình thủy vào cái chậu. Ông ta giúi bình thủy vào tay thanh niên:

- Nấu nước đi.

Cơn đau dồn dập, xô đẩy Lâm vào khoảng không. Trước hai người lạ, Lâm sợ không dám kêu, nhưng những tiếng nấc bị nén chặt xuống ngực làm người cô nảy lên, hai mắt trợn ngược, nước mắt ròng ròng. Cô kiệt sức chỉ muốn lịm đi. Người đàn ông quát to:

- Hít mạnh vào, thở thật sâu. Lả đi là chết cả mẹ lẫn con đấy.

Thanh niên mang tới cái kéo trong ca nước đang sôi đặt trên đèn cồn.

Cơn đau dồn xuống bụng dưới, cảm giác buồn buồn và tức, Lâm thấy người mình đang căng lên hết cỡ rồi nứt toác ra.

- Rặn nữa đi, mạnh vào. Sắp ra rồi. Lạy “cụ”, “cụ” hít mạnh vào cho con nhờ!

Người đàn ông đỡ lấy đứa bé vừa vuột khỏi cửa mình người mẹ, khéo léo gỡ dây rốn đang vòng quanh cổ nó, phát mạnh vào đít. Thằng bé oe oe khóc vài tiếng rồi nín bặt. Ông ta cắt rốn, đặt vào bụng nó miếng băng nhỏ xíu rồi lấy chiếc khăn mỏng thấm nước trong cái chậu vuốt lên người nó cho sạch máu và nước ối, đặt nằm trên chiếc khăn bông.

Thằng bé ngọ ngoạy như con mèo con. Nó được mặc chiếc áo sơ sinh bé xíu, quấn tã xanh. Thanh niên bế Lâm đặt sang một phía chiếc giường, thu dọn tấm vải nhựa đầy máu và bọc cuống nhau nặng trĩu. Lâm định nhổm dậy, người đàn ông quát:

- Nằm yên. Muốn băng huyết chết à?

Ông ta bế đứa bé, giơ lên trước mặt Lâm trong ánh sáng ngọn đèn phòng không vàng đục và ánh lửa nham nhở từ xa tít hắt lại.

- Chị trông, tai to mặt lớn đẹp như con quan. Đặt mẹ nó tên là thằng Bom cho rồi. Mà bom với đạn bao giờ mới ngơi.

Trong ánh sáng ngọn đèn, gương mặt người đàn ông đen kịt muội tro với nụ cười tươi sáng, hàm răng trắng, gò má chìa ra khắc khổ, giờ mới thấy anh ta vẫn còn trẻ, chỉ hơn người kia độ vài ba tuổi. Thanh niên trở vào, đưa cho Lâm ca nước chè xanh nóng có bỏ lơ mơ một chút đường.

Vừa lúc đó, tiếng động cơ lại cào xé mọi vật, mặt đất lại chồm dậy dữ dằ. Lâm lật sấp mình lại, cố che cho đứa bé đang nằm bên.

***

Nán lại vài ngày ở vòm của Kính “Cà răng” và Tám “Lệnh”, hai trùm giang hồ khét tiếng vùng bến Phà Đen và cả một dải đê Thanh Nhàn, bãi Minh Khai, Lâm một mình bế đứa bé về Ngọc Hồi. Cô không ngờ hai người đàn ông đỡ đẻ cho mình trong đêm cả Hà Nội đảo lộn vì bom lại là hai tên đâm thuê chém mướn tàn bạo, không từ một trò tranh giành, trấn áp bằng vũ lực nào để trở thành thủ lĩnh của tất thảy đám du đãng vùng bến sông.

Lúc này, cả Hà Nội là chiến địa. Lâm không hiểu vì sao hai người ấy còn trụ lại trong dãy phố đổ nát. Thường ngày, đàn bà con gái xớ rớ tới đó có khi còn bị cưỡng hiếp. Vậy mà ba ngày Lâm ở lại, ngày nào Tám Lệnh, thanh niên đã cõng cô về vòm, cũng nấu nước ấm để tắm cho đứa bé.

Không ngờ cả Ngọc Hồi cũng bị ném bom. Lâm không thể tìm được bà dì ruột, đành phải bế thằng Vọng quay trở về Hà Nội.

