Những chiếc đũa rời rạc không thể tạo thành sức mạnh nếu không hợp thành một bó. Và 63 tỉnh thành Việt Nam cần có sự liên kết và thống nhất để tạo ra sức mạnh chung cho nền kinh tế nước nhà.

Nền kinh tế Việt Nam và bài học từ những chiếc đũa

Nhàn Đàm | 05/04/2016, 04:43

Những chiếc đũa rời rạc không thể tạo thành sức mạnh nếu không hợp thành một bó. Và 63 tỉnh thành Việt Nam cần có sự liên kết và thống nhất để tạo ra sức mạnh chung cho nền kinh tế nước nhà.

Không hẹn mà gặp, tất cả các vấn đề nóng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây đều hội tụ về cùng một tiêu điểm duy nhất, đó là yêu cầu về thống nhất nền kinh tế quốc gia.Từ tình trạng xử lý thiên tai hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long cho đến vấn đề giải quyết tình trạng kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay ODA, tất cả các vấn đề này đều có chung một yếu tố mấu chốt cần giải quyết, đó là tình trạng phân rẽ và tự cô lập về kinh tế của các tỉnh thành trong cả nước.

Nói như trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ tạihội thảo vừa được tổ chức vào ngày 3.4 vừa qua là Việt Nam cần chấm dứt tình trạng 63 tỉnh thành thì có 63 nền kinh tế. Một nền kinh tế cũng giống như một quốc gia, nếu không thể tạo sự liên kết và thống nhất giữa các bộ phận đơn lẻ, thì sẽ không thể tạo được sức mạnh phát triển.

Tình trạng thiếu liên kết vùng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc xử lý kém hiệu quả các vấn đề vĩ mô, mà gần nhất là việc giải quyết tình trạng hạn hán và xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên, hay vấn đề phát triển hạ tầng tại khu vực miền Trung. Các vấn đề vĩ mô có tầm ảnh hưởng trải rộng trên một khu vực có nhiều tỉnh thành đòi hỏi một sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành với nhau trong việc giải quyết.

Câu chuyện xóa bỏ tình trạng phân rẽ và tự cô lập về hành chính và kinh tế giữa các tỉnh thành trong cả nước trên thực tế không chỉ đáp ứng việc giải quyết các thách thức nóng trong thời gian qua mà cuộc hội thảo đề cập. Mà nó còn động đến nguyên nhân sâu xa của tình trạng phát triển dưới tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam những năm qua, cũng như nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề về sử dụng nguồn vốn vay ODA lãng phí và kém hiệu quả, dẫn đến nợ công của Việt Nam đã sắp kịch trần. Tất cả đều được hội tụ ở cùng một nguyên nhân: sự cô lập và chia rẽ cả về hành chính lẫn kinh tế giữa các tỉnh thành trên cả nước với nhau, cũng như giữa các tỉnh thành với trung ương.

Trước hết, tình trạng thiếu thống nhất này dẫn đến việc nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển đúng mức tiềm năng mà chúng ta đang có. Thay vì tập trung vào thế mạnh của riêng mình, thì các tỉnh đều đầu tư tràn lan ở hầu hết mọi lĩnh vực. Thay vì tập trung vào việc tạo ra chuỗi liên kết về giá trị giữa các tỉnh trong cùng một vùng với nhau, thì các tỉnh lại tạo các nền kinh tế riêng biệt và hoạt động một cách độc lập.

Nó dẫn đến việc tỉnh nào cũng có sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp tràn lan trên mọi lĩnh vực. Điều này không chỉ dẫn đến lãng phí rất lớn nguồn vốn đầu tư, mà còn cản trở nền kinh tế vận hành ở quy mô quốc gia, do thiếu một mối liên kết giữa các tỉnh với nhau, thay vì hợp tác thì các tỉnh thành lại cạnh tranh với nhau theo kiểu ăn thua, người thắng kẻ bại.

Hậu quả thứ hai của tình trạng thiếu thống nhất trong nền kinh tế quốc gia giữa các tỉnh thành, là áp lực về tài chính, nguồn vốn dẫn đến tình trạng nợ công của Việt Nam đang sắp kịch trần mà Quốc hội cho phép là 65%. Tình trạng độc lập về kinh tế giữa các tỉnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc sử dụng ngân sách đầu tư và nhất là nguồn vốn vay ODA trở nên cực kỳ lãng phí và kém hiệu quả, do tỉnh nào cũng có sân bay, bến cảng, nhà máy bia, vv…vv Chính vì hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư mà hầu hết là sử dụng từ vốn vay ODA quá kém cỏi, mà giờ đây Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng nợ công.

Theo tính toán của Bộ tài chính, mức chi trả nợ trong cả năm 2016 có thể chiếm tới 26% tổng thu ngân sách quốc gia. Gánh nặng nợ công quá lớn đang trực tiếp gây ra tình trạng thu ngân sách không đủ để trả nợ và chi thường xuyên, đang tạo ra sức ép buộc Việt Nam phải điều chỉnh và xiết chặt việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay ODA khẩn cấp hơn bao giờ hết nếu như không muốn đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Để làm được điều này, cũng như giải quyết được bài toán về liên kết vùng để xử lý các vấn đề về thiên tai hạn mặn và phát triển nền kinh tế đất nước trong những năm sắp tới, thì việc Việt Nam cần làm nhất ở thời điểm hiện tại là thống nhất nền kinh tế quốc gia, xóa bỏ tình trạng 63 tỉnh thành thì có 63 nền kinh tế biệt lập. Nếu không thể xóa bỏ tình trạng 63 nền kinh tế biệt lập, thì chắc chắn Việt Nam cũng sẽ không thể giải quyết được bài toán phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay ODA hiệu quả qua đó giảm gánh nặng nợ công khổng lồ trên vai, cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể cất cánh trong tương lai do sự chia rẽ giữa các tỉnh sẽ tiếp tục khiến tăng trưởng kinh tế không hiệu quả.

Với tình trạng tổ chức nền kinh tế cũng như hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay, không dễ để có thể thực hiện được mục tiêu đó. Hiện Hiến pháp của Việt Nam đang tạo ra khá nhiều khoảng trống về quyền hạn và quản lý tài chính cho chính quyền ở các địa phương dẫn đến tình trạng biệt lập giữa nền kinh tế của các tỉnh thành với nhau.

Luật đầu tư công của Việt Nam về lý thuyết áp dụng chung cho các dự án dùng ngân sách của cả cấp trung ương lẫn địa phương, nhưng khi mà ở cấp trung ương có sự giám sát của Kiểm toán nhà nước hay thanh tra chính phủ, thì việc giám sát các dự án ở địa phương gần như vẫn chưa có chế tài. Vì quyền phê duyệt đầu tư các dự án ở các tỉnh thành đã phân cấp về cho người đứng đầu tỉnh.

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng thừa nhận rằng, phần ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản là do địa phương quản, và Việt Nam hiện vẫn chưa có đủ chế tài để quản lý chặt ngân sách địa phương, vì Hiến pháp và pháp luật đã trao quyền cho địa phương quản lý và sử dụng toàn bộ nguồn vốn này, nên vấn đề phụ thuộc vào cán bộ ở các địa phương. Điều tương tự cũng diễn ra với việc phân bổ và giám sát sử dụng nguồn vốn vay ODA tại các địa phương.

Điều này có nghĩa là, nếu Việt Nam muốn thống nhất nền kinh tế quốc gia và xóa bỏ tình trạng 63 tỉnh thành thì có tới 63 nền kinh tế, thì hoặc là chúng ta phải thuyết phục và đặt niềm tin rằng các địa phương sẽ tự xóa bỏ cơ chế biệt lập về kinh tế và hành chính của mình cũng như chấp nhận sự giám sát chặt chẽ về ngân sách và nguồn vốn đầu tư từ trung ương – một điều gần như là khó tin. Hoặc là Việt Nam cần tìm cách đểtăng quyền hạn giám sát của trung ương với các địa phương để đảm bảo sự thống nhất của nền kinh tế quốc gia.

Một công ty sẽ không thể hoạt động hiệu quả hay thậm chí là ngưng hoạt động và phá sản nếu tất cả các phòng ban và bộ phận của nó hoạt động biệt lập và không liên kết với nhau. Một quốc gia cũng vậy.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế Việt Nam và bài học từ những chiếc đũa