Lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia (H.Cần Giờ, TP.HCM), nhà đầu tư điều động hàng chục tàu hút, xáng cạp ngày đêm nạo vét, khai thác cát không đúng phạm vi nạo vét, nhưng không thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào can thiệp.

Rừng Sác Cần Giờ bị xâm hại vì khai thác cát

Theo Thanh Niên | 22/05/2017, 07:08

Lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia (H.Cần Giờ, TP.HCM), nhà đầu tư điều động hàng chục tàu hút, xáng cạp ngày đêm nạo vét, khai thác cát không đúng phạm vi nạo vét, nhưng không thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào can thiệp.

Ầm ầm đại công trình

Ngày 3.5, xuất phát từ bến phà Cát Lái (Q.2), PV tiếp cận công trường nạo vét, khai thác cát trên sông Gò Gia (H.Cần Giờ). Từ xa cả trăm mét đã nghe tiếng động cơ ầm ầm, phát ra chát chúa. Càng lại gần, công trường khai thác cát với cả chục tàu hút cát, xáng cạp, sà lan càng hiện rõ.

Theo tìm hiểu của PV, đây là dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia (đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu đến ngã ba sông Thị Vải thuộc H.Cần Giờ), chiều dài khoảng 7 km, theo hình thức tận thu bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước, do Công ty TNHH đầu tư - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Hoàng Minh (trụ sở Q.10) làm chủ đầu tư. Để tránh trường hợp khai thác cát trái phép, trong nội dung chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư của Bộ GTVT vào ngày 26.2.2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo: “Cục Hàng hải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu việc thực hiện nạo vét tại phạm vi các bến phao, không nạo vét ngoài phạm vi bến phao (mỗi bến phao đều có diện tích cụ thể trung bình từ 6 - 10 ha thì chỉ được phép nạo vét trong phạm vi này)... không để nhà đầu tư lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khai thác trái phép”.

"Ống hút phun cát xối xả qua sàn tàu, nước đục ngầu chảy từ trên tàu xuống lòng sông như thác. Không chỉ có hai tàu trên, mà nhiều tàu khác cũng quần thảo hút cát giữa lòng sông trong phạm vi luồng hàng hải sông Gò Gia. Theo quan sát của PV, nhiều hàng cây của rừng Sác nằm ven bờ ngả nghiêng, đổ ụp xuống vì không chịu nổi các tàu hút cát khai thác vào tận sát bờ"

Tại hiện trường nạo vét, PV ghi nhận cả chục tàu đang nổ máy ầm ầm, khói đen bay nghi ngút một vùng trời. Hầu hết tàu, sà lan đều mang số hiệu của Long An, Tiền Giang, TP.HCM. Các tàu này trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn cùng nhiều ống nhựa, ống cao su có đường kính khoảng 50 cm, tua tủa như vòi bạch tuộc. Một số tàu đậu tại chỗ, còn một số thì quần thảo ở giữa lòng sông rồi lại chạy vào cách bìa rừng Sác khoảng vài chục mét hút cát.

Lúc 17 giờ 27 phút ngày 3.5, tàu sắt dài khoảng 25 m (số hiệu LA-069...) đậu cách rừng Sác khoảng 20 m, ngang nhiên hút cát. Tương tự, lúc 18 giờ 3 phút cùng ngày, ở phía đối diện của tàu nói trên, tàu số hiệu SG-767... cũng đang chong đèn hút cát. Ống hút phun cát xối xả qua sàn tàu, nước đục ngầu chảy từ trên tàu xuống lòng sông như thác. Không chỉ có hai tàu trên, mà nhiều tàu khác cũng quần thảo hút cát giữa lòng sông trong phạm vi luồng hàng hải sông Gò Gia. Theo quan sát của PV, nhiều hàng cây của rừng Sác nằm ven bờ ngả nghiêng, đổ ụp xuống vì không chịu nổi các tàu hút cát khai thác vào tận sát bờ.

Các tàu trang bị lưới sắt, vòi hút để khai thác cát

Liên tiếp trong ngày 3 - 4.5, PV Thanh Niên ghi nhận, mặc dù khu vực ngã ba sông Gò Gia có phao luồng số 5 (H.Cần Giờ), phân chia giới hạn hàng hải, nguyên tắc là không được nạo vét trong phạm vi luồng hàng hải nhưng một số tàu vẫn ngang nhiên khai thác cát ồ ạt. “Theo thiết kế dự án, phương tiện nạo vét phải cách bờ từ 150 m và cấm nạo vét trong luồng hàng hải sông Gò Gia gây ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn giao thông đường thủy” - một cán bộ của Cảng vụ TP.HCM cho biết.

Hàng loạt vi phạm

Ngoài việc nạo vét sai vị trí, chủ đầu tư còn mắc nhiều vi phạm khác. Theo hợp đồng thực hiện dự án ký kết giữa họ với Cục Hàng hải, thời gian thi công bắt đầu từ ngày 28.6.2016 đến quý 1/2017 hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án nạo vét vẫn chưa thực hiện xong nên ngày 9.2.2017, chủ đầu tư xin gia hạn tiến độ thi công đến ngày 31.12.2017 hoàn thành. Ngày 8.3.2017, Bộ GTVT có công văn chấp thuận.

Nhiều cây rừng nghiêng ngả vì sạt lở

Trong nội dung đề nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết đề xuất xin gia hạn, Cục Hàng hải khẳng định với Bộ nếu được chấp thuận, Cục sẽ yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc việc thi công đúng phạm vi, vị trí, chuẩn tắc thiết kế; chỉ cấp phép thi công ban ngày, không được thi công ban đêm; chỉ chấp thuận thi công bằng tàu hút bụng hoặc xáng cạp, không sử dụng sà lan xả đáy, phương tiện nạo vét có ống hút, thiết bị sàng lọc cát; toàn bộ sản phẩm nạo vét được tận thu, không đổ thải xuống sông...

Thế nhưng, sau khi được gia hạn tiến độ thi công, theo ghi nhận của PV, đơn vị thi công vẫn sử dụng gần 10 tàu hút có ống hút, thiết bị sàng lọc cát khai thác cát, hoạt động ầm ĩ cả ngày lẫn đêm. Cụ thể, ngày 4.5, ống kính PV ghi hình được 7 tàu hút nối đuôi nhau “say sưa” khai thác cát, trên tàu có trang bị ống hút, đặt sàng lưới lọc cát; cát được hút lên qua sàng lưới này trước khi đổ xuống boong tàu. Các sản phẩm bùn, đất, đá, rác... dính lại trên sàng lưới được vòi nước xịt, xả thải xuống sông.

Xáng cạp xả bùn lại xuống sông

Trước đó, ngày 3.5, PV ghi nhận hai tàu hút cũng trang bị ống hút, sàng lưới khai thác cát trên đoạn sông này. Ngoài ra, dư luận nghi ngờ các tàu hút cát này đang nạo vét vượt quá độ sâu cho phép (theo thiết kế dự án các bến phao được duyệt nạo vét độ sâu từ 14,5 - 19,7 m - PV). Chiều 3.5, PV ghi nhận tàu hút cát số hiệu LA-069... đậu sát khu rừng Sác, mạn trái tàu có một ống nhựa lớn đang phun nước đục xối xả xuống mặt sông, cây sào sắt dài khoảng 40 m liên tục dộng lên, dộng xuống đáy sông, chỉ còn thừa khoảng 4 m. Vài phút sau, cây sắt được cắm toàn bộ xuống đáy sông, ống nhựa lớn phun nước đục ngầu xối xả từ trên tàu ra khỏi mạn thuyền xuống lại sông.

Cách đó không xa, tàu hút cát số hiệu SG-767... cũng đang chong đèn hút cát. Chiếc tàu gỗ này dùng cây sào sắt dài khoảng 20 m được cắm lút xuống đáy sông. “Tàu hút cát thường dùng cây sào sắt dài 25 - 45 m. Để hút cát, cây sào sắt này kẹp 1 ống soi, 1 ống hút, cắm xuống đáy sông; ống soi xịt nước đánh tơi cát ngay dưới lòng sông, cát thô sẽ được ống hút hút thẳng lên tàu. Nếu tàu hút cát cắm cây sào dài 45 m lút hết xuống sông thì có nghĩa độ sâu của đoạn sông đó ít nhất trên 40 m” - một chủ tàu từng hành nghề hút cát tiết lộ.

Đáng nói hơn, các đơn vị có trách nhiệm giám sát dự án và cơ quan chức năng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên sông lại không phát hiện vi phạm của “đại công trình” này...

Đàm Huy - Đức Tiến - Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng Sác Cần Giờ bị xâm hại vì khai thác cát