Đi nhờ một chiếc xe chở nứa khô từ thành Nam về tới ngoại ô, Lâm phân vân. Chỉ còn nước đánh liều tìm về nhà máy, nương nhờ vài ba hôm, rồi tìm cách đưa con đến nơi sơ tán. Nữ công nhân không chồng mà chửa như Lâm, có tên trong đợt đầu những người phải sơ tán về các tỉnh lân cận để tiếp tục nhiệm vụ lao động sản xuất. Nhưng Lâm nằng nặc xin ở lại bám nhà máy, tham gia vào đội tự vệ, vừa lo sản xuất không ngừng một giây, vừa trực chiến bắn máy bay.

Lâm muốn đoái công chuộc tội. Những sếp phụ nữ ban ngày nghiêm giọng kiểm điểm, mắng mỏ Lâm, nhưng buổi tối lại giấm giúi đem cho cô lúc thì vài lạng đường bọc kỹ trong bao giấy, khi bát gạo quê, trái chuối. Lâm hãy còn hăng hái, chưa hề nghĩ tới những khó khăn trở ngại khi đứa bé ra đời.

Thằng Vọng vẫn đang ngủ ngon, cái chỏm mũ sơ sinh trên đầu nó phập phồng như một đụn mây vừa từ trời rớt xuống. Lâm nhìn quanh, chợt thấy một đoàn người đang im lìm, lũ lượt kéo nhau đi ngược hướng với cô. Họ dắt xe đạp hoặc chở nhau, thồ theo lỉnh kỉnh mền bông, bát đĩa, xoong nồi. Có cả những chiếc xe ba gác trên đó chất tủ khảm xà cừ, đầu máy may, và  đồ sứ được chằng buộc cẩn thận. Lâm chợt nhận ra một dáng quen quen đi lẫn giữa đám người.

Đúng lúc có ba thanh niên đi xe đạp từ đâu lao tới. Họ chặn ngang chiếc xe ba gác chở tủ xà cừ và đồ sứ, máy may lại.

- Ai cho mang những đồ đạc này ra khỏi thành phố?

- Các anh là ai mà không cho chúng tôi mang vật dụng gia đình theo? Chúng tôi đi sơ tán.

- Là ai cũng mặc. Sao bây giờ các ông bà mới đi, lệnh sơ tán cả tháng rồi. Chắc con cháu tư sản phản động định ở lại làm chỉ điểm phải không? Liệu hồn.

Người thanh niên dáng quen quen rẽ đám đông bước tới. Lâm nhận ra đó chính là Tám Lệnh, người từng cứu giúp và chăm sóc cô đêm đẻ rơi thằng Vọng.

- Các anh là ai? Muốn khám xét phải có giấy tờ, chỉ thị. Tôi muốn xem giấy tờ chỉ thị của các anh.

Ba thanh niên ngớ ra nhìn nhau. Một người chỉ vào cái băng đỏ trên cánh tay:

- Không thấy gì đây à? Bọn này không cần giấy tờ gì hết.

- Cái băng đó tôi cũng mang được. Là giả danh à?

- Anh… dám vu khống chúng tôi hả? Liệu thần hồn. Một người hùng hổ xông tới. Tám giữ lấy cánh tay anh ta đang vung lên.

- Không ai được cấm người sơ tán mang theo đồ dùng của họ, trừ phi anh chứng minh được đó là đồ ăn cắp. Cũng không ai được ngăn cấm họ đi sơ tán, trừ phi anh chứng minh được họ là chỉ điểm.  

- Anh là ai mà… dám… Mấy thanh niên đuối lý, ấp úng.

Tám mỉm cười;

- Không biết Tám Lệnh bến Phà Đen à?

Nghe xưng tên, ba thanh niên xanh mặt, vội vàng lên xe phóng thẳng. Lâm bế đứa bé len đám đông lại gần.

- Anh Tám!

Người thanh niên quay lại. Anh ta cười với Lâm như gặp lại người bà con xa lâu ngày, giọng thật nhỏ nhẹ:

- Sao Lâm còn quanh quẩn ở đây? Không về quê à?

- Ngọc Hồi cũng bị ném bom. Dì ruột em đã đi sơ tán rồi.

- Giờ Lâm định sao? Bom đạn này tội nghiệp cho thằng cu con quá.

- Em cũng chưa biết. Định ở nhờ cơ quan vài ngày rồi đưa con em về Nam Định xem sao.

- Hay là… Tôi đưa Lâm về làng tôi lánh tạm một thời gian nhé?

- Ai lại thế? Mang tiếng cho anh chết. Em không dám đâu.

- Chiến tranh giặc giã thế này, lo gì mấy chuyện cỏn con đó. Lâm đợi ở đây, tôi thu xếp xong sẽ đưa Lâm đi ngay.
(Còn tiếp)
Trò chuyện cùng tác giả

Văn chương nên được xem là một nghề nghiệp

Ngoi nha va dong song bien mat (Phan 1)
 Nhà văn Khánh Phương

Đoc truyện Khánh Phương, người ta dễ nghĩ tác giả hẳn là người đã lớn tuổi, đã từng trải qua chiến tranh. Thế nhưng, chị chỉ vừa bằng tuổi hòa bình của Việt Nam và lại xuất thân từ trường đại học sư phạm…

* Là  phụ nữ, việc viết văn có vai trò nào trong cuộc sống của chị?

- Trong cái “lốt” phụ nữ, tôi là một con người. Viết văn là nghề nghiệp mà tôi làm bằng tất cả yêu thích cũng như sự cố gắng bền vững của mình. Nó đã trở thành căn cước của tôi, để người ta nhìn vào và nhận diện tôi như một con người với những năng lực xã hội cũng như cá nhân. Cũng có thể trả lời rằng, khi viết, tôi gác những đặc thù trong cuộc sống của một phụ nữ qua một bên để làm tốt nhất công việc, theo yêu cầu.

* Chị có xem văn chương là cứu cánh cho cuộc sống của mình?

- Văn chương trước hết nên được xem là một nghề nghiệp. Nếu hiểu “cứu cánh” là mục đích, thì văn chương tự nó có thể là một mục đích. Nếu hiểu “cứu cánh” là sự nâng đỡ nào đó thì có lẽ không cần thiết. Không chỉ nghề viết văn, mà bất cứ nghề nào: bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, công nhân… nếu được làm với trách nhiệm và hướng đến những giá trị cao nhất, đều tạo ra những giá trị về nhân cách, đi liền với giá trị của cái đẹp và tính người. Viết văn không nhất thiết phải “cứu chuộc” cho những vấp ngã hay sơ hở bình thường của mỗi người viết.

* Cái gì đã khiến chị bắt đầu công việc này? Và chị có định sống bằng nghề viết?

- Khi mới lên năm tuổi, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần tủ sách dành cho trẻ con trong gia đình, và ngấp nghé đọc trộm sách của người lớn. Việc đọc giúp tôi thấy được “quyền lực” của người viết văn. Trong sách có những điều mà nếu chỉ bằng mắt thường quan sát thì dù bạn có đi khắp năm châu bốn biển, cũng không thể nào “tả” được.

Chưa bao giờ tôi thôi nghĩ rằng mình sẽ viết văn, ngay từ khi mới lên năm tuổi. Cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ sống bằng nghề viết, bởi vì chuyện nhà văn nào đó “bán” được tác phẩm của mình xứng với công sức bỏ ra, là điều rất hiếm hoi.

Nhưng trong thực tế, nhiều năm qua tôi đã sống bằng những gì do việc viết văn, viết báo, biên tập, review sách… mang lại. Tôi không còn thời gian và sức lực để làm một nghề khác và dùng nghề đó nuôi văn chương như đã từng tưởng tượng.

* Chị có nghĩ tình yêu thương sẽ cứu chuộc con người?

- Tôi nghĩ trước khi học để biết yêu thương người ta cần học để biết trung thực. Tôi luôn “mê” những người trung thực và thành thực (không phải người cố tỏ ra thành thực theo trào lưu, hay khi không thể tiếp tục “che đậy” được, bèn tỏ ra thành thực).

Trung thực với những gì mình cảm nhận, trung thực cả với những gì khác biệt so với bản thân mình, không a dua theo cái mà người khác cho là tốt, là nên. Bởi vì, nếu không có sự độc lập về suy nghĩ và giá trị của mỗi cá nhân, thì “tình yêu thương” rất dễ bị hiểu sai để rồi bị kẻ khác lợi dụng.   

Ngô Thị Kim Cúc

 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi nhà và dòng sông biến mất (Phần 1)