Sáng 16.4, Dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài ĐBSCL phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức sự kiện ra mắt Phòng thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch và tập huấn quy trình vận hành chuẩn (SOP) cho các giống xoài để kéo dài thời gian bảo quản.
Khoa học - công nghệ

Nâng cao thời gian bảo quản trái xoài đến 35 ngày

Bình Minh 17/04/2024 17:00

Sáng 16.4, Dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài ĐBSCL phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức sự kiện ra mắt Phòng thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch và tập huấn quy trình vận hành chuẩn (SOP) cho các giống xoài để kéo dài thời gian bảo quản.

Phòng thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch ở Viện Cây ăn quả miền Nam được thiết kế tương tự như một nhà máy đóng gói thu nhỏ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để xử lý, sơ chế các loại trái cây.

dam-1.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong giới thiệu quả xoài sau 3 tuần bảo quản với quy trình vận hành chuẩn (SOP) - Ảnh: Bình Minh

Phòng thí nghiệm gồm hệ thống kho bảo quản thực hiện các nghiên cứu và mô hình tồn trữ lạnh, phòng lab nghiên cứu bệnh, phòng phân tích đánh giá chất lượng, cảm quan sản phẩm sau tồn trữ, phòng nghiên cứu chế biến rau quả, phòng nghiên cứu bệnh, phòng tập huấn, chuyển giao công nghệ… Đặc biệt, tại đây đang ứng dụng một trong những công nghệ bảo quản tiên tiến nhất hiện nay là hệ thống bảo quản CA - tức là kiểm soát thành phần không khí.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Sinh lý sinh hóa và công nghệ sau thu hoạch, cho biết một trong những thách thức lớn của ngành hàng trái cây tươi Việt Nam bệnh thối trái sau thu hoạch. Hiện nay, công nghệ xử lý nước nóng là công nghệ an toàn và kiểm soát tương đối hiệu quả đối với bệnh thối trái sau thu hoạch, tuy nhiên cần phải được thực hiện đúng cách.

dam-2.jpg
Những quả xoài thí nghiệm bảo quản có kết quả tốt - Ảnh: Bình Minh

Cũng theo ông chia sẻ, nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ này nhưng hiệu quả không cao do chưa thực hiện đúng cách. Phòng thí nghiệm sẽ là nơi để chuyển giao, chỉ dẫn doanh nghiệp những điểm cần khắc phục khi áp dụng công nghệ bảo quản nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là kiểm soát bệnh thối trái, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Cũng tại phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong một lần nữa đã giới thiệu đến với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy trình vận hành chuẩn để kéo dài thời gian bảo quản đối với 3 giống xoài gồm: cát Hòa Lộc, cát chu và xoài tượng da xanh, đồng thời giải đáp các vấn đề xử lý mủ xoài, điều kiện vận chuyển, đóng gói, bảo quản...

Sau đó, người tham dự tập huấn còn được tham gia đánh giá chất lượng xoài từ các giống xoài khác nhau khi được áp dụng vận hành chuẩn SOP sau 3 tuần quản lý ở 13 độ C. Thông qua chương trình tập huấn, các học viên đã tiếp cận quy trình vận hành SOP một cách dễ dàng và có thể áp dụng vào điều kiện sản xuất của đơn vị mình.

Ông Đỗ Quang Trường, Trưởng nhóm Dự án nâng cao chuỗi giá trị xoài tại ĐBSCL, cho biết từ năm 2021 đến nay, dự án đã triển khai hỗ trợ giúp đỡ bà con canh tác xoài theo hướng bền vững. Bước đầu, dự án đã thu hút được 10 hợp tác xã và 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán xoài tại hai tỉnh có vùng canh cây xoài lớn ở ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang.

dam-3.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong với khách tham quan sản phẩm thí nghiệm - Ảnh: Bình Minh

Thông thường, thời gian bảo quản của trái xoài tươi sau thu hoạch chỉ từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, quá trình vận hành chuẩn được nghiên cứu từ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam đã giúp kéo dài thời gian bảo quản tối thiểu đến 21 ngày, thậm chí đến 35 ngày.

Ông Trường nêu, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình bảo quản do dự án chuyển giao và xuất khẩu thành công nhiều lô xoài bằng đường tàu biển sang Mỹ, Úc, Newzealand, Hàn Quốc thay vì bằng đường máy bay rất tốn kém. Dù đến Mỹ mất đến 35 ngày nhưng trái xoài vẫn được bảo quản tốt, chất lượng không giảm.

Ngoài việc tập huấn đào tạo cho các đối tác tham gia vào dự án như là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và nông dân, dự án cũng mở lớp đào tạo cán bộ nguồn là cán bộ quản lý ngành nông nghiệp các địa phương như: Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm dịch vụ nông nghiệp để họ trở thành những cán bộ giảng dạy trở lại cho địa phương.

Dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài ĐBSCL do Tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ), Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, được tư vấn và thực hiện bởi Fresh Studio. Dự án đặt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trồng xoài ở ĐBSCL thông qua việc nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cũng như bảo quản sau thu hoạch.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao thời gian bảo quản trái xoài đến 35 ngày