Các thương hiệu smartphone Trung Quốc có bản sắc kép. Những chiếc flagship mà bạn thấy ở Trung Quốc thường không giống phiên bản được bán ở nước ngoài, gồm cả Việt Nam.
Flagship là chiếc điện thoại mạnh nhất, xịn nhất, có công nghệ tiên tiến nhất mà một hãng phát hành trong năm.
Dù các hãng như Xiaomi, Vivo, Oppo và Huawei đã mở rộng sự hiện diện trên thị trường quốc tế, vẫn có những khác biệt quan trọng giữa các mẫu flagship nội địa và quốc tế. Sự khác biệt có thể đến từ phần cứng, phần mềm hoặc chỉ đơn giản là do chiến lược tiếp thị.
Nếu bạn từng thắc mắc tại sao các flagship Trung Quốc lại có thông số kỹ thuật hơi khác hoặc mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác bên ngoài nước này thì đây chính là lý do.
1. Phần mềm – một trải nghiệm hoàn toàn khác
Một trong những khác biệt rõ rệt nhất giữa các flagship Trung Quốc và phiên bản quốc tế chính là phần mềm. Ở Trung Quốc, các dịch vụ của Google không tồn tại và điều này thay đổi mọi thứ. Những chiếc smartphone bán ra tại Trung Quốc không có Play Store, Google Maps hay Google Assistant. Thay vào đó, các nhà sản xuất dựa vào kho ứng dụng, dịch vụ bản đồ và trợ lý ảo AI của riêng họ.
Sự khác biệt này không chỉ ảnh hưởng đến việc có ứng dụng nào mà còn thay đổi toàn bộ trải nghiệm phần mềm. Các flagship Trung Quốc có sự tích hợp sâu hơn với nền tảng trong nước như WeChat, Alipay và Baidu.
Điều ấn tượng là việc không phụ thuộc vào Google đã thúc đẩy các hãng smartphone phát triển giải pháp riêng cho trợ lý giọng nói, chia sẻ file và nhiều tính năng khác. Điều tuyệt nhất là gì? Mọi thứ đều được xây dựng trên hệ sinh thái của Trung Quốc, tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn bản địa.
Về phiên bản quốc tế, các hãng phải điều chỉnh phần mềm để phù hợp với hệ sinh thái của Google. Điều này gồm cả việc thêm Google Play Services, tinh chỉnh trợ lý AI để hỗ trợ Google Assistant và đảm bảo các ứng dụng tuân theo tiêu chuẩn quốc tế.
2. Phần cứng giống nhau… nhưng không hoàn toàn
Trên giấy tờ, hầu hết flagship thương hiệu Trung Quốc trông giống nhau trên mọi thị trường. Song khi đi sâu vào chi tiết, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Đôi khi đó là những thay đổi nhỏ, như các tùy chọn bộ nhớ hoặc thiết kế hơi khác. Nhưng cũng có lúc, đó là những thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng.
Lấy Xiaomi 14 Ultra làm ví dụ, phiên bản Trung Quốc có pin lớn hơn 5300mAh, trong khi phiên bản quốc tế chỉ giới hạn ở 5000mAh. Tương tự, Oppo hay Vivo có thể tung ra flagship với mặt lưng gốm tại Trung Quốc, nhưng lại chỉ dùng kính thông thường cho bản quốc tế. Một số tính năng khác, chẳng hạn sạc nhanh, cũng có thể khác biệt giữa hai thị trường.
Còn một vấn đề quan trọng là băng tần mạng. Nhiều flagship Trung Quốc hỗ trợ các băng tần riêng cho thị trường trong nước, còn phiên bản quốc tế được điều chỉnh để hoạt động với nhiều băng tần LTE và 5G hơn ở châu Âu, Ấn Độ, Mỹ. Điều này rất quan trọng, vì nếu nhập khẩu một flagship Trung Quốc để dùng ở nước ngoài, khả năng tương thích mạng không phải lúc nào cũng đảm bảo.
3. Tính năng AI
Các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở nên quan trọng trong smartphone. Đây là lĩnh vực khác biệt rõ giữa flagship Trung Quốc và bản quốc tế. Ở Trung Quốc, các trợ lý giọng nói như Xiao AI của Xiaomi, Celia của Huawei và Breeno của Oppo được tích hợp sâu vào nhiều tác vụ hàng ngày.
Những trợ lý này hoạt động mượt mà với các dịch vụ trong nước, cung cấp tính năng dịch thuật theo thời gian thực, tích hợp vào WeChat và hỗ trợ thanh toán qua Alipay hoặc WeChat Pay.
Ở phiên bản quốc tế, những trợ lý này thường bị loại bỏ hoàn toàn hoặc chỉ đóng vai trò nhỏ. Thay vào đó, flagship được trang bị Google Assistant (hay Google Gemini), nhưng trợ lý này không tích hợp sâu vào hệ sinh thái của nhà sản xuất Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa một số tính năng AI gốc trên flagship ở Trung Quốc hoạt động mượt mà hơn bản quốc tế, dù chúng có thể đang chạy cùng một phiên bản phần mềm.
4. Quảng cáo
Nếu từng sử dụng một flagship Trung Quốc ngay khi mở hộp, có lẽ bạn sẽ thấy quảng cáo. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc giảm giá thành sản phẩm bằng cách cài sẵn ứng dụng và hiển thị quảng cáo trong hệ thống.
Xiaomi nổi tiếng với việc đặt quảng cáo trong ứng dụng hệ thống. Điều này khá phổ biến ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng chấp nhận trải nghiệm có quảng cáo để đổi lấy mức giá rẻ hơn.
Tuy nhiên ở phiên bản quốc tế, điều này không được chào đón. Dù một số hãng vẫn giữ lại ứng dụng cài sẵn nhưng người dùng quốc tế ít chấp nhận việc có quảng cáo trong menu cài đặt. Do đó, nhiều thương hiệu Trung Quốc đã giảm (nhưng không hoàn toàn loại bỏ) quảng cáo trong phần mềm trên phiên bản flagship quốc tế.
5. Chiến lược tiếp thị và định vị thương hiệu
Một khác biệt rõ hơn là cách các flagship Trung Quốc được tiếp thị. Tại Trung Quốc, các flagship này thường được bán như thiết bị phong cách sống, gắn liền với một hệ sinh thái cụ thể. Vivo và Oppo chẳng hạn, không chỉ bán điện thoại mà bán một trải nghiệm AI hoàn chỉnh, gồm tích hợp với nhà thông minh, bộ lọc làm đẹp tiên tiến cho ảnh selfie và chia sẻ file mượt mà với các thiết bị thương hiệu Trung Quốc khác.
Trên thị trường quốc tế, các hãng smartphone Trung Quốc lại có cách tiếp cận đơn giản hơn: Tập trung vào hiệu năng, công nghệ camera và thời lượng pin. Thay vì "khóa" người dùng vào hệ sinh thái của mình, họ nhấn mạnh vào thông số kỹ thuật thuần túy.
Huawei chẳng hạn, tập trung vào chất lượng camera và thiết kế khi tiếp thị các flagship phiên bản quốc tế của mình, thay vì quảng bá hệ sinh thái ứng dụng (vốn khó được ưa chuộng bên ngoài Trung Quốc do sự vắng mặt của Google).
6. Rẻ hơn ở Trung Quốc, ngay cả khi là cùng một mẫu máy
Một trong những điều khiến người mua quốc tế khó chịu nhất là giá bán. Các flagship Trung Quốc gần như luôn rẻ hơn khi bán trong nước, so với phiên bản quốc tế. Điều này chủ yếu là do sự khác biệt về chính sách thuế, cạnh tranh trong nước và chiến lược định vị thương hiệu. Các công ty như Xiaomi và Vivo có thể định giá smartphone cao cấp của họ rẻ hơn tại Trung Quốc nhờ mô hình bán hàng trực tiếp và chi phí phân phối thấp hơn.
Ví dụ, OnePlus 13 ra mắt tại Trung Quốc với mức giá thấp hơn đáng kể so với bản quốc tế, dù phần cứng gần như giống hệt nhau. Các hãng có thể bù đắp cho việc chênh lệch giá này bằng cách cung cấp dịch vụ bảo hành dài hơn, phụ kiện bổ sung hoặc chương trình khuyến mãi đặc biệt tại thị trường quốc tế. Song với nhiều người mua, sự chênh lệch giá này vẫn khó để chấp nhận.
7. Có nên nhập khẩu flagship Trung Quốc?
Sau khi đọc tất cả những điều trên, nếu bạn đang cân nhắc mua trực tiếp một flagship Trung Quốc thay vì chờ đợi phiên bản quốc tế, hãy nhớ rằng có những thứ phải đánh đổi. Với flagship nhập về từ Trung Quốc, bạn có thể nhận được phần cứng tốt hơn, cập nhật nhanh hơn và nhiều tùy chọn tùy chỉnh hơn, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với việc thiếu dịch vụ Google, hỗ trợ băng tần 4G/5G không đầy đủ và trải nghiệm phần mềm không thực sự tối ưu cho người dùng quốc tế.
Một số người am hiểu công nghệ có thể không bận tâm điều này vì có thể cài ROM quốc tế hoặc tinh chỉnh cài đặt để làm cho flagship phiên bản Trung Quốc hoạt động mượt mà hơn ở nước ngoài. Song với hầu hết người dùng, chờ đợi phiên bản quốc tế vẫn là lựa chọn tốt hơn vì được tối ưu hóa cho khu vực của bạn, có hỗ trợ Google đầy đủ và tránh được các vấn đề tương thích.
8. Kết luận
Các flagship Trung Quốc có thể mang cùng tên với phiên bản quốc tế, nhưng thực tế chúng là hai sản phẩm khác nhau. Phiên bản Trung Quốc thường được tích hợp sâu hơn với hệ sinh thái nội địa, đôi khi có thông số kỹ thuật tốt hơn và nhận cập nhật nhanh hơn. Trong khi đó, phiên bản quốc tế được tinh chỉnh cho đối tượng rộng hơn, gồm cả các dịch vụ của Google, hỗ trợ mạng tốt hơn và ít quảng cáo hơn.
Với hầu hết người dùng, những khác biệt này không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu bạn là một người đam mê công nghệ đang cân nhắc nhập khẩu flagship Trung Quốc, hãy suy nghĩ kỹ về những gì bạn được và mất.