Báo Financial Times (Anh) hôm 4.11 cho biết xung đột Israel - Hamas đang làm suy yếu hoạt động du lịch tại nhiều quốc gia khu vực Trung Đông đúng lúc bắt đầu mùa cao điểm.

Ngành du lịch ở Trung Đông khốn đốn vì xung đột Israel – Hamas

Hoàng Vũ (theo FT, SCMP, The National) | 05/11/2023, 17:05

Báo Financial Times (Anh) hôm 4.11 cho biết xung đột Israel - Hamas đang làm suy yếu hoạt động du lịch tại nhiều quốc gia khu vực Trung Đông đúng lúc bắt đầu mùa cao điểm.

Ở Jordan, nơi du lịch chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội, một công ty lữ hành cho biết chiến tranh đã dẫn đến hàng loạt vụ hủy chuyến. “Cứ như vậy, hàng tháng trời lượng đặt chỗ đã biến mất”, đại diện công ty này chia sẻ.

nhieu-luot-dat-cho-du-lich-toi-ai-cap-bi-huy(1).png
Nhiều lượt đặt chỗ du lịch tới Ai Cập bị hủy do ảnh hưởng bởi xung đột giữa Israel và nhóm Hamas - Ảnh: Reuters

Khung cảnh xung quanh các điểm đến du lịch Jordan cũng khá ảm đạm. Tại Jerash, phía Bắc Jordan, người dân cho biết tuần này chỉ thỉnh thoảng mới có du khách, so với hàng trăm khách du lịch thường đến mỗi ngày.

Trong khi đó tại Petra - điểm đến nổi tiếng ở Jordan, một đại lý du lịch cho biết 80% số lượt đặt phòng khách sạn đã bị hủy và số lượng du khách châu Âu đến đây sụt giảm mạnh. Tại tỉnh Aqaba liền kề - cửa ngõ biển duy nhất của Jordan, các tàu du lịch đã ngừng cập bến.

Samer Al Majali, Giám đốc điều hành hãng hàng không Royal Jordanian (Jordan) cho biết công ty đang gặp khó khăn khi chuyển hướng các chuyến bay với chi phí tốn kém, nhiên liệu tăng cao và lượng du khách quốc tế giảm. “Chúng tôi là quốc gia gần nhất với xung đột này và bị ảnh hưởng khá tiêu cực bởi tất cả những gì đang diễn ra”, Majali cho hay.

Tại Ai Cập, nơi chính phủ đã nhờ đến Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều lượt đặt chỗ du lịch ở Sinai, giáp biên giới Gaza, đã bị hủy bỏ.

“Chúng tôi đã thấy báo cáo về việc hủy đặt phòng khách sạn ở Ai Cập. Chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể khiến Ai Cập mất hàng tỷ USD doanh thu du lịch chỉ trong năm tài chính này”, Farouk Soussa, nhà kinh tế khu vực của Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư đa quốc gia, trụ sở tại Mỹ - nhận định.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, các kim tự tháp của Ai Cập, du thuyền và đền thờ trên sông Nile cũng như sa mạc của Jordan đã chứng kiến ​​sự hồi sinh của ngành du lịch. Tuy nhiên, vào tháng 10, hai điểm đến gần Dải Gaza nhất này nhanh chóng bị dừng hoạt động.

“Trong khoảng 10 ngày qua, khi cuộc khủng hoảng gia tăng, chúng tôi đã chứng kiến số lượng khách bị hủy và trên hết là lượng đặt phòng thực sự giảm (ở mức 80% so với năm 2022 so với cùng kỳ) ở hai quốc gia này", Raouf Ben Slimane, người sáng lập công ty du lịch Pháp Thalasso N°1, nói hôm 1.11.

Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, cho biết tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai của Ả Rập Saudi vào tuần trước đã nhấn mạnh “sự không ổn định về tình hình khu vực sẽ ngăn cản dòng khách du lịch đổ về Trung Đông”.

Bộ trưởng Du lịch Lebanon Walid Nassar cho biết quốc gia của ông vốn phụ thuộc nguồn thu chủ yếu vào du lịch, chiếm khoảng 40% GDP - hiện phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế do xung đột Israel và Hamas.

Mặc dù làn sóng ảnh hưởng chưa được cảm nhận mạnh mẽ ở các điểm đến Trung Đông khác như Qatar, Dubai và Oman, hai quốc gia Bắc Phi gồm Tunisia và Maroc hiện đang ghi nhận lượng đặt phòng giảm 15 - 20%. 

Ngay tại chính Israel, ngành du lịch là một trong các ngành chịu thiệt hại nặng nề do xung đột. Quốc gia này đã trở thành điểm đến hàng đầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm bởi nhiều điểm tham quan nổi tiếng như thành cổ Jerusalem, Biển Chết (hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan), di tích cổ Masada, thành phố Tel Aviv sôi động với các nhà hàng thời thượng, cuộc sống về đêm và các bãi biển đẹp.

toan-canh-thanh-pho-j.jpg
Toàn cảnh thành phố Jerusalem - Ảnh: Getty

Tuy nhiên, kể từ ngày 7.10, những con đường ở thành cổ Jerusalem - nơi có những địa điểm linh thiêng đối với rất nhiều người hành hương đã trở nên vắng vẻ. Kể từ lúc xung đột Israel - Hamas bùng phát, nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa vì không có khách, trong khi các hướng dẫn viên du lịch mất đi việc làm vì các chuyến đi đến đây bị hủy.

Cuộc di cư của du khách nước ngoài là một đòn giáng mạnh vào ngành du lịch sinh lợi của Israel, một trong những ngành lớn nhất đất nước này, khi nước này đang hồi phục sau đại dịch COVID-19. Khu vực này chiếm 2,8% GDP và khoảng 3,5% tổng số việc làm.

Một ngày sau vụ tấn công của Hamas, Bộ Du lịch Israel cảnh báo người dân nên hạn chế đi lại và khách du lịch nên ở trong khách sạn hoặc trên tàu du lịch.

Chính phủ Mỹ, Anh đưa ra khuyến cáo công dân không nên di chuyển tới các vùng lãnh thổ Israel và Palestine nếu không cần thiết.

Elias al-Arja, người đứng đầu Hiệp hội Khách sạn Ả Rập, cho biết hầu hết các khách sạn ở Bờ Tây đã nỗ lực để giúp khách du lịch sơ tán sau khi xung đột bắt đầu. Ông tiết lộ, khoảng 90% khách sạn ở Bờ Tây hiện đang trống khách.

Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Khách sạn Israel, Yael Danieli, cho biết, một nửa số phòng khách sạn của Israel đang được sử dụng để làm nơi ở cho các gia đình sơ tán khỏi các cộng đồng gần Dải Gaza.

Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp ngoại giao cụ thể để giải quyết cuộc xung đột trước mắt, không rõ khi nào du khách nước ngoài mới có thể quay trở lại Israel và các nước trong khu vực.

Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành du lịch ở Trung Đông khốn đốn vì xung đột Israel – Hamas