Người dân huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) rất bức xúc khi chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 trong quá trình xây dựng đã làm tan nát tuyến đường độc đạo, gây khó khăn đi lại. Tuy nhiên, chủ đầu tư khi được hỏi thì lại có cách giải thích rất khác.

Nát đường vào thủy điện: Do doanh nghiệp hay tại thiên tai?

Lê Đình Dũng | 11/08/2017, 18:04

Người dân huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) rất bức xúc khi chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 trong quá trình xây dựng đã làm tan nát tuyến đường độc đạo, gây khó khăn đi lại. Tuy nhiên, chủ đầu tư khi được hỏi thì lại có cách giải thích rất khác.

"Đường nát hết rồi"

Dự án thủy điện Sơn Trà 1 do Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư tại xã Sơn Lập (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi). Thủy điện Sơn Trà 1 có tổng công suất 60MW với 2 nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A có công suất lắp máy 30MW vànhà máy thủy điện Sơn Trà 1B có công suất lắp máy 30MW; tổng mức đầu tư 1.900 tỉ đồng.

Dự án đang trong thời gian xây dựng nhưng đã khiến người dân phản ứng vì làm hư hỏng đường sá nghiêm trọng. Mới nhất, trong kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa qua, cử tri xã Sơn Lập đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền làm việc với Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ĐH83 qua địa bàn xã Sơn Lập vì từ khi thủy điện vào thi công đến nay đường đã xuống cấp nghiêm trọng, đi lại rất khó khăn. Đồng thời, làm đường bê tông xi măng nối dài từ xóm Ông Loan thôn Tà Ngàm qua xóm Ông Đất thôn Mang Rễ và làm cầu Tà Ngàm qua đoạn đường trên.

Nhà quản lý vận hành thủy điện Sơn Trà 1 đóng tại xã Sơn Lập

Theo tỉnh Quảng Ngãi, tuyến đường Sơn Tân - Sơn Lập (ĐH83, ĐH82) là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối các xã Sơn Tân, Sơn Màu, Sơn Tinh, Sơn Lập với trung tâm huyện Sơn Tây; đồng thời cũng là tuyến giao thông kết nối từ QL24B đến tỉnh lộ 623 Quảng Ngãi với huyện Kon Plông (Kon Tum) với chiều dài là 44,9km. Hiện nay, tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Lý do được xác định một phần do Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi vận chuyển thiết bị có trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường này.

Ngày 13.1.2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi có công văn đề nghị công ty 30.4 Quảng Ngãi tự sửa chữa để đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển vật tư thiết bị bằng nguồn kinh phí của công ty. Tuy nhiên công ty này chỉ sửa chữa những hạng mục nhỏ như vá nền đường, khai thông mương thoát nước…

“Trong các cuộc họp tiếp xúc, cử tri liên tục có ý kiến đề nghị sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này. Ngày 5.5.2017, tại buổi tiếp xúc cử tri với đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, vấn đề này đã được phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi sửa chữa, khắc phục”, báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Nhiều vị trí đường ĐH82, ĐH83 bị hư hỏng nặng. Chủ đầu tư dự án thủy điện cho rằng những đoạn hư hỏng như trong hình là do thiên tai chứ không phải do xe công trình chạy

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Sơn Lập cho biết: “Đường nát hết rồi. Đường này chỉ tải trọng 13 tấn nhưng họ cho những xe tải nặng đi vào nên hư đường”.

Ông Dương nhận định rằng, nếu so với trước đây thì những chỗ họ vá và sửa chữa là vẫn chưa chấp nhận được nên khi hoàn thành công trình, đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện việc sửa chữa hoàn trả lại hiện trạng đường.

“Đề nghị cấp trên có những ràng buộc đối với chủ đầu tư rõ hơn để họ phải trả lại tuyến đường nguyên trạng như ban đầu sau khi thủy điện vận hành”, ông Dương đề xuất.

>>Phá rừng làm thủy điện là 'tội đồ’

>>Quảng Ngãi quyết theo thủy điện 'siêu nhỏ' 0,7 MW

Đường hỏng do ai?

Ông Đinh Gia Nội, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi khi được hỏi về những phản ảnh của cử tri huyện Sơn Tây như trên đã cho rằng những vị trí đường hư nặng là do thiên tai, do xe chở keo của dân chứ xe thủy điện "chạy đúng tải trọng", do đódoanh nghiệp không thể bỏ tiền đi sửa hết toàn bộ con đường.

“Chúng tôi đang triển khai sửa chữa đường giai đoạn 2, tuy nhiên với những đoạn đường hư hỏng do thiên tai thì chúng tôi không thể sửa được mà phải là huyện, chúng tôi cũng đã đi cùng Phòng hạ tầng của huyện Sơn Tây lập biên bản ghi nhận những chỗ hư hỏng đó”, ông Nội nói.

Xe chở vật liệu và thiết bị của thủy điện Sơn Trà 1 chạy qua xã Sơn Lập

Theo ông Nội: “Mục đích là muốn nhà đầu tư nộp tiền về cho huyện để huyện nâng cấp con đường đấy, tổng mức đầu tư tính toán lên 59 tỉ. Chúng tôi đã báo cáo với chỗBí thư Huyện uỷ Sơn Tây Đinh Cà Để,thì Bí thư bảo việc đấy vô lý, vì hạ tầng phải làm để mời nhà đầu tư vào chứ sao bắt việc đấy. Sau tôi bảo là cũng làm dự án đấy nên hỗ trợ bên huyện để sửa chữa, khắc phục đường để đi”.

“Chúng tôi đã họp với huyện và thống nhất xác định hiện trạng ban đầu, sau đó lên phương án, chốt được con số là 8,7 tỉ để sửa chữa nhiều giai đoạn. Sau đó có cuộc họp nữa, huyện giao việc sửa chữa đó cho nhà đầu tư khi mà xong dự án thì hoàn trả dự án như hiện trạng ban đầu”.

Thủy điện Sơn Trà 1 đang trong giai đoạn tích cực xây dựng

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi cho hay: “Chúng tôi đã sửa chữa được 1 đợt và hiện đang sửa chữa đợt 2, dự kiến sẽ sửa chữa thêm đợt 3".

Thủy điện Sơn Trà 1 là một trong ba dự án thủy điện từng được lãnh đạo huyện Sơn Hà thay mặt 71.000 dân năn nỉ tỉnh Quảng Ngãi đừng xây vì có nguy cơ mất rừng và xảy ra nhiều hệ lụy. Đến nay, các dự án này lần lượt được cho phép triển khai xây dựng.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nát đường vào thủy điện: Do doanh nghiệp hay tại thiên tai?