Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu và ban hành các quy định trái pháp luật, lợi dụng lúc khó khăn, ùn tắc để tiêu cực, sách nhiễu, trục lợi.

Nghiêm cấm đơn vị đăng kiểm tự ý đưa ra quy định trái luật, trục lợi

Hoài Lam | 16/04/2023, 15:06

Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu và ban hành các quy định trái pháp luật, lợi dụng lúc khó khăn, ùn tắc để tiêu cực, sách nhiễu, trục lợi.

Tự ý đưa ra yêu cầu trái luật

Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) vừa có văn bản số 1379/ĐKVN-VAR về việc chấn chỉnh trong hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Cục ĐKVN cho hay đã nhận được phản ánh từ người dân và các phương tiện thông tin đại chúng về việc có một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (ĐVĐK) tự ý đưa ra các yêu cầu không đúng quy định tại Thông tư số 16 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Thông tư số 02 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.

Cụ thể, đơn vị đăng kiểm 63-02D yêu cầu chủ xe "cung cấp chứng từ bảo dưỡng, bảo trì, định kỳ, hình ảnh chứng minh công tác bảo dưỡng" và chỉ tiếp nhận kiểm định phương tiện khi chủ xe là chính chủ hoặc có giấy ủy quyền không đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.

Một số đơn vị 60-01S, 50-04V và 50-03S… chưa chủ động áp dụng linh hoạt việc đặt lịch hẹn kiểm định thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số thứ tự, dẫn đến tình trạng chủ phương tiện có tâm lý sợ mất lượt nên đã đưa các phương tiện đến xếp hàng sẵn trong và ngoài khu vực của đơn vị để chờ đến lượt (ăn, ngủ tại xe) vào kiểm định. Điều này càng tạo thêm áp lực cho ĐVĐK cũng như các phương tiện khác khi đi đăng kiểm, gây tâm lý mệt mỏi cho người đưa xe đi kiểm định cũng như gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đơn vị nói riêng và lĩnh vực đăng kiểm nói chung.

Ngoài ra, một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại Thanh Hóa từ chối tiếp nhận thực hiện việc cấp miễn kiểm định lần đầu hoặc đơn vị đăng kiểm 29-14D hẹn thời gian giải quyết cấp miễn kiểm định lần đầu quá dài; xuất hiện một số thông tin nhân viên ĐVĐK, cò xe tranh thủ tình hình ùn tắc để có hành vi tiêu cực nhằm trục lợi trong việc bố trí "xếp lốt" phương tiện không theo trình tự, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Trước những thông tin nêu trên, Cục ĐKVN nhận định đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đăng kiểm vào giai đoạn khi cả hệ thống đang gồng mình cố gắng từng ngày để từng bước lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Hoạt động kiểm định xe cơ giới là hoạt động cung cấp dịch vụ công cho xã hội đã được pháp luật quy định.

Nghiêm cấm ban hành các quy định trái pháp luật

Do đó, để khắc phục ngay tình trạng trên, Cục ĐKVN nghiêm cấm các ĐVĐK, các đăng kiểm viên và nhân viên đăng kiểm không được tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu và ban hành các quy định trái pháp luật, lợi dụng lúc khó khăn, ùn tắc để tiêu cực, sách nhiễu, trục lợi. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

dk.jpg
Cục Đăng kiểm chấn chỉnh trong hoạt động kiểm định xe cơ giới

Cục ĐKVN yêu cầu phải bố trí nhân viên nghiệp vụ chuyên trách để thực hiện các thủ tục tiếp nhận và cấp miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện đảm bảo được nhanh chóng, thuận tiện; không để tình trạng chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết.

Ngoài ra, cơ quan này yêu cầu chủ động vận dụng linh hoạt, khoa học, sáng tạo trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự (đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ), dây chuyền kiểm tra nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, nâng cao năng suất lao động; tổ chức thực hiện việc đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định (thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số trực tiếp).

“Tuyệt đối không để tình trạng chủ phương tiện xếp hàng chờ đợi tại khu vực đơn vị đăng kiểm không đúng khung thời gian đã đăng ký (đề nghị chủ phương tiện để xe tại nhà, cơ quan… và chỉ đến ĐVĐK theo đúng khung giờ đã đặt lịch) nhằm tránh tình trạng ùn tắc, tránh việc cò xe lợi dụng "chen ngang" gây mất trật tự an toàn và có các hành vi tiêu cực”, văn bản nêu.

Đối với trường hợp cảnh báo theo đề nghị của cơ quan cảnh sát giao thông, theo Thông tư số 15 của Bộ Công an, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính có thể do công an cấp xã, công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở giải quyết mà không phải do cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm đề nghị cảnh báo. Các đơn vị căn cứ nội dung xử lý vi phạm do chủ phương tiện cung cấp để tiến hành kiểm định theo quy định, đồng thời gửi thông báo về Phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam để cập nhật xóa cảnh báo.

Tiếp tục tăng cường đăng kiểm viên hỗ trợ các điểm nóng

Cục ĐKVN đã có các văn bản đề nghị các ĐVĐK hỗ trợ, tăng cường đăng kiểm viên cho các ĐVĐK tại khu vực Thủ đô Hà Nội và TP.HCM và một số điểm nóng khác.

Cho đến hiện nay, Cục ĐKVN ghi nhận sự hỗ trợ, cử đăng kiểm viên tham gia hỗ trợ của một số đơn vị đăng kiểm. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt là trong các tháng tới khi nhu cầu kiểm định tiếp tục tăng cao.

Do đó, Cục ĐKVN đề nghị các ĐVĐK căn cứ tình hình thực tế hoạt động tại đơn vị mình báo cáo tổ chức, động viên, khích lệ các đăng kiểm viên tham gia hỗ trợ, giải quyết tình trạng ùn tắc trong công tác đăng kiểm tại khu vực Hà Nội, TP.HCM và một số điểm nóng khác theo đúng tinh thần "tương thân, tương ái", phục vụ nhu cầu chính đáng kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp, hoàn thành trách nhiệm với xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung hướng dẫn của Cục ĐKVN tại các văn bản số 340 về việc nghiêm cấm sử dụng phần mềm can thiệp sửa đổi dữ liệu kết quả kiểm tra của thiết bị kiểm định xe cơ giới; văn bản số 485 về việc nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe cơ giới; văn bản số 911 về việc thực hiện một số giải pháp phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiêm cấm đơn vị đăng kiểm tự ý đưa ra quy định trái luật, trục lợi