Tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép diễn ra ngang nhiên, khiến dư luận bức xúc có một phần nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền.

Khai thác cát trái phép làm 'nóng' nghị trường

Trí Lâm | 22/05/2017, 16:45

Tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép diễn ra ngang nhiên, khiến dư luận bức xúc có một phần nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền.

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 22.5, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết cử tri và nhân dân nhiều nơi rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, là nguyên nhân căn bản gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần phản ánh với Quốc hội, Chính phủ về tình trạng khai thác cát trái phép và nạn phá rừng, trong đó đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 4 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội nhưng việc khai thác cát trái phép và chặt phá rừng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày ý kiến cử tri và nhân dân trước Quốc hội - ảnh VGP

Công tác quản lý đất đai yếu kém, thu hồi, đền bù thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở và chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội”, ông Nhân cho hay.

Người đứng đầu MTTQ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật; chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài.

“Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có tuyên bố và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn quản lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và Nhân dân giám sát”, ông Nhân nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn với ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cho biết đã xuất hiện việc khai thác tài nguyên theo kiểu tận khai, tận diệt như khai thác cát, gỗ trái phép ở một số địa phương làm cạn kiệt nguồn nước, sạt lở bờ sông..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng tới khả năng phòng, chống thiên tai.

‘Việc để xảy ra tình trạng như trên là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chui kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách nhà nước không thu được.

Phát biểu ý kiến, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tình hình ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Xử lý vi phạm về môi trường còn bất cập; chế tài chưa nghiêm. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh ĐBSCL.

Do đó,Chính phủ sẽ tập trung rà soát các quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường; kiên quyết không cấp phép, dừng chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm cao; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường. Chỉ đạo các ngành, các cấp kiên quyết xử lý tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái phép.

“Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách và chế tài hình sự liên quan đến các vi phạm về môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát thực thi pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm vi phạm”, Phó thủ tướng nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác cát trái phép làm 'nóng' nghị trường