Cơ sở kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình phải được cơ quan công an hoặc quốc phòng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Nghị định kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi hình, định vị chính thức được ban hành

Trí Lâm | 23/05/2017, 06:17

Cơ sở kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình phải được cơ quan công an hoặc quốc phòng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 66/2017/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Theo đó, chỉ các cơ sở kinh doanh sau đây mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp cho cơ sở kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị nêu trên.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp phải ghi rõ thời hạn dưới đây: Cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn theo quy định của pháp luật; giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn thì thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không vượt quá thời hạn ghi trong các văn bản đó.

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh có trách nhiệm quản lý chặt chẽ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và phải xuất trình Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ quan Công an, Quân đội và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Trường hợp cơ sở kinh doanh bị phá sản hoặc ngừng hoạt động kinh doanh thì Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không còn giá trị sử dụng. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động, cơ sở kinh doanh phải nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; lợi dụng hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự; cho mượn, cho thuê, mua bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê, sửa chữa trái phép thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị....

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về quy định này trước đó, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc phân định các nhóm đối tượng cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với nhóm cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (tạm gọi “nhóm cơ sở kinh doanh dân sự”) và nhóm cơ sở kinh doanh dân sự có điều kiện kinh doanh khó khăn hơn (phải được Bộ Công an có văn bản chấp thuận) là không công bằng, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Ông Vũ cho rằng, đã gọi là kinh doanh thì phải cạnh tranh công bằng, pháp luật quy định các điều kiện kinh doanh chung cho các chủ thể kinh doanh và tất cả các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện đó.

“Việc quy định các cơ sở kinh doanh “dân sự” phải có thêm văn bản chấp thuận là biểu hiện của sự phân biệt đối xử, không phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vừa nêu, thêm thủ tục hành chính, thêm giấy phép con và không đúng với tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh mà chính phủ đang chủ trương và quyết tâm thực hiện hiện nay”, ông Vũ nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi hình, định vị chính thức được ban hành