Tất cả giao dịch liên quan đến tiền mã hóa như nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ… hiện không được chấp nhận qua hệ thống một số ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngân hàng thương mại đồng loạt ngăn chặn giao dịch tiền mã hóa

13/09/2018, 14:39

Tất cả giao dịch liên quan đến tiền mã hóa như nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ… hiện không được chấp nhận qua hệ thống một số ngân hàng thương mại Việt Nam.

Một số ngân hàng thương mại gần đây đã gửi thông báo đến khách hàng về việc không thực hiện các giao dịch tiền mã hóa, nhằm thực hiện chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến loại tiền này.

Chẳng hạn VIB cho biết tất cả giao dịch liên quan đến tiền mã hóa đều không được chấp nhận qua hệ thống của VIB như nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp mua, bán tiền mã hóa Bitcoin, Ethereum... với các đối tượng, sàn kinh doanh tiền mã hóa như Remitano, Binomo. Các giao dịch có liên quan đến tiền mã hóa nếu được phát hiện sẽ bị từ chối thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại PVcomBank, chỉ thị về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền mã hóa và đánh bạc trực tuyến cũng được ban hành.

Cụ thể, PVcomBank không thực hiện các giao dịch liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố; không cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, chuyển tiền quốc tế cho các khách hàng liên quan tới hoạt động kinh doanh tiền mã hóa, đánh bạc trực tuyến và các hành vi đánh bạc bất hợp pháp khác… Yêu cầu này được PVcomBank áp dụng trên toàn hệ thống để rà soát, ngăn chặn đối với các giao dịch tiền mã hóa tại ngân hàng.

Public Bank Việt Nam cũng khuyến cáo khách hàng không thực hiện giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền mã hóa. Ngân hàng này cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên của ngân hàng không tham gia hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư và kinh doanh Bitcoin, các loại tiền mã hóa tương tự khác; cũng như không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của ngân hàng để phục vụ cho các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết những giao dịch liên quan đến tiền mã hóa có thể được phát hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn của bộ phận chống rửa tiền, quản lý rủi ro của từng ngân hàng. Dù vậy, việc kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và rà soát, báo cáo giao dịch tiền mã hóa cũng gặp khó khăn.

Chẳng hạn, ngân hàng thương mại là trung gian thanh toán, thực hiện các lệnh thanh toán theo yêu cầu của chủ tài khoản trên cơ sở đánh giá rủi ro giao dịch theo quy định. Đồng thời, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về tiền mã hóa và hoạt động kinh doanh tiền mã hóa như dấu hiệu phát hiện giao dịch liên quan đến tiền mã hóa, danh sách các loại tiền mã hóa, sàn giao dịch, mã giao dịch và các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền mã hóa…

Thời gian qua hoạt động đầu tư, mua bán, huy động vốn qua phát hành tiền mã hóa, đặc biệt là việc sử dụng để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về yêu cầu tăng trưởng quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự.

Thái Phương/NLĐO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng thương mại đồng loạt ngăn chặn giao dịch tiền mã hóa