Quý I năm 2016 có thể không phải là một khoảng thời gian tươi đẹp đối với nền kinh tế Việt Nam, ít nhất là trên khía cạnh giấy tờ sổ sách, khi tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt mức khá khiêm tốn là 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức 6,12% của quý I năm 2015.

Đã đến lúc Việt Nam cần trở thành “Quốc gia khởi nghiệp”

Nhàn Đàm | 02/04/2016, 15:32

Quý I năm 2016 có thể không phải là một khoảng thời gian tươi đẹp đối với nền kinh tế Việt Nam, ít nhất là trên khía cạnh giấy tờ sổ sách, khi tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt mức khá khiêm tốn là 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức 6,12% của quý I năm 2015.

Đó là chưa kể hàng loạt các vấn đề đang đè nặng lên nền kinh tế, như hạn mặn kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long, gánh nặng nợ công và bội chi ngân sách đã trở nên quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, đây có thể xem là những tín hiệu vui vì chúng ta đã dám công khai và nhìn thẳng vào các vấn đề nghiêm trọng nhất của đất nước và nền kinh tế. Và chỉ khi nhận thức rõ tất cả những khó khăn ấy, Việt Nam mới có thể “dám” bắt tay vào thực hiện mục tiêu và cũng là lối thoát duy nhất của đất nước và nền kinh tế là “trở thành một quốc gia khởi nghiệp”. Trở thành quốc gia khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc giải phóng tối đa tất cả tiềm năng của người dân trong việc phát triển kinh tế, dựa trên việc mỗi người tự tìm lấy lợi thế sở trường của mình với sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ.

Đó không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu kêu gọi suông, hay chỉ là một động thái đi theo trào lưu đang rất mốt trên thế giới hiện nay. Trên thực tế, số quốc gia có thể được xem như thành công trong việc trở thành một quốc gia khởi nghiệp trên thế giới không có nhiều, mà Israel là một ví dụ điển hình. Chỉ với một dân số ít ỏi là 8 triệu người, nhưng Israel lại đang là một nền kinh tế cực kỳ phát triển với cốt lõi là thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của mình.

Mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp, vô tình lại đang được xem là rất phù hợp để áp dụng vào nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại. Trước hết tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm sắp tới do quá trình đô thị hóa, nhất là ở lứa tuổi dưới 25, tức những sinh viên vừa mới tốt nghiệp các trường đại học; và thứ hai là xu hướng chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ đang gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Sự dư thừa nguồn cung lao động có xu hướng gia tăng và vượt ra ngoài khả năng hấp thụ của nền kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có thể khởi động chương trình quốc gia khởi nghiệp.

Cụ thể, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), trích dẫn báo cáo về tình hình lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê, thì trong số 1,12 triệu người thất nghiệp hiện nay thì có tới 48% là trong độ tuổi từ 15-24. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong toàn quốc là 6,47% và cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên. Đó là chưa kể 17,47 triệu lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định chiếm tỷ lệ 56,4%. Cùng với đó là khoảng 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động mỗi năm, cùng hàng chục triệu người chuyển dịch khu vực lao động từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm. Đó sẽ là những áp lực rất nặng nề đối với nền kinh tế và là một trong những vấn đề cấp thiết cần giải quyết nhất trong tương lai.

Để tận dụng và khai thác tối đa nguồn nhân lực dư thừa đó trong việc phát triển kinh tế, thì giải pháp hữu hiệu nhất là thực hiện chương trình “quốc gia khởi nghiệp”. Đó cũng là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc khi ông kêu gọi đề nghị kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) lần này nên là kế hoạch quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là đạt được từ 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, như thế sẽ có thể tạo được khoảng 30 - 40 triệu việc làm bền vững trong nền kinh tế Việt Nam, vì ông Lộc cho biết “cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước”.

Trong thời điểm hiện tại, rõ ràng việc trở thành một quốc gia khởi nghiệp là lối thoát duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Vì một thực tế là cả khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều không thể hấp thụ và giải quyết hết lượng lao động dư thừa trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Khu vực DNNN thì đang có xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động, còn khu vực FDI vẫn thiên về thâm dụng lao động trình độ thấp. Theo thống kê, số lao động có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% tổng số lao động thất nghiệp trong cả nền kinh tế. Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng báo động, không chỉ cho nền giáo dục Việt Nam, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nữa. Vì một nền kinh tế có lượng cử nhân đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ lớn như vậy, là một nền kinh tế bị đặt dấu hỏi về trình độ phát triển khi quá tập trung vào tuyển dụng những người lao động trình độ thấp và chủ yếu thực hiện giai đoạn gia công và thâm dụng lao động đơn giản.

Những sự kiện gần nhất diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua càng chứng tỏ lối thoát duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể là trở thành quốc gia khởi nghiệp. Trước hết, thiên tai kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long do hạn mặn chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động rất mạnh. Do thiệt hại và khó khăn trong khôi phục sản xuất nông nghiệp chắc chắn lượng lao động từ nông thôn đổ về các đô thị tìm việc sẽ nhiều hơn. Đó cũng là tình trạng chung của cả nền nông nghiệp Việt Nam, khi tình trạng trì trệ ngày càng kéo dài đang dẫn đến số người bỏ ruộng đổ về các thành thị ngày càng nhiều. Nếu như trước đây tỷ trọng lao động chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc vào mức độ phát triển và mở rộng của các ngành này, thì điều đó giờ đây đã không còn đúng nữa. Lượng lao động từ nông thôn đổ về thành thị sẽ ngày càng tăng trong tương lai.

Ngoài ra, đó cũng là giải pháp cho tình trạng căng thẳng về nợ công và bội chi ngân sách quốc gia thời gian vừa qua. Rõ ràng là không hợp lý khi mà ngân sách quốc gia đang ở trong tình cảnh “thu không đủ chi” mà cả nước lại có tới hàng triệu người đang thất nghiệp và hàng chục triệu đang lao động tại khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định.

Để tối ưu hóa tất cả tiềm năng của nền kinh tế thì trở thành quốc gia khởi nghiệp là một giải pháp hữu hiệu. Con số 500.000 - 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quá thấp và đó là lý do dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng cũng như số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức quá nhiều. Đó thực sự là một sự lãng phí lớn khi mà theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) thì Việt Nam chỉ có thể duy trì trạng thái dân số trong độ tuổi lao động vàng từ 15 - 20 năm nữa mà thôi. Chúng ta đã nói quá nhiều về việc những người trẻ tuổi trong xã hội đang lãng phí tuổi thanh xuân của mình mà quên mất rằng Việt Nam cũng đang là quốc gia đang lãng phí tuổi thanh xuân của chính mình. Hiện tại cái mà những người trẻ tuổi cần là việc làm và khởi nghiệp và cái mà Việt Nam đang cần ở tầm quốc gia cũng là khởi nghiệp.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Cafebiz)
Bài liên quan
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã đến lúc Việt Nam cần trở thành “Quốc gia khởi nghiệp”