Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn cải thiện quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga, cựu đại sứ Nga ở NATO cảnh cáo khối liên minh quân sự phương Tây này “đã vượt lằn ranh đỏ” khi nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.
Theo Reuters ngày 4.4, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng 3 lãnh đạo các nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia,Litva), ông Trump nói “có khả năng tôicó quan hệ hữu hảo” với chủ nhân Điện Kremlin, nhưng ông cũng thừa nhận đấy không là điều chắc chắn.
Tổng thống Mỹ khẳng định “không ai cứng rắn hơn với Nga bằng tôi”, và ông đã thúc đẩy Quốc hội phê duyệt tăng chi quân sự Mỹ, thúc đẩy sản xuất năng lượng để Mỹ có thể trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng, cạnh tranh với Nga. Ông nói với các nhà báo: “Hiện chúng tôi độc lập về năng lượng, chúng tôi là một nước xuất khẩu năng lượng, đó là điều không tích cực cho Nga. Chúng tôi sẽ có lực lượng quân sự mạnh hơn và đó là điều không hay cho Nga”.
Ông Trump cũng nói đã khuyến khích các nước thành viên NATO tăng chi phòng thủ, tạo ra “hàng tỉ USD” cho khoản chi quân sự. Ông khen 3 lãnh đạo vùng biển Baltic đã đạt chỉ tiêu tăng 2% GDP mỗi nước cho chi quốc phòng trong năm 2018. Estonia đã đạt mục tiêu này năm 2017, nhưng Latvia và Litva chỉ mới chi 1, 75% và 1, 73% GDP cho khoản chi quốc phòng mỗi nước, theo số liệu mà NATO công bố hồi tháng 3.
Tổng thống Raimonds Vejonis của Latvia cam kết sẽ đạt chỉ tiêu do ông Trump đề ra. Lãnh đạo 3 nước vùng biển Baltic cũng bày tỏ sự tin tưởng cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh của Tổng thống Trump.
Mỹ cũng dự tính cấp số đạn hạn nặng trị giá 100 triệu USD cho Estonia-Latvia-Litva, cùng 70 triệu USD chi cho công tác trang bị vũ khí và huấn luyện quân nhân 3 nước này, theo Nhà Trắng cho biết. Mỹ cũng sẽ xây dựng khả năng phòng thủ và cơ sở hạ tầng năng lượng cho khu vực Baltic.
Cùng ngày 3.4 tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga minister Alexander Grushko (từng là đại sứ Nga ở NATO)nói với hãng tin nhà nước RIA Novosti: “Các nước NATO đang cố gắng tìm cách cân bằng quốc phòng với đối thoại, nhưng họ đã vượt qua lằn ranh đỏ. Về phát triển quân sự, NATO đã bắt đầu tái lập chiến lược Chiến tranh Lạnh mà lẽ ra hãy để yên nó trong quá khứ”.
Thứ trưởng Grushko cũng nói: “Việc NATO dàn quân gần biên giới Nga không có lý do chính đáng”.
Theo Washington Times, tuần qua, quân đội Nga đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và một hệ thống phòng chống tên lửa, để phản ứng trước thông tin NATO đang tập kết đông quân dọc biên giới giáp Nga. NATO cũng trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga.
Trên mặt trận phòng thủ của NATO, cũng nổi lên thông tin Ba Lan đồng ý mua hệ thống phònh thủ tên lửa Patriot trị giá 4, 75 tỉ USD của Mỹ.
Quan hệ Nga-phương Tây đang suy yếu, từ sau vụ hai bêntrục xuất các nhân viên ngoại giao, liên quan vụ cựu điệp viên phản Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok ngày 4.3 ở Salisbury (Anh). Tình báo Anh quytrách nhiệm cho Nga, nhưng Nga phủ nhận.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)