Ngành bán dẫn Malaysia sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang leo thang, vì các hạn chế thương mại thúc đẩy nhiều công ty hơn xem xét quốc gia Đông Nam Á này là một giải pháp thay thế khả thi trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, theo các chuyên gia.
Thế giới số

Ngành bán dẫn Malaysia sẽ được hưởng lợi từ 'thế trung lập' trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Sơn Vân 21:40 17/02/2025

Ngành bán dẫn Malaysia sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang leo thang, vì các hạn chế thương mại thúc đẩy nhiều công ty hơn xem xét quốc gia Đông Nam Á này là một giải pháp thay thế khả thi trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, theo các chuyên gia.

Khi chính phủ Mỹ tiếp tục thắt chặt các hạn chế thương mại với Trung Quốc, Malaysia đang thấy nhiều cơ hội hơn để phát triển ngành bán dẫn của mình, vốn có lợi thế trong các hoạt động hậu cần như thử nghiệm chip và đóng gói, theo cuộc thảo luận nhóm tại hội nghị Trung Quốc: Đông Nam Á 2025 do tờ SCMP tổ chức tại Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) hôm 17.2.

"Trong ngành bán dẫn, chắc chắn tác động của cuộc chiến giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho Malaysia", Wong Siew-hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA), nhấn mạnh.

Ông cho biết các công ty trong ngành đang xem Malaysia như một giải pháp thay thế trong chuỗi cung ứng chip, vì nước này được coi là "quốc gia trung lập nên có thể phục vụ Mỹ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới".

Đánh giá đó phản ánh nỗ lực của Malaysia nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn dường như đang mang lại kết quả.

Tháng 5.2024, Malaysia đã công bố Chiến lược bán dẫn quốc gia, được hỗ trợ bởi 25 tỉ ringgit (5,6 tỉ USD) dưới dạng tài trợ và các ưu đãi nhắm mục tiêu. Kế hoạch này nhằm mục đích biến Malaysia thành một cường quốc về bán dẫn trong thập kỷ tới bằng cách mở rộng sang thiết kế chip, sản xuất cao cấp và đóng gói tiên tiến.

nganh-ban-dan-malaysia-se-duoc-huong-loi-tu-su-trung-lap-trong-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung.jpg
Bà Lim Li Lian: "Thương hiệu trung lập của Malaysia rất mạnh" - Ảnh: Nora Tam

Lim Li Lian, Phó giám đốc tại tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Malaysia Research For Social Advancement, đồng tình với nhận xét của Wong Siew-hai.

Bà Lim Li Lian cho biết: "Thương hiệu trung lập của Malaysia rất mạnh (không đứng hẳn về phía Mỹ hay Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ - PV)".

"Một trong những chiến lược tốt nhất mà Malaysia có thể cung cấp cho thế giới là sử dụng các công nghệ, dịch vụ và công ty bán dẫn của nước này", bà nói thêm.

Malaysia bắt đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình vào những năm 1970. Theo dữ liệu từ MSIA, Malaysia hiện là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 trên toàn cầu, chiếm 13% thị phần trong lĩnh vực thử nghiệm và đóng gói.

Nước này đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do các hạn chế thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Theo Lim Li Lian, ngày càng có nhiều công ty nước ngoài xem xét "đề xuất chi phí thấp hơn" của Malaysia như một cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng xu hướng này có thể chỉ là tạm thời, vì chính quyền Trump đã gây áp lực buộc các công ty hoạt động ngoài Mexico và Canada phải đưa quy trình sản xuất của họ đến Mỹ.

"Malaysia cần tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình. Tôi nghĩ rằng nguồn FDI dồi dào khi các công ty sử dụng Malaysia làm nơi xuất khẩu hàng sang Mỹ có thể sắp kết thúc, vì vậy chúng ta cần tìm kiếm các cơ hội khác", Lim Li Lian nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia chỉ ra rằng Malaysia vẫn phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng về rủi ro địa chính trị và nỗ lực chuyển hướng sang các lĩnh vực tiên tiến hơn của chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Malaysia "mạnh ở khâu hậu cần", nhưng "khá hạn chế" ở khâu đầu như thiết kế mạch tích hợp (IC) và chế tạo đĩa bán dẫn, theo Phang Ah-tong, Chủ tịch độc lập không điều hành tại JF Technology.

"Đó là những lĩnh vực mà chúng tôi muốn tập trung vào", ông cho biết. Một trong số đó là mảng bộ xử lý đồ họa (GPU), cung cấp chip cho các trung tâm dữ liệu phục vụ ứng dụng AI.

JF Technology là công ty Malaysia chuyên cung cấp các giải pháp giao tiếp thử nghiệm cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Được thành lập vào năm 1999, công ty tập trung vào thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm như ổ cắm thử nghiệm IC và các giải pháp thử nghiệm khác, nhằm đảm bảo hiệu suất cao trong quá trình kiểm tra chất lượng của các thiết bị bán dẫn.

Wong Siew-hai của MSIA nói thêm rằng Malaysia cần có nhiều công ty nội địa hơn tham gia vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước.

"Trong lĩnh vực thiết kế, chúng tôi có khoảng 30 công ty, nhưng chỉ khoảng 5 hoặc 6 hãng là của Malaysia. Con số đó vẫn chưa đủ", ông nhận xét.

Đầu tháng 12.2024, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã công bố triển khai sáng kiến "Penang Silicon Design @5km+" với mục tiêu đưa bang Penang trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn trong khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, ông Anwar Ibrahim nhấn mạnh rằng sáng kiến mới này sẽ góp phần định vị Penang nói riêng và Malaysia nói chung là trung tâm khu vực trong các lĩnh vực công nghệ giá trị cao, đặc biệt là chất bán dẫn và AI.

Thủ tướng Malaysia cho biết chính phủ liên bang đã quyết định phân bổ khoản ngân sách 50 triệu ringgit (11,3 triệu USD) để hỗ trợ Penang triển khai sáng kiến mới này.

Sáng kiến "Penang Silicon Design @5km+" được chính quyền bang Penang đề xuất nhằm xây dựng hệ sinh thái mới, kết nối các doanh nghiệp thiết kế và công nghệ mạch tích hợp (IC) trong bán kính hơn 5km tính từ Khu công nghiệp Bayan Lepas thuộc bang này.

Trọng tâm của sáng kiến là Khu công nghiệp kỹ thuật số và thiết kế IC, nơi cung cấp khoảng 93.000 mét vuông không gian văn phòng dành riêng cho thiết kế IC, nghiên cứu và phát triển cũng như đầu tư vào công nghệ số.

Sáng kiến này sẽ cung cấp các gói ưu đãi lên tới 2 triệu ringgit (hơn 452.600 USD) hàng năm cho mỗi công ty đăng ký đầu tư trong thời gian 3 năm, cùng với đó là việc thành lập một hệ thống quản trị để giám sát việc thực hiện các dự án.

Thủ hiến bang Penang - Chow Kon Yeow tuyên bố thu hút đầu tư chiến lược sẽ là trọng tâm ưu tiên của chính quyền Penang. Do đó, bang Penang sẽ nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ thực hiện mục tiêu này.

Được biết đến với danh xưng "Đảo Silicon", Penang đang nỗ lực khẳng định vị thế trong các lĩnh vực công nghệ giá trị cao. Chow Kon Yeow cho biết hiện có 30 công ty trong tổng số hơn 350 tập đoàn đa quốc gia (MNC) và 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang đầu tư trong trong ngành công nghiệp bán dẫn ở bang này. Ngành công nghiệp này dự kiến ​​sẽ đạt giá trị 84,16 tỉ USD vào năm 2030.

Hồi tháng 8.2024, Malaysia đã khai trương trung tâm thiết kế IC đầu tiên, ở bang Selangor.

Theo trang Nikkei, Malaysia là nhà cung cấp chất bán dẫn lớn nhất cho Mỹ, đáp ứng khoảng 20% ​​nhu cầu của nước này, nhưng muốn trở nên nổi bật hơn trong lĩnh vực đổi mới và thiết kế.

Trong bài phát biểu khai mạc tại Công viên thiết kế IC Malaysia ở bang Selangor, Rafizi Ramli (Bộ trưởng Kinh tế Malaysia) nói rằng nước này phải nắm bắt cơ hội "ngàn năm có một" vào bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu hiện nay.

Trải rộng trên diện tích khoảng 5.574 mét vuông, công viên tọa lạc tại Trung tâm Tập đoàn Tài chính Puchong, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 25km. Công viên bán dẫn này có thể chứa hơn 400 kỹ sư thiết kế chip từ các công ty trong nước và liên doanh.

Bài liên quan
Thái Lan tìm cách thu hút đầu tư chip khi thương chiến Mỹ - Trung mở màn
Hãng Reuters đưa tin Thái Lan đặt mục tiêu trong vòng 90 ngày xây dựng kế hoạch chiến lược cho ngành bán dẫn nhằm thu hút đầu tư mới giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc quay trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nghiên cứu khoa học cần có chính sách đột phá
4 giờ trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học cần có một chính sách mang tính đột phá, vì hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành bán dẫn Malaysia sẽ được hưởng lợi từ 'thế trung lập' trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